Những “báo động giả”:
Có thể ngay từ tam cá nguyệt đầu tiên, bạn đã cảm thấy những cơn co thắt, khi cơ thể bạn đang điều chỉnh để quen với việc mang thai. Những dây chằng quanh tử cung giãn ra có thể gây nên sự co thắt, cũng như sự mất nước, táo bón… Nếu những điều này đi cùng với việc chảy máu và/hoặc đau bụng, bạn cần đi khám ngay để loại trừ các khả năng bị thai ngoài tử cung hoặc nguy cơ sảy thai.
Cũng trong khoảng thời gian mới mang thai, bạn có thể cảm thấy những cơn co thắt khi “lên đỉnh” cùng chồng. Hãy yên tâm là nếu bạn có một thai kỳ bình thường, không bị biến chứng thì việc đạt được cực khoái và có những cơn co thắt do quan hệ như vậy – dù có hay không có giao hợp – đều không làm tăng nguy cơ sinh non.
Ngoài ra, đôi khi cảm giác khi thai máy cũng khiến nhiều mẹ nhầm lẫn với những cơn co thắt tử cung. Có nhiều việc phải cần đến sự ra tay của chuyên gia y tế, nhưng việc phân biệt cơn co thắt tử cung với thai máy thì bạn có thể tự làm được rất đơn giản: bạn hãy nằm xuống, đặt tay lên bụng, phía trên tử cung của mình; nếu toàn bộ tử cung của bạn cứng trong lúc các cơn co thắt diễn ra thì đó có thể là thật, còn nếu chỗ cứng chỗ mềm thì có thể chỉ là con bạn đang vận động chút thôi, đừng lo lắng nhé!
(Ảnh: Internet)
Sau tuần thai thứ 34, các mẹ bầu bắt đầu cảm nhận được rõ và nhiều hơn những cơn co thắt diễn ra ngẫu nhiên, không đều đặn, được biết đến với cái tên những cơn gò Braxton-Hicks. Nếu những cơn co thắt diễn ra mỗi 10 phút hoặc ít hơn, một cách đều đặn, hãy thông báo những diễn biến này cho bác sỹ. Còn nếu bạn không có những cơn co thắt báo hiệu sinh non như trên thì đó thường chỉ là những cơn gò Braxton-Hicks có thể được làm dịu đi bằng cách nghỉ ngơi, uống nhiều nước, tắm nước ấm, làm rỗng bàng quang và hít thở đều đặn, nhịp nhàng.
Rồi sẽ đến lúc báo động thật sự đến:
Nếu bạn đã gần đến ngày dự sinh, hãy bắt đầu lưu ý đến những cơn co thắt của mình, xem chúng kéo dài bao lâu, khoảng cách giữa chúng (đo từ lúc bắt đầu cơn co thắt trước đến khi bắt đầu cơn co thắt sau), chúng có diễn ra đều hay không, có đau đến mức khó nói chuyện bình thường được hay không? Bạn được cho là đã bước vào giai đoạn chuyển dạ nếu những cơn co thắt kéo dài khoảng 1 phút và đều đặn lâu hơn 5 phút.
Lưu ý:
Nếu bạn cảm thấy không thoải mái giữa những cơn co thắt này, hoặc nếu nhà bạn không ở gần trung tâm y tế, hãy chuẩn bị để xuất phát đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được các chuyên gia y tế giúp đỡ, xác định tình trạng.
Nếu bị ra máu, dù xuất hiện cùng hay không cùng những cơn co thắt, bạn cũng đều cần báo với bác sỹ, vì lý do an toàn – dù có thể không phải lúc nào việc này cũng nguy hiểm.
Theo webtretho