Khi bé nhà bạn biếng ăn, bạn có thể tham khảo một số cách điều trị và những điều cần tránh sau để bé ăn ngoan hơn và ăn hết khẩu phần ăn của mình một cách dễ dàng hơn
Đối với trẻ nhỏ còn bú mẹ cần cho bú nhiều lần theo nhu cầu. Nếu trẻ lười bú, người mẹ cần vắt sữa vào cốc rồi dùng thìa cho trẻ uống. Từ 2 tháng tuổi trở lên, trẻ bắt đầu thích quan sát và hóng chuyện, đến giờ bú hai mẹ con phải vào buồng riêng, không có người khác, không có tiếng ồn, không mở ti vi, v.v… để trẻ tập trung bú.
Không cho trẻ ăn vặt hay bú mẹ quá sát bữa bột hay cháo.
Tránh dùng lặp lại một loại thực phẩm hằng ngày như cà rốt, khoai lang, khoai tây, su hào. Nhiều người khi xay bột hay trộn các loại đậu xanh, hạt sen, ý dĩ… đã rang thơm lên, điều này không chỉ khiến trẻ ngán ăn mà năng lượng cũng không nhiều, lại gây khó tiêu cho trẻ.
Pha sữa quá đặc, pha sữa bằng nước cháo, nước cơm, nước hầm xương, pha sữa vào bột… cũng làm trẻ khó tiêu hoá. Hãy làm theo chỉ dẫn trên mỗi hộp sữa và đừng tìm cách pha thêm bất cứ thứ gì vào khẩu phần sữa của con bạn.
– Chỉ cho trẻ ăn nước rau, nước thịt, không ăn cả cái lâu ngày sẽ gây thiếu dưỡng chất.
– Chén cháo hoặc bột được chế biến quá ít chất dinh dưỡng hay thức ăn đơn điệu hàng ngày có thể làm cho trẻ chán ăn. Bữa ăn quá nghèo nàn (chỉ có bột và thịt hoặc cá) làm trẻ bị thiếu một số acid amin và các vitamin cần thiết. Sự thiếu hụt này cũng sẽ dẫn đến tình trạng chán ăn.
– Tránh cho trẻ ăn rong vì không có lợi cho tiêu hóa và thường gây kéo dài bữa ăn. Bạn nên tập thói quen cho trẻ ngồi một chỗ, ăn xong mới đứng dậy.
Nên tạo không khí vui tươi, khuyến khích trẻ ăn đua với trẻ khác hoặc với các thành viên trong gia đình.
Tuyệt đối không đánh, mắng trẻ trong bữa ăn, đặc biệt trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, gây tâm lý sợ hãi dẫn đến biếng ăn tâm lý. Không nên vì mục đích cho trẻ ăn mà phải dùng những biện pháp ảnh hưởng tới sự phát triển các tính cách tốt đẹp của trẻ.
Nếu trẻ ngậm thức ăn trong miệng, hãy dỗ dành cho trẻ nhai nuốt. Cho trẻ uống muỗng nước hay nước canh khi ăn sẽ giúp việc nuốt thức ăn được dễ dàng hơn vì nhiều khi do lượng nước bọt của trẻ tiết ít làm trẻ khó nuốt.
Nếu một bữa trẻ ăn ít, nhẹ nhàng cất đồ ăn đi, cho ăn hoa quả, uống sữa hoặc nước ép trái cây. Nếu trẻ không muốn ăn thì nên lau miệng và coi như bữa ăn đã xong. Không quát tháo hay phàn nàn về bữa ăn của trẻ. Đến bữa sau lại tiếp tục như vậy, không cho trẻ ăn sớm hơn, không cho ăn vặt, trẻ đói thì sẽ ăn ngon miệng hơn.
Không ép trẻ ăn hoặc tỏ ra quá khổ sở, vất vả khi cho trẻ ăn. Nhiều bậc cha mẹ gặp ai cũng ca thán là: “Con tôi lười ăn lắm, làm đủ trò mà không ăn cho”. Điều đó rất không nên, đặc biệt là nếu trẻ nghe thấy sẽ càng không ăn, mọi người lại càng quan tâm đến việc ăn của chúng. Nhiều trẻ dùng vũ khí “biếng ăn” để thu hút sự quan tâm của người lớn, nhất là những đứa trẻ không nhận được tình yêu thương của cha mẹ một cách đầy đủ. Những xung khắc, cãi vã hàng ngày giữa bố và mẹ sẽ làm bé ăn mất ngon. Hãy làm sao để bé thấy rằng được ăn là niềm vui, giống như chơi một trò chơi vậy.
Men tiêu hóa chỉ nên sử dụng trong trường hợp trẻ thực sự thiếu men (các trường hợp thiếu đã phân tích ở trên), nếu dùng liên tục nhiều tháng thì không tốt vì gây phản xạ giảm tiết men của tụy tạng, thậm chí dùng lâu có thể gây suy tụy.
Cần chú trọng bồi dưỡng các loại thức ăn giàu dinh dưỡng và đa dạng hoá thức ăn như:
Các loại thực phẩm giàu chất đạm: Thịt, cá, tôm, trứng, sữa (sữa chua cũng là một nguồn vừa cung cấp sữa vừa có thêm vi khuẩn có ích, giúp hệ tiêu hóa hấp thu tốt hơn)…
Các loại thực phẩm cung cấp chất béo: Trẻ cần ăn cả dầu và mỡ (cần thay đổi dầu và mỡ qua bữa ăn cho trẻ), đảm bảo đủ lượng yêu cầu theo lứa tuổi, kể cả khi có rối loạn tiêu hóa cũng chỉ cần giảm tối đa một nửa lượng dầu mỡ hằng ngày.
Ngoài ra cần chú ý cho trẻ uống đủ nước, nước hoa quả tươi và ăn thêm hoa quả để cung cấp đủ các vitamin và yếu tố vi lượng cho trẻ. Chỉ cho bé uống nước hoa quả sau bữa ăn, chứ không để vừa ăn vừa uống, đặc biệt là trước bữa ăn. Tránh cho trẻ nhỏ uống các loại đồ uống có ga vì chúng dễ gây đầy bụng.
Bác sĩ Nguyễn Hạnh