Với phương pháp này, bé được làm chủ bữa ăn, được ăn theo nhu cầu, tự lựa chọn, cầm nắm thức ăn mà không cần sự hỗ trợ của người khác. Nhờ đó, bé trở nên hào hứng, thích thú hơn khi đến bữa ăn. Áp dụng phương pháp tự chỉ huy còn rèn luyện cho bé tính tự lập và tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình ngay từ khi còn nhỏ.

Khi bé được 6 tháng, mẹ có thể bắt đầu tập cho bé ăn dặm tự chỉ huy. Bởi lúc này bé đã có thể ngồi vững, tay bé đã bắt đầu biết cầm nắm linh hoạt, và hệ tiêu hóa của bé cũng đã hoàn thiên hơn để có thể tiếp nhận và hấp thu các loại các loại thức ăn thô khác ngoài sữa. Về cơ bản, phương pháp ăn dặm tự chỉ huy mang lại những lợi ích sau:

Bé hào hứng với bữa ăn

Thực tế cho thấy, các bé được áp dụng phương pháp ăn dặm tự chỉ huy đều rất hào hứng, mong chờ đến bữa ăn. Bởi bé được tự quyết định lựa chọn thức ăn mình thích, ăn bao nhiêu tùy thích, không có chuyện bắt ép bé phải ăn theo khuôn khổ. Nhờ đó, bé luôn có những trải nghiệm thú vị với mỗi bữa ăn mà không phải đánh vật với chúng như phương pháp ăn dặm kiểu truyền thống.

Bé thoải mái khám phá thức ăn

Với phương pháp ăn dặm tự chỉ huy, thức ăn sẽ được cắt thành miếng, nấu nhừ mà không xay nhuyễn hay trộn lẫn với nhau. Nhờ đó bé có thể dễ dàng làm quen, khám phá với từng loại thức ăn riêng biệt.

Sau nhiều bữa ăn, bé sẽ nhận biết được thức ăn đó có mùi vị như thế nào? Nếu thích bé sẽ tự ăn rất hào hứng mà mẹ không cần phải nài ép. Ngoài ra, việc cho bé ăn từng loại thức ăn riêng biệt cũng giúp mẹ dễ dàng phát hiện ta món nào bé thích ăn, món nào bé bị dị ứng để có sự điều chỉnh, thay đổi cho lần sau.

103406_a6mh.jpg

Rèn luyện kỹ năng vận động và phát huy tiềm năng

Bản chất của phương pháp ăn dặm tự chỉ huy là bé tự quyết định việc ăn uống của mình. Mẹ chỉ việc mang khay thức ăn đến cho bé, còn lại mọi hoạt động ăn uống là bé tự làm. Bé sẽ tự tay cầm thức ăn cho vài miệng nhai và nuốt.

Nhờ vậy, bé sẽ rèn luyện được khả năng phối hợp giữa tay, mắt và miệng một cách linh hoạt. Bên cạnh đó, việc dùng miệng để nhai thức ăn thay vì nuốt chửng như các phương pháp khác giúp bé sớm phát triển cơ hàm, cơ mặt, kích thích sự mọc răng và tạo điều kiện học nói nhanh hơn.

Đồng thời, việc bé tự quyết định việc lựa chọn thức ăn sẽ rèn luyện tính tự giác, học cách tự chịu trách nhiệm về mọi quyết định của mình.

Bé được ăn cơm cùng với gia đình

Vì không cần sự hỗ trợ, can thiệp của bố mẹ, nên bé có thể thoải mái ngồi ăn cơm cùng mâm với gia đình. Chỉ cần bố mẹ thường xuyên để mắt đến bé, kịp thời xử lý nếu có trường hợp xấu xảy ra với bé là được.

Việc được ngồi ăn cùng mâm với gia đình làm bé cảm thấy rất thú vị, được ăn những món ăn cùng gia đình, dễ làm quen với các dụng cụ ăn uống và nhanh chóng bắt chước cung cách ăn của gia đình. Ngoài ra, việc cho bé ăn cùng gia đình sẽ tạo không khí ấm cùng, giúp bé phát triển kỹ năng xã hội và thói quen ăn uống lành mạnh.

Chia-se-kinh-nghiem-cho-be-an-dam-tu-chi-huy-hinh-anh1.jpg

Đơn giản hơn trong việc chuẩn bị bữa ăn

Nếu như phương pháp ăn dặm truyền thống hay ăn dặm kiểu Nhật, mẹ phải vất vả xay nhuyễn hay băm nhỏ các loại thức ăn, thì với BLW, mẹ chỉ việc nấu nhừ thức ăn là có thể mang cho bé ăn, tiết kiệm được nhiều thời gian chế biến cũng như hạn chế bớt các dụng cụ nấu nướng.

Phương pháp này đặc biệt phù hợp với các mẹ thường xuyên bận rộn, không có nhiều thời gian để nấu nướng.

Không còn áp lực khi cho bé ăn

Việc bé ăn thức ăn gì, ăn bao nhiêu hoàn toàn do bé quyết định. Hầu hết các bé áp dụng phương pháp này đều rất hào hứng và tự nguyện với bữa ăn, do vậy không có chuyện ép bé ăn,  hay vừa bế bé đi rong, làm trò, xem ti vi vừa đút cho bé ăn như phương pháp truyền thống. Bé thoải mái trong việc ăn uống, đồng thời bố mẹ cũng trở nên nhàn nhã, thư giãn hơn khi cho bé ăn.

Giúp bé học hỏi, khám phá thế giới xung quanh

Khi được tự mình cầm nắm thức ăn, bé sẽ đồng thời học học được nhiều điều thú vị, như hình dạng, kích cỡ, ít, nhiêu, độ thô, mịn, màu sắc của thức ăn (dù lúc đó bé chưa có khái niệm màu sắc nhưng có thể phân biệt sự khác nhau, tạo nền tảng cho việc học hỏi sau này).

Đồng thời các giác quan của bé (nhìn, sờ, ngửi, nếm…) cũng được tham gia vào bữa ăn giúp bé hiểu hơn về thế giới xung quanh.