Một chú ong thợ, nếu được cho ăn một loại thức ăn nhất định, trong một thời kỳ nhất định, về sau có thể trở thành ong chúa. Nhưng nếu bỏ qua “thời điểm vàng” ấy, sau này cho dù có được nuôi dưỡng bao lâu, với đúng loại thức ăn ấy, nó cũng không thể thành ong chúa. Với mọi đứa trẻ cũng vậy – trong từng giai đoạn nhất định nếu được nuôi dạy đúng cách, chúng hoàn toàn có thể trở thành thiên tài, không phụ thuộc vào gen hay cơ may thiên phú.
Quy luật năng lực giảm dần
Mỗi loài động vật đều có một thời kỳ nhất định để phát triển năng lực nhất định. Có những năng lực mà thời kỳ dành cho việc phát triển khá dài nhưng cũng có những năng lực chỉ phát triển trong thời gian rất ngắn. Nếu bỏ qua giai đoạn ngắn ngủi này, các năng lực ấy sẽ giảm dần, thậm chí vĩnh viễn mất đi.
Mỗi đứa trẻ bình thường đều có sẵn 100 phần năng lực. Thời điểm bắt đầu giáo dục càng muộn thì chỉ số năng lực càng giảm dần. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy, muốn trẻ con giỏi ngoại ngữ, hãy bắt đầu từ trước10 tuổi. Muốn giỏi piano, tốt nhất là học trước 5 tuổi. Còn với violin thì phải bắt đầu từ lúc 3 tuổi… Đây là quy luật năng lực giảm dần, mấu chốt quan trọng mà bất cứ ai quan tâm đến việc giáo dục con thành thiên tài đều cần biết.
Những thiên tài 0-3 tuổi
Khả năng tiếp thu của trẻ trong giai đoạn 0-3 tuổi có thể nói là thiên tài. Những thông tin được nạp vào trong thời kỳ này sẽ nhập toàn bộ vào vùng tri thức tiềm tàng, như máy tính được nạp dữ liệu một cách tỉ mỉ và có khả năng tư duy, suy luận rất độc lập. Khả năng xử lý thông tin ưu việt chỉ có ở trẻ nhỏ (người lớn không có điều này) khiến chúng trở thành chuyên gia trước bất kỳ từ ngữ hóc búa nào.
Ở thời kỳ này, trong não trẻ có một bộ phận tiếp thu ngôn ngữ rất ưu việt. Ở vượn người hay các loài động vật được cho là thông minh khác không hề có bộ phận này. Trẻ nhỏ có thể nhớ từ mà không phải vừa nghe vừa lý giải ngữ nghĩa. Ban đầu chỉ là những âm thanh đơn giản, từ ngữ ngấm vào vùng tri thức tiềm tàng trong não. Khả năng lý giải sẽ tiến bộ dần. Phần tri thức tiềm tàng cũng được tích lũy nhiều hơn, đến lúc những từ ngữ mà trẻ không hiểu nghĩa đã nằm sẵn trong đầu cũng trở nên có ý nghĩa. Trẻ càng nhỏ, càng được kích ứng trong môi trường giáo dục cao độ, tố chất thiên tài càng dễ “ngấm” hơn. Đây là món quà thích nghi với môi trường mà trẻ nhỏ được tự nhiên ban tặng.
Với trẻ 0-1 tuổi, đa phần chúng ta chỉ có thể làm được một việc là cho con nghe nhạc. Đây là một thiếu sót lớn. Có rất nhiều việc khác mà bạn có thể làm, nhằm kích ứng tri giác cho trẻ. Ngay từ khi mới ra đời, thông qua 5 giác quan, trẻ đã bắt đầu tìm hiểu và nhận biết thế giới xung quanh. Khả năng thích ứng cũng lớn lên rất nhanh. Thời kỳ này, nếu trẻ có ngay đồ chơi xung quanh, 5 giác quan sẽ được hỗ trợ phát triển tốt hơn. Việc tiếp xúc hàng ngày với những người lớn nhiều kinh nghiệm trong giáo dục trẻ con cũng là một sự kích ứng tri giác tuyệt vời.
Chữ nghĩa làm thay đổi cấu tạo não
Tiến sĩ Grain Doman, chuyên gia nổi tiếng về trị liệu cho trẻ bị khuyết tật não, đã khẳng định: “Về sự phát triển não của trẻ em, kỹ năng quyết định cấu tạo”. Tại trung tâm nghiên cứu trị liệu trẻ khuyết tật não của ông, trừ những trẻ em mù, còn lại tất cả trẻ nhỏ (từ sơ sinh) đều được nhận chương trình chăm sóc đặc biệt để đến 1,5 tuổi là biết đọc. Mọi người có thể nhìn thấy hàng trăm đứa trẻ khuyết tật não trong độ tuổi 2, 3, 4 đã bắt đầu đọc chữ, lớn hơn thì đọc và hiểu vài cuốn sách. Trong số trẻ 3 tuổi, có bé đọc được vài thứ tiếng và hiểu được nội dung mình đang đọc.
Bằng việc kích thích chức năng của não phát triển như thế sẽ có hiện tượng cấu tạo của não cũng phát triển, và hộp sọ có thể lớn gấp 3-4 lần bình thường. Việc dạy chữ cho trẻ còn giúp hình thành đường phản hồi thị giác tốt. Khi não có các khởi đầu trưởng thành như vậy sẽ làm cấu tạo của cả bộ não phát triển theo hướng tốt hơn. Ở trẻ càng nhỏ tuổi, hiện tượng này diễn ra càng rõ rệt. Có thể nói, việc nhớ chữ thực sự làm thay đổi chức năng và cấu tạo của não.
Nếu trẻ chỉ ăn uống và vận động mà không có giáo dục, não của chúng cũng chỉ hoạt động như não các loài vật thông thường. Đây gọi là hệ tín hiệu thứ nhất. Nhưng ở người còn có một hệ tín hiệu thứ hai mà động vật khác không có. Đó là hệ sử dụng ký tự, chữ số, chữ viết để suy nghĩ, phán đoán. Để có thể đọc được chữ, hệ tín hiệu thứ hai phải hoạt động tích cực. Mà để hệ tín hiệu thứ hai hoạt động tích cực, việc giáo dục trẻ cần được áp dụng càng sớm càng tốt. Nếu để tới khi trẻ 6 tuổi, thời điểm nếp nhăn trên vỏ não đã hình thành tới 60-80%, hiệu quả của hệ tín hiệu thứ hai sẽ bị giảm đi rất nhiều.
Trẻ càng nhớ nhiều chữ, chất lượng não bộ càng phát triển. Sắc tố mắt từ đó cũng thay đổi theo, sáng và linh hoạt hơn. Cho dù con bạn có là đứa trẻ “yếu kém” đến đâu cũng đừng nản lòng trong việc dạy chữ để phát triển vốn từ và ngôn ngữ cho con. Chữ nghĩa hoàn toàn có khả năng làm cấu tạo não thay đổi.
Hoa cúc và lưỡi dao
Đó là tên một cuốn sách của tác giả Lus Benetick. Trong cuốn sách này, ông có đề cập đến “đường cong sinh hoạt” (đường cong nghiêm khắc) trong việc nuôi dạy trẻ. Cần nghiêm khắc giáo dục con ngay khi chúng còn bé hay chỉ nên áp dụng điều này khi chúng đã khôn lớn?
Chỉ riêng vấn đề này đã thấy Mỹ và Nhật có hai cách giáo dục hoàn toàn trái ngược. Ở Nhật, trẻ nhỏ thường được nuông chiều và được phép ích kỷ. Đến khi chúng lớn, bố mẹ mới áp dụng những cách giáo dục nghiêm khắc hơn để uốn nắn con. Ở Mỹ thì ngược lại. Càng nhỏ, trẻ con càmg được dạy dỗ nghiêm khắc. Đến lớn, sự nghiêm khắc càng ngày càng được nới lỏng dần. Mỗi phương pháp đều có những ưu – nhược riêng và các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, từ khi sơ sinh tới 3 tuổi, phải hết sức nghiêm khắc trong việc giáo dục. Từ 3 tới 6 tuổi thì nới lỏng hơn. Từ 6 đến 9 tuổi, có thể nới lỏng hơn chút nữa. Sau đó trở đi, cha mẹ có thể dạy dỗ con bằng cách nói chuyện thẳng thắn. Những đứa trẻ không được dạy bảo nghiêm khắc trong 6 năm đầu đời, sau này dễ phạm pháp, tự tử và làm những việc nổi loạn.
Cha mẹ không có phương châm giáo dục con, không có kế hoạch, mục đích rõ ràng mà chỉ làm tùy hứng, nhất thời thì con cái không thể trở thành những tài năng như mong đợi.