Có lần, đứa cháu ruột của tôi đòi món đồ chơi và ba mẹ nó không đồng ý. Nó đứng khóc thật to giữa bữa tiệc. Tôi nói “Đừng ai dỗ nó hay nói chuyện. Cứ im lặng. Nếu nuông chiều bé, bé sẽ nhận ra rằng “khóc” là một thứ vũ khí giúp chúng đạt được điều chúng thích và vô hình chung làm hư chúng”
Ba mẹ bé – cũng là anh chị tôi ngồi im lặng, tiếp tục ăn và ngó lơ. Chưa được 1 phút sau….ông nội bé tới dỗ và chấp nhận yêu cầu của bé. Tôi nói “Ba làm như vậy bé nó sẽ hư đó. Rồi ba mẹ nó sẽ khó dạy bé hơn”
Ba tôi tỏ vẻ hờn và nói rằng xưa cũng nuôi anh em chúng tôi như vậy. Tôi cười và nói “Xưa ba là người nuôi dạy chúng con, ba rất khắc khe, nên bọn con mới như bây giờ. Còn bây giờ, ba là ông nội, là “người bạn” đặc biệt của bé, còn việc nuôi dạy bé, ba hãy để anh chị quyết định”
Chuyện tôi kể, chắc hẳn, không ít thì nhiều trong xã hội chúng ta gặp phải. Nhiều ông bà hầu như tham gia chính vào vai trò chăm sóc và nuôi dạy cháu. Hình dung…Buổi chiều mát mẻ, mọi người đều đổ xuống sân chung cư đi dạo. Ông bà cũng vậy. Đẩy chiếc xe đẩy và mang 1 bát cơm thật đầy, đưa bé vừa đi dạo và ăn. Sau một hồi vòng quanh công viên 1-2 tiếng đồng hồ thì bé mới ăn hết chén cơm. Các ông bà vừa tám chuyện vừa bón cho bé. Đứa bé vừa chơi vừa ăn theo nhịp ông bà. Bản thân chúng cũng chẳng cảm nhận được bữa cơm đó ngon hay không ngon. Không một chút cảm nhận.
Chưa kể nhiều người lạ tự ý hun hít bé
Chưa kể nhiều người chạy qua ho hay khạc nhổ
Chưa kể không khí ở HN, SG đang ô nhiễm, ăn cơm thì ít mà hít bụi thì nhiều
…
Rồi sau đó chúng được dặm thêm 1 hộp sữa dù bữa ăn có xong hay không. Một thời gian sau, ba mẹ chúng sầu não chẳng hiểu vì sao chúng biếng ăn như vậy? Thậm chí, bữa cơm chan canh lẫn nước mắt của chúng và mẹ chúng trong sự bất lực.
Có nhiều lý do khiến một đứa trẻ biếng ăn, nhưng một điểm chung đó là “Chúng ta đã khiến những đứa trẻ mất đi cảm giác thích thú của việc ăn uống”. Tôi sẽ có bài về phương pháp “baby-led weaning” cho những bé bắt đầu ăn dặm. Chúng ta phải can thiệp từ giai đoạn rất sớm của ăn dặm mới hy vọng tập cho chúng sự thích thú trong ăn uống. Bạn sẽ không tin một cậu nhóc 13 tháng ngồi ăn nho và tự nhả hột ra khi áp dụng cách của tôi đâu.
Đại khái:
1. Cho bé ngồi vào ghế cùng ăn với gia đình
2. Đổ đồ ăn ra trước mặt bé, để bé thích bốc gì ăn thì ăn
3. Sau 30 phút dù ăn xong hay chưa => dẹp hết
4. Không dặm thêm sữa quá nhiều (tôi sẽ viết ngưỡng sữa theo tuổi)
5. Không đồ ngọt, nước có ga…
6. Phải kiên quyết tới cùng
7. Không can thiệp của người khác (ông bà, người thân…)
Có nhiều bà mẹ khi khám lại sau 1 tháng khóc và nói rằng “lần đầu tiên bé 18 tháng đòi ăn dưa hấu khi mẹ đang ngồi ăn và đó là lần em ngỡ ngàng đến phát khóc khi con em nó chịu đòi ăn một món gì đó bác Sang à”. Vậy đó! Nhiều ba mẹ bé gặp tôi và chỉ trích rằng “Những đứa nhỏ biếng ăn là do ông bà chúng nuông chiều chúng. Ông bà cho uống sữa, ăn kẹo…nên thiếu m,áu thiếu sắt…” Tôi thường cười và nói “Nếu một đứa bé biếng ăn, lỗi đầu tiên là do cha mẹ. Nếu cha mẹ cứ mặc định rằng chuyện này do ông bà thì rất khó để chữa bệnh biếng ăn cho con. Giờ ba mẹ phải là người kiên quyết trong chuyện cắt hết bánh kẹo, sữa ngọt, thức uống có ga…cho con và bắt con ăn theo nếp ăn mới”
Bạn đã từng
– Bé quấy khóc => ông bà ra can
– Bé đòi điện thoại => ông bà đưa
– Bé đòi đồ chơi => ông bà lén dẫn đi mua
– Bé đòi bim bim… => ông bà lén dẫn đi mua
– Ông bà thường xu hướng ở trong nhà => trẻ lười vận động
– Bé ở với ông bà thường có xu hướng ăn uống quá đà, nhưng toàn những thực phẩm nhiều đồ ngọt, có hại sức khỏe mà ngày thường ba mẹ không cho phép.
– …
Ông bà là “người bạn” của con, dạy cho chúng những điều trong cuộc sống, dành thời gian cho chúng khi ba mẹ chúng lo toang kế sinh nhai bên ngoài. Ông bà là “người bạn” của con, chơi cùng chúng cả ngày nếu ba mẹ chúng không thể làm việc đó. Ông bà là “người đồng hành” của con trong suốt hành trình tuổi thơ, đôi khi, ông bà còn nhớ rõ những đặc điểm của con rõ hơn ba mẹ chúng, vì họ gần gũi những đứa bé nhất từ lúc sinh
Ông bà là một phần cuộc đời chúng.
Bạn phải chịu trách nhiệm cho những điều bạn làm trong cuộc sống. Và đương nhiên, bạn phải chịu trách nhiệm cho chính những vấn đề con cái của bạn. Đừng bắt ông bà phải chịu trách nhiệm hay chia sẻ chúng. Họ đã một đời gánh vác chúng ta trên vai rồi. Hãy để những ngày tháng này, họ được sum vầy, vui đùa cùng con cháu, đồng hành cùng chúng ta chứ không phải thay chúng ta chăm sóc chúng. Phương pháp nuôi con giờ cũng nhiều trên internet. Ngồi search các tài liệu từ nguồn uy tín 30 phút là xong. Tôi thường thấy nhiều ba mẹ ngồi trong quán cà phê xem youtube mặc cho những đứa trẻ làm gì làm. Thậm chí, có ba mẹ lúc bác sĩ khám còn bận đánh game …
Hãy ngồi xuống và cùng nói chuyện cùng với chồng/ vợ mình. Thống nhất rằng nếu ông bà nội thì chồng là người thuyết phục đừng can thiệp vào chuyện dạy con, hãy để chúng con được làm tròn vai người cha người mẹ. Tương tự, ông bà ngoại thì vợ là người nói chuyện. Dù ông bà đồng ý hay không, khi chúng ta chia sẻ, ắt ông bà sẽ hiểu và cảm thông một phần hoặc hoàn toàn. Dù sao, ông bà từng ở vị trí chúng ta, ông bà từng như chúng ta. Dần dần, ông bà sẽ hiểu thôi.
Vậy nhé, ông bà là những “người bạn đặc biệt” của con, không phải người chịu trách nhiệm nuôi con và chăm con. Và hơn bao giờ hết, giờ là lúc ông bà cần nghỉ ngơi.
BS Thanh Sang