Trẻ em thích bắt chước và học theo những hành vi của cha mẹ mình. Vì vậy, muốn con trở nên thành công trong tương lai, cha mẹ nên vừa dạy bảo vừa thực hiện để con làm theo.
Dưới đây là một số kỹ năng và tính cách mà cha mẹ nên dạy con mà ông William Arruda – cố vấn thương hiệu cá nhân nổi tiếng đã chỉ ra trên tạp chí Forbes.
1. Tính hiếu kỳ
Ông Arruda kể rằng, ông đã từng tham dự một sự kiện cùng với Mickey Pant – CEO của Yum, Trung Quốc. Vị lãnh đão của một tập đoàn lớn này đã chia sẻ rằng khi ông tìm kiếm những ứng viên để gia nhập vào công ty của mình, điều duy nhất mà ông tìm kiếm ở một người đó chính là tính hiếu kỳ.
Ông cho rằng những người có tính hiếu kỳ là những người rất giỏi trong việc giải quyết vấn đề và có sự đổi mới – đây là 2 yếu tố quan trọng mà một doanh nghiệp cần. Vì vậy, cha mẹ nên khuyến khích trẻ hỏi thật nhiều, ngoài ra cũng nên đặt thêm những câu hỏi để giúp trẻ suy nghĩ. Đây là một thói quen tốt cần rèn luyện cho trẻ từ khi còn nhỏ.
2. Biết bao hàm, tổng quát vấn đề
Sự đa dạng trong môi trường làm việc là một điều khó tránh khỏi và việc học hỏi giá trị của nó từ khi còn nhỏ lại không được nhiều bậc phụ huynh chú trọng. Jennifer Brown, tác giả của cuốn sách Tổng quan: Sự đa dạng, môi trường làm việc mới và ý chí thay đổi từng chia sẻ: “Ngày nay, những người chủ doanh nghiệp cần có thêm những người lãnh đạo có đầu óc bao quát, sáng suốt.
Nếu cha mẹ có thể đưa ra những buổi bàn luận tích cực về những thứ như địa vị trong xã hội hay những cá tính riêng của con người, như một phần trong cuộc nói chuyện trong gia đình, thì điều này sẽ giúp cho trẻ biết nâng niu những giá trị đó và biết cách ứng xử trong môi trường làm việc sau này. Việc làm này cũng giúp cho trẻ trở thành một ứng viên sáng giá và có nhiều cơ hội được tuyển dụng vào những công ty tốt nhất”.
Cha mẹ luôn là những người đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố, gia tăng hiểu biết về những lợi ích về suy nghĩ lẫn cách ứng xử của trẻ ở tất cả mọi việc trong cuộc sống.
3. Sự khiêm tốn
Cha mẹ nhiều khi quên đi rằng những đứa trẻ thường hay bắt chước những hành động của chúng ta. Bạn có thể giúp trẻ trở nên thành công trong cuộc sống bằng việc khuyến khích những đức tính tốt trong chúng.
Trong một bài báo của tờ New York Times, Rebecca Sabky – Cựu quản lý của trường Đại học Dartmouth có chia sẻ câu chuyện về một đơn xin học rất đáng nhớ của một sinh viên.
“Cậu sinh viên đó nộp một lá thư giới thiệu từ một người trông coi tại trường của mình. Người trông coi đó đã viết rằng ông ủng hộ việc ứng cử của cậu sinh viên này vì sự quan tâm của anh ta. Đây là cậu học sinh duy nhất nhớ hết tất cả tên của những người lao công trong trường”.
Dạy cho trẻ những hành động thể hiện sự khiêm tốn, bằng những câu nói đơn giản như “Làm ơn, Xin vui lòng” và “Cảm ơn” hoặc là thể hiện sự tận tâm đối với những người khác không kể bất cứ địa vị nào trong xã hội. Điều này sẽ giúp cho trẻ tiến xa trong tương lai.
4. Sự rộng lượng
Tính rộng lượng không phải là điều có thể dễ dàng dạy được. Nhưng một khi đã học được đức tính này thì nó có thể là một trong những phẩm chất mạnh mẽ nhất của một nhà lãnh đạo tài ba.
Cha mẹ có thể dạy cho trẻ đức tính này bằng việc thể hiện sự rộng lượng đối với chúng và đối với những người khác trong cuộc sống. Đức tính rộng lượng được thể hiện qua nhiều hành động trong cuộc sống chứ không phải bằng việc chi nhiều tiền mà là việc chia sẻ thời gian, chia sẻ thông tin…
5. Sự nhạy bén
Trong một xã hội hội nhập, dường như không có biên giới về công nghệ thông tin, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng mở rộng thị trường vươn ra thế giới. Khi các công ty tìm kiếm ứng cử viên, họ sẽ nhìn nhận sự nhạy bén toàn cầu. Thông tin về địa phương cũng tốt nhưng nếu con bạn nắm bắt được những kiến thức mới cập nhật trên toàn thế giới sẽ “ghi điểm” hơn nhiều.
6. Lòng cảm kích
Biết cảm kích, trân trọng và khiêm tốn là hai đức tính thường đi liền với nhau. Hoàn toàn đúng khi người ta vẫn nói thái độ đúng mực sẽ giúp bạn đi một quãng đường dài. Ở một số công ty như Tickled Media, việc thể hiện thái độ, cảm xúc giữa các nhân viên rất được khuyến khích. Họ được phép đăng lên một bảng tin chung về thái độ, cảm nhận của mình về một việc đồng nghiệp đã làm với họ.
Càng có sự trân trọng ở nơi làm việc thì môi trường đó càng tạo nhiều cảm hứng làm việc hơn. Ở nhà, bố mẹ hãy bày tỏ lòng cảm kích với con bằng cách nói lời cảm ơn sau khi bé giúp bạn làm việc nhà.
7. Sự kiên cường
Trong cuộc sống, không phải ngày nào cũng trôi qua êm đềm, đặc biệt là ở nơi làm việc. Bạn lo lắng, không biết làm cách nào để con mình có thể đối mặt với những “sóng gió” cuộc đời. Vậy thì từ bây giờ, bạn hãy thử đưa con vào những môi trường, hoàn cảnh khó khăn hơn để xem trẻ xử lý thế nào.
Một phương pháp đơn giản là để con tham gia vào các cuộc thi, các hoạt động ngoại khóa như thể thao, để con được sống trong môi trường có tính cạnh tranh và có thể con sẽ thể hiện hết khả năng của mình. Và nếu con thua cuộc, hãy dạy cho trẻ cách chấp nhận, chúc mừng người thắng và khích lệ con cố gắng lần sau.