Trong khoảng thời gian từ 6 tháng tuổi trở lên, kỹ năng nghe của bé đã phát triển rất tốt, và thời điểm này là thời điểm tốt để phụ huynh bắt đầu đọc sách cho bé. Đừng lo lắng là bé chưa biết nói thì sao bé có thể hiểu. Bé hiểu rất tốt là đằng khác, có điều bạn cần phải kiên nhẫn và dần dần bạn sẽ ngạc nhiên về những gì bé biết cho mà xem.
Bạn có thể thấy thậm chí khi bé còn nhỏ, chỉ mới ê ê a a những âm thanh ngộ nghĩnh, thì bé đã có thể nghe và hiểu rất tốt những gì chúng ta nói. Chính trong thời gian đó, bé đang học để hình thành kỹ năng ngôn ngữ như nghe, hiểu và nói mặc dù bé chưa nói được. Chính cách chúng ta giao tiếp với bé sẽ giúp bé phát triển kỹ năng ngôn ngữ tốt hơn và giúp bé có thể hoàn thiện kỹ năng nói của bé. Những quá trình này đòi hỏi một thời gian dài, từ vài tháng trở lên để chúng ta có thể nhìn thấy sự thay đổi. Tuy nhiên, bạn đừng nên kỳ vọng quá nhiều vào kết quả, bạn hãy coi việc đó như là bạn đang chơi trò chơi cùng bé vậy.
Sau đó hãy liên tục duy trì thói quen đọc sách cho bé mỗi ngày, đừng gián đoạn. Mỗi ngày chỉ cần chừng 15′ trước khi đi ngủ, đọc cho bé một câu chuyện ngắn ngắn, kể cho bé nghe một truyện cổ tích ngắn, hoặc đọc cho bé nghe một bài thơ, hát cho bé nghe một bài hát, bé sẽ rất thích đấy. Hãy để bé coi việc đọc sách là một phần thưởng của mình.
Từ 2 tuổi, bé có thể không tập trung nhưng cần kiên trì với bé. Nên chọn những loại sách đơn giản, có nhiều hình ảnh, nội dung chủ yếu giúp bé phân biệt các loại con vật, cây cối, các bộ phận trên cơ thể người. Bé mới 2 tuổi, chưa có khả năng đọc sách, chỉ có thể xem sách (xem hình ảnh). Mẹ hãy mua cho bé các tập sách nhỏ xíu (7 x 7 cm) bằng bìa giấy cứng để bé không xé và nhai được. Buổi tối, mẹ lật sách ra và dựa theo các hình vẽ đơn giản đó để “đọc” cho bé nghe một câu chuyện theo hình ảnh.
Sau đó chuyển sang đọc cho bé những câu chuyện có nội dung dài hơn, vẫn xoay quanh những cây cối, con vật, nhưng cần có nhiều hình ảnh để minh họa.
Tiếp đến, mẹ có thể đọc cho bé nghe tuyển tập 365 chuyện kể hàng đêm, rồi chuyện cổ tích Việt Nam, chuyện cổ Grim, chuyện cổ Andersen.
Đến khi bé bắt đầu làm quen với chữ thì bạn có thể tập cho bé đọc sách được rồi. Lúc đầu, có thể đố bé tìm chữ a, chữ b hoặc chữ bé đang học trong cuốn sách mà bạn đang đọc cho bé. Dần dần khi bé tập đánh vần, bạn có thể đố bé tìm những chữ có vần mà bé đang học. Bạn có thể tìm ra trò chơi thú vị với những cuốn sách yêu thích của bé. Rồi khi bé biết đọc, bạn có thể yêu cầu bé đọc một dòng tiêu đề, 1 dòng chữ, 1 đoạn văn và dần dần cả trang sách. Một thời gian, bé có thể đọc cả cuốn truyện nhỏ rất dễ dàng. Và nhớ hãy tìm những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi của bé nhé. Nếu duy trì việc này đều đặn, bạn sẽ không còn phải lo lắng việc bé có học tốt tiếng Việt ở trường không đâu, vì bạn đã chuẩn bị rất tốt cho con bạn trong suốt 5 năm trước khi đi học rồi.
Tổng hợp