Nuôi con là cả một hành trình dài cần nhiều nỗ lực. Không chỉ cần sự kiên nhẫn, ba mẹ còn cần phải tinh tế và luôn chú ý đến cảm nhận của trẻ. Đặc biệt, trong những giai đoạn đầu đời, khi nhận thức và thế giới quan của trẻ còn chưa hoàn thiện, sự tinh tế và tỉ mỉ càng cần được chú trọng. Đó là lí do không chỉ việc phạt con, mà khen ngợi con cái cũng cần được “học”. Bởi lẽ, có những lời khen con tưởng đúng, mà thực ra, lại sai rất sai.
1. “Mẹ rất vui vì con đạt được điểm cao”
Khi con đạt được điểm cao, hay hoàn thành được một nhiệm vụ nào đó, ba mẹ nên khen ngợi những nỗ lực của con. Chẳng hạn như khi con được điểm cao, ba mẹ nên khen ngợi rằng con đã rất chăm chỉ khi ôn bài, luyện đề để có được điểm số cao như vậy, thay vì chỉ tâng bốc ngắn gọn điểm số mà con đạt được.
Thay vì khen ngợi thành tích, ba mẹ nên hoan nghênh nỗ lực mà con đã bỏ ra
Khi đó, bé sẽ hiểu được nỗ lực của mình mới đáng trân trọng, nên lặp đi lặp lại, thay vì tập trung chú ý vào “điểm cao”, và cố gắng tìm mọi cách, thậm chí sẵn sàng gian lận để có được thành tích tốt.
2. “Con thông minh quá”/ “Con thật thông minh”
Tất cả chúng ta đều nghĩ rằng, đây là một lời khen tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế, đây lại là một lời khen mà ba mẹ cần cực kì cân nhắc khi sử dụng. Thay vì hoan nghênh nỗ lực của con đã đạt được thành công, lời khen “thông minh” nhấn mạnh vào bản chất, năng khiếu bẩm sinh của em bé. Vì thế, nếu nhận được lời khen này thường xuyên, bé sẽ luôn nghĩ rằng những gì mình đạt được là do sự thông minh sẵn có của mình, chứ không phải do nỗ lực.
Khen con thông minh không chỉ khiến bé dễ trở nên tự mãn, thiếu kiên nhẫn, mà nguy hiểm hơn, có thể vô hình gây ra những áp lực trong thành tích học tập của bé. Một đứa trẻ thông minh, khi gặp những bài toán hay những câu đố mà chúng không thể đưa ra đáp án chính xác “trong vòng một nốt nhạc”, sẽ dễ khiến chúng nổi nóng, hoặc tự dằn vặt bản thân vì nghi ngờ vào chính năng lực cá nhân của mình.
Những lời khen thiên về năng khiếu cá nhân cần sử dụng một cách tinh tế
Là cha mẹ, ai cũng vui sướng và tự hào khi con có được những năng khiếu bẩm sinh tốt như âm nhạc, mĩ thuật, hay trí tuệ hơn người. Mặc dù nhận thức sớm về năng khiếu sẽ giúp định hình rất tốt con đường phát triển sau này của con, ba mẹ nên thận trọng với những khen ngợi kiểu này, sử dụng một cách tinh tế với tần suất phù hợp.
3. “Con mẹ là giỏi nhất”
Những lời khen tuyệt đối, hay những lời khen quá đà kiểu như “giỏi nhất”, “thông minh nhất”, “xinh nhất”…luôn thuộc các danh mục lời khen “cấm kị” của các chuyên gia tâm lí. Thực vậy, rõ ràng, thế giới vô cùng rộng lớn, chẳng ai có thể tự tin vỗ ngực mình là “hạng nhất”. Vì thế, khi suy nghĩ “hạng nhất” này bị tiêm nhiễm vào đầu trẻ ngay từ khi còn nhỏ, sẽ dễ khiến bé tự mãn, coi thường người khác. Một khi bé nhận ra được “thực tế phũ phàng” rằng có thể mình không giỏi đến như vậy, bé sẽ rất dễ gặp phải các khủng hoảng tâm lí về niềm tin vào bản thân.
Cũng tương tự như lời khen con thông minh, lời khen này cũng thường tạo ra những áp lực vô hình, khiến trẻ luôn cố gắng để đạt được hạng nhất bằng mọi cách, hoặc luôn so sánh thứ hạng với các bạn đồng trang lứa…
Lời khen quá đà hay những lời khen tuyệt đối luôn nằm trong danh sách các lời khen “cấm kị” của các chuyên gia tâm lí
Thay vì khen “con mẹ giỏi nhất”, ba mẹ có thể sử dụng những giới hạn chẳng hạn như “con mẹ giỏi nhất trong cuộc thi này” hay “con mẹ giỏi nhất trong ngày hôm nay”. Đặc biệt, mẹ nên giải thích tỉ mỉ vì sao con đạt được thành tích như vậy, con nên cư xử như thế nào với thành tích như vậy. Dù sao đi chăng nữa, đây cũng những lời khen ba mẹ nên cực kì “tiết kiệm” mỗi khi sử dụng.
4. “Con mẹ xinh quá!”
Đây là một lời khen hết sức phổ biến và dường như vô thưởng vô phạt trong mắt các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, cách khen này lại là cả một vấn đề. Nếu lời khen được đưa ra phù hợp sẽ là một sự động viên giúp trẻ tự tin hơn vào ngoại hình của mình. Nhưng nếu lời khen được dùng “quá liều”, sẽ dễ khiến trẻ nghĩ rằng ngoại hình rất quan trọng, và luôn chú ý đến ngoại hình, cũng như đánh giá ngoại hình của người khác.
Rõ ràng, khen ngợi là một nghệ thuật, và con đường trở thành “nghệ sĩ” trong quá trình nuôi dạy con thì chẳng hề dễ dàng!