Bắt đầu cho bé bú mẹ:
Cho bé bú ngay sau khi sinh, lần bú đầu tiên của trẻ là ngay trên bàn sinh, việc cho bú sớm giúp tăng tình mẫu tử và giúp cho việc nuôi con bằng sữa mẹ thuận lợi và kéo dài.
Cho bé bú thể nào để mẹ tăng tiết sữa?
Mẹ thường xuyên bế bé và cho bé bú theo nhu cầu. Mút vú thường xuyên sẽ kích thích giúp xuống sữa sớm hơn.
Tùy theo tời lượng bú của từng trẻ, nhiều trẻ chỉ bú trong vòng 5 – 10 phút, nhưng có một số trẻ bú lâu tới 30 phút cũng không sao, không nên quy định số bữa bú và khoảng cách giữa 2 bữa bú cho mọi trẻ vì mỗi trẻ có nhu cầu bú khác nhau.
Ngoài ra cho bú theo nhu cầu sẽ tránh được hiện tượng ứ sữa , vì vậy ngay sau khi lọt lòng mẹ, trẻ phải được cho bú bất cứ lúc nào trẻ muốn.Việc cho trẻ bú đêm cũng tạo nhiều sữa vì trẻ mút nhiều. Bú đêm cũng rất cần cho trẻ khi mẹ đi làm.
Mẹ nên cho bú hết một bên vú này (để lấy được sữa cuối nhiều chất bổ) rồi hãy cho bú vú bên kia nếu bé còn muốn bú. Tránh kiểu cho bú một nửa bên vú này rồi một nửa bên vú kia, bé sẽ không nhận được sữa cuối, chậm tăng cân và có thể bị đau bụng.
Mẹ lưu ý có thể vắt bớt sữa đầu ra ly, cho bú hết sữa cuối trước rồi cho bú phần sữa trong ly sau (bằng muỗng) nếu bé còn bú thêm được.
Có cần nhất thiết phải vệ sinh vú trước khi cho trẻ bú hay không?
Vệ sinh vú trước mỗi lần cho bú là không cần thiết, nhất là dùng xà bông sẽ làm mất chất nhờn tự nhiên của núm vú , da vú sẽ khô và dễ bị tổn thương, nút núm vú. Mỗi ngày, chỉ cần rửa núm vú một lần khi tắm.
Làm thế nào cho bé bú khi núm vú mẹ bị nứt (nứt cổ gà)?
Hiện tượng này thường gặp khi mẹ cho bé bú không đúng cách, bé chỉ ngậm núm vú không ngậm sâu vào quầng vú mẹ. Nếu không điều trị tốt sẽ dẫn đén áp xe vú. Chỗ nứt dễ nhiễm nấm trong môi trường vì vậy mẹ bé rất đau khi cho con bú.
Trong trường hợp này, bạn vẫn tiếp tục cho bé bú và cho bú đúng cách để đảm bảo dinh dưỡng cho bé, đồng thời tránh đau tức và mất sữa cho mẹ bé. Sửa lại tư thế cho bú, cho bú bên vú không đau vì khi bắt đầu bú, bé thường mút mạnh hơn.
Cố gắng để vú càng thoáng càng tốt.
Sau khi bú xong bôi sữa mẹ lên chỗ vú bị nứt sẽ giúp da mau lành.
Trong trường hợp đau quá, bạn mới nên vắt sữa vào ly và cho bé ăn bằng cốc.
Nếu gặp trường hợp núm vú bị nhiễm nấm, miệng bé có tưa dày màu vàng, bạn và bé có thể đến bác sỹ để điều trị.
Làm thế nào khi vú bị căng tức sữa?
Căng tức sữa khi mẹ cho bé bú không thường xuyên hoặc không đúng cách nên sữa không ra được. Mẹ có thể chườm nóng vú, dùng tay vắt bớt sữa và cố gắng cho bé bú thường xuyên và đúng cách. Còn nếu vú bị tắc tia sữa hoặc sưng đỏ, đau, mẹ sốt thì cần đi khám bệnh để xác định nguyên nhân.
Làm thế nào khi không đủ sữa cho bé bú?
Có nhiều trường hợp bà mẹ thiếu sữa do cho con bú không thường xuyên, không đúng cách, ăn uống không đủ chất, nghỉ ngơi không hợp lý hoặc tinh thần không thoải mái. Vì vậy, các bạn có thể khắc phục những nguyên nhân đó. Trong trường hợp bạn đã khắc phục những điều đó mà vẫn không cải thiện được lượng sữa thì cần đi khám để bác sỹ cho lời khuyên cụ thể nhé.