Được ôm mới ngủ ngon
Đây cũng là một trong nhiều thói quen xấu do người lớn tập “hư” cho bé. Trẻ vài ngày tuổi đã biết “đòi” khi không được đáp ứng do đó, ngay từ giai đoạn sơ sinh, nếu bé được ôm ấp quá nhiều, bé sẽ luôn đòi hỏi điều này và nếu không được đáp ứng, bé sẽ quấy khóc. Cũng như vậy, không ít gia đình thấy bé ngủ hay giật mình, ngủ không sâu thì thường chiều chuộng bằng cách ôm cho bé ngủ suốt giấc. Chỉ cần vài ba lần, bé sẽ “quen hơi” ngay, khi không có “hơi” người khác là sẽ rất nhanh bị giật mình tỉnh giấc. Và để bé tự bỏ được thói quen này, bạn phải ôm bé ngủ ít nhất cho đến khi bé trên 2 tuổi. Vì thế, tốt nhất bạn nên tránh chiều chuộng con thế này; nếu đã lỡ làm cho bé quen thì có thể từ từ tập lại, chấp nhận việc bé bị ngủ giấc ngắn 1 thời gian khi chưa quen cảm giác mới.
Thực tế là chỉ khi ngủ 1 mình, nằm sải tay chân thoải mái thì giấc ngủ bé mới trọn vẹn. Lúc này, bạn cũng có thời gian làm việc khác thay vì cứ ôm cho con ngủ.
Giờ ăn là ra đường
Thói quen này có vẻ như rất nhiều gia đình mắc phải: mỗi khi con biếng ăn, quấy khóc là bố mẹ lại chọn cách đưa bé ra đường, vừa dạo chơi vừa cho ăn. Việc này lặp đi lặp lại nhiều lần vì người cho bé ăn cảm thấy làm vậy thì đút cháo cho bé dễ dàng hơn, bé ít phản ứng hơn. Tuy nhiên, thực tế không phải việc đưa trẻ nhỏ ra đường sẽ làm bé ăn ngon hơn mà do bé bị thu hút vào những thứ thú vị ở xung quanh, quên đi muỗng cháo đang ở trước mặt và ăn một cách máy móc, gần như không tự chủ.
Hơn thế, nhiều nghiên cứu cho thấy bé biếng ăn thường do hệ tiêu hóa có vấn đề, giờ ăn chưa khoa học hay do sức khỏe không tốt. Bởi vậy, dù bạn có cho bé la cà ngoài đường thì khi vào lại trong nhà, tình trạng biếng ăn vẫn không cải thiện mà đôi khi còn trầm trọng hơn. Ngoài ra, việc lang thang ăn ngoài đường càng bất cập khi bụi bẩn, vi khuẩn rất dễ xâm nhập vào chén cháo của bé, bé nuốt 1 cách máy móc, không có phản xạ nhai, dễ nôn ói khi không xử lý được với thức ăn thô, giờ ăn kéo dài, rối loạn hấp thu…
Nhiều bác sĩ dinh dưỡng đã khuyên các bà mẹ có con trong độ tuổi ăn dặm cần phải biết kiên định và kiên nhẫn. Tốt nhất nên tập cho bé ngồi ngay ngắn khi ăn, tắt hết TV, cất đồ chơi và chỉ tập trung vào bữa ăn; bữa ăn chỉ nên kéo dài 30 phút, nếu không hết chén cũng phải chấm dứt để tạo thói quen cho bé có trách nhiệm hoàn thành bữa ăn tốt hơn. Việc này sẽ giúp bé nhận thức được về bữa ăn, cảm nhận khẩu vị, biết được sự yêu – ghét với những thứ mình đang nếm trong miệng.
Không chịu ngồi bô
Nhiều đứa trẻ dù đã trên 2 tuổi vẫn nhất định không chịu ngồi bô, không có giờ giấc “đi ngoài” ổn định, thậm chí phải có mẹ/ba bế mới chịu. Thực tế, nếu cho con tập từ nhỏ thì thói quen ngồi bô ngay ngắn, đi tiêu đúng giờ giấc rất dễ hình thành. Từ giai đoạn bé mới biết ngồi, bạn đã có thể sắm cho bé 1 chiếc bô phù hợp (có tựa lưng chẳng hạn), mỗi ngày chọn 1 giờ cố định (thông thường là buổi sáng vừa thức dậy) để đặt bé ngồi vào bô. Chỉ cần 2-3 ngày, bé sẽ quen ngay. Khi đã quen, chỉ cần đặt ngồi vào, bé sẽ hiểu ngay “nhiệm vụ” của mình. Việc đi tiêu đều đặn mỗi ngày cũng giúp hệ tiêu hóa của bé sớm hoàn chỉnh hơn.
Vừa ăn vừa uống
Rất nhiều mẹ vì sợ con mắc nghẹn khi ăn nên hay cho ăn theo kiểu 1 muỗng cháo lại xen kẽ 1 muỗng nước. Cứ như vậy, thói quen này theo bé đến lớn, 1 bữa ăn bé có thể cùng uống cả ly nước đầy.
Các nhà dinh dưỡng học cho rằng, cho dù uống bất kỳ loại nước nào khi ăn đều làm cho quy trình tiêu hóa bị ảnh hưởng, vì nó làm tăng kích thích của dạ dày. Khi có quá nhiều chất lỏng và thức ăn trong dạ dày, quá trình tiêu hóa sẽ chậm lại. Ngoài ra, khi vừa ăn vừa uống nước, bé sẽ không ý thức được thức ăn trong miệng, sẽ không lựa chọn được cách nuốt phù hợp, không thể tập nhai khi đến tuổi. Uống nước còn gây cảm giác no ảo (no nước chứ không phải no do thức ăn), làm bé ăn được ít, dễ gây biếng ăn, mặt khác còn có thể gây ra một vài triệu chứng như đau bụng, hay ợ hơi.
Như vậy, nếu sợ con mắc nghẹn thì bạn có thể chế biến món cháo loãng cho bé hơn 1 chút. Bé ăn 1 lèo 1/2 hoặc 1/3 chén có thể cho uống một chút nước để bớt sự nhàm chán của khẩu vị, nếu bé ngon miệng thì không cần có nước. Ăn hết bữa, cho bé tráng miệng 1-2 muỗng nước. Khi nào bạn cảm thấy dạ dày của con đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu hóa thức ăn mới nạp vào thì có thể cho bé uống nước lọc hoặc nước trái cây nào tùy thích.
Mút tay
Hầu hết trẻ trong giai đoạn bắt đầu mọc răng thường có sở thích này vì việc đó làm lợi bé dễ chịu, ngoài ra, khi thèm sữa bé cũng hay thích mút tay. Cha mẹ có thể giúp con bỏ thói quen này bằng cách thường xuyên lấy tay bé ra ngay khi thấy bé cho vào miệng, trao cho bé những món đồ chơi gặm nướu, cho bé bú kịp thời… Nếu thói quen này kéo dài nó có thể trở thành tật, kéo dài cho đến lớn, thậm chí tuổi trưởng thành. Việc mút ngón tay trong 1 thời gian dài không những dễ đưa vi khuẩn vào miệng mà còn làm biến dạng ngón tay, làm ngón bị mút ngày càng nhỏ hơn so với các ngón còn lại và quan trọng hơn là thẩm mỹ của con bạn trong mắt người khác, khi bé lớn lên, sẽ xấu đi rất nhiều.
Thói xấu là khi bé mút tay
Ngậm thức ăn
Một số bé có thói quen ăn ngậm, bất kể trong bữa ăn chính hay bữa phụ. Đây là một thói quen rất xấu vì việc ngậm thức ăn lâu trong miệng sẽ khiến men tiêu hóa thức ăn ở tuyến nước bọt chuyển hóa thức ăn thành đường, tạo nên vị ngọt khiến bé càng thích ngậm lâu hơn, nhất là ở những bé mải chơi, vừa chơi vừa ăn. Lượng đường có trong các loại thức ăn bám vào răng trong một khoảng thời gian dài, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn xâm nhập và dễ làm sâu răng của bé.