Bị ngộ độc: Không gây nôn khi trẻ uống phải axít hoặc xăng dầu

Khi bị ngộ độc, trẻ có một số biểu hiện như: đau bụng, nôn, tiêu chảy, khó thở, đau đầu, chóng mặt hoặc nặng hơn là hôn mê, co giật, xuất huyết.
Nếu trẻ bị ngộ độc nhẹ, gia đình chỉ cần để nạn nhân nôn ra càng nhiều càng tốt và cho trẻ uống nước đường, than hoạt tính. Nếu trẻ bị ngộ độc vì uống phải axít, kiềm hoặc xăng dầu thì tuyệt đối không được gây nôn.

Trong trường hợp trẻ bị nhiễm độc qua da, niêm mạc, cha mẹ chỉ cần làm sạch bằng xà phòng hoặc nước sạch. Tuy nhiên, nếu trẻ bị ngộ độc với những dấu hiệu như: hôn mê, suy thở, co giật, co cứng toàn thân thì phải đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Thông thường, trẻ chủ yếu bị ngộ độc thuốc sâu, thuốc chuột, dầu hoả, thuốc chữa bệnh, thuốc tẩy, axít, bột giặt… Vì vậy, người lớn nên để các loại hóa chất lên cao, xa tầm với của trẻ.
Không nên đựng hoá chất trên vào vỏ chai nước ngọt, nước khoáng, lon bia, chai dầu ăn, bình, cốc hoặc những đồ dùng dễ gây nhầm lẫn cho trẻ.

 

Dị vật đường thở: Không dùng tay móc nếu trẻ quá bé

Hóc dị vật đường thở là loại tai nạn rất hay gặp ở trẻ em dưới 2 tuổi. Khi trẻ bị hóc, cha mẹ nên đặt bé nằm sấp dọc theo cánh tay người lớn, đầu trẻ thấp hơn ngực, tay kia vỗ nhẹ vào lưng trẻ đến khi nào dị vật bật ra.

Không dùng tay móc dị vật khi trẻ còn quá bé. Với trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể yêu cầu trẻ cúi người về phía trước, đầu thấp hơn ngực. Sau đó một tay đỡ ngực con, tay kia vỗ mạnh 5 lần vào giữa hai xương bả vai của trẻ theo hướng từ dưới lên trên, từ ngoài vào trong.

Cả hai trường hợp trên, nếu dị vật vẫn không bật ra hoặc trẻ có dấu hiệu bất tỉnh cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

 

Đuối nước: Nhanh chóng móc hết dị vật trong mũi, miệng nạn nhân

Trong trường hợp nạn nhân bị đuối nước vẫn còn tỉnh táo, người lớn chỉ cần đặt trẻ nằm ngửa, đầu hơi nghiêng một bên, sau đó kiểm tra và lấy hết dị vật trong miệng và đường thở của trẻ.
Nếu nạn nhân bất tỉnh, bạn cần phải làm sạch đường thở bằng cách móc dị vật trong miệng, mũi của nạn nhân để thông đường thở. Tiếp đó, bạn hà hơi thổi ngạt kết hợp ép tim ngoài lồng ngực (nếu nạn nhân có dấu hiệu ngừng tim) đến khi nào nạn nhân tự thở được.

Khi nạn nhân tỉnh lại, lưu ý nên để nạn nhân nằm nghiêng, đầu thấp và ủ ấm để đảm bảo thân nhiệt.
Cha mẹ tuyệt đối không nên để trẻ em một mình ở khu vực gần nước hoặc trong môi trường nước. Ở nông thôn nên che đậy giếng, chum, vại, bể nước, thùng nước. Nếu gần nhà có ao, hồ nước, hố nước (sau tôi vôi)… cần phải được rào chắn kỹ càng đề phòng trẻ sa xuống.

 

Bị vật sắc nhọn đâm: Không cố lấy khi đã cắm sâu vào thịt

Khi trẻ bị tai nạn do vật sắc nhọn đâm phải, cần phải rửa sạch vết thương bằng ôxy già hoặc nước sạch. Tuyệt đối bố mẹ không được cố lấy những dị vật đã cắm sâu vào vết thương mà nên sát khuẩn và băng cố định dị vật tại chỗ bằng khăn xô đủ chặt để cầm máu.

Nếu vết thương ở ngay mạch máu thì nên ấn vào đường đi của mạch máu ở phía trên vết thương, đồng thời băng ép đủ chặt để cầm máu. Sau đó phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Các vật gây thương tích như dao, kéo, đinh… có dính bùn đất, phân hoặc gỉ có thể gây uốn ván và các nhiễm trùng nặng khác, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để tiêm phòng. Nhưng cách phòng tốt nhất là các bậc cha mẹ nên cất riêng đồ sắc nhọn, tránh lối ra vào và để xa tầm với của trẻ.

 

Động vật cắn: Rửa ngay vết thương bằng xà phòng

Bị động vật cắn, việc cần làm ngay là phải rửa sạch vết thương bằng nước sạch và xà phòng, sau đó phủ lên vết thương miếng vải sạch hoặc băng gạc.
Nếu trẻ bị chó, mèo cắn cần phải theo dõi con vật tối thiểu trong 10 ngày để phát hiện những biểu hiện bất thường như: sùi bọt mép, bị ốm sau khi cắn. Khi bị động vật nghi dại cắn, phải đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế để tiêm phòng.