Ngay từ khi trẻ được khoảng 8 tháng tuổi – là giai đoạn bắt đầu xuất hiện nỗi sợ hãi mất mẹ, bạn không nên quá quấn quýt với con mà hãy rèn luyện cho con biết cách chơi một mình với đồ chơi hoặc với mọi người xung quanh ngoài mẹ. Điều này đòi hỏi cần có thời gian, bạn nên tập cho bé một cách từ từ để bé quen dần và không có cảm giác bị mẹ xa lánh, bỏ rơi.
Bé “bám mẹ” là vì đã nhận thức được sự gắn bó giữa hai mẹ con, ngay từ khi mới vài tháng tuổi giữa bé và mẹ đã có những tình cảm quyến luyến của mối quan hệ máu mủ. Mẹ là người hay bế ẵm bé, cho bé bú hàng ngày, ru bé ngủ… do đó bé “bện hơi” mẹ cũng là một điều hết sức bình thường.
Tuy nhiên, khi bé quá bám mẹ, bé sẽ quấy khóc, thậm chí là tỏ ra sợ hãi nếu không có mẹ hoặc tiếp xúc với người lạ. Điều này sẽ ít nhiều gây ảnh hưởng tới sự phát triển nhân cách của bé sau này, đồng thời cũng ảnh hưởng tới cả sinh họat của gia đình. Bé không chịu chơi một mình nên mẹ cũng không thể làm được việc gì vì luôn phải ở bên cạnh bé.
Bé bám mẹ khiến cả mẹ và bé đều stress. Tham khảo 10 gợi ý dưới đây để xem những gì nên và không nên làm khi bé bám mẹ.
1. Bắt đầu khi còn nhỏ
Nếu bé đang vui vẻ với một món đồ chơi, mẹ có thể rời khỏi phòng nhưng vẫn tiếp tục nói chuyện hoặc hát để bé biết, mẹ ở gần đây thôi. Nếu bé bắt đầu bò ngay sau một món đồ chơi thì bạn không nên vội vã theo sau bé. Như thế bé sẽ biết là bé vẫn an toàn ngay cả khi không có mẹ ở sát bên.
2. Hãy giữ bình tĩnh
Cảm giác sợ xa mẹ ở bé tuy dữ dội nhưng thường ngắn ngủi. Do vậy nếu bạn đã gửi bé ở nhà cho ông bà (hoặc người trông bé) thì nên bình tĩnh chào tạm biệt và rời khỏi bé, cho dù sau lưng là tiếng gào khóc đến “xé lòng” của con.
3. Vui vẻ khi rời đi
Các bé đều bện hơi mẹ và hậu quả là, bé sẽ kêu khóc thảm thiết khi thấy mẹ đang rời đi. Hãy trấn an bằng cách nói với bé khi nào mẹ trở về, mỉm cười với bé để bé có cảm giác an toàn và không lo sợ khi vắng mẹ.
4. Hãy tin tưởng vào người trông bé
Điều quan trọng là cha mẹ phải có niềm tin vào người trông bé. Hãy nhớ là ông bà, người thân hay người trông bé sẽ có kinh nghiệm và kỹ năng để dỗ bé khi mẹ đi khỏi.
5. Cần kiên trì
Nên kiên trì khuyến khích bé chấp nhận chuyện phải chào tạm biệt trước khi mẹ đi làm. Từ ngày này qua ngày khác bé cũng sẽ quen và bớt quấy đòi mẹ hơn.
6. Đừng lẻn đi
Lẻn đi khi bé đang ngủ hay mất tập trung sẽ càng chỉ làm bé lo lắng thêm. Mẹ cần luôn nói tạm biệt trước mặt bé. Để bé biết mẹ đi rồi mẹ sẽ quay về. Hãy đặt bé trên sàn nhà với một số đồ chơi để bạn có thể vẫy tay tạm biệt con mà không phải giằng con ra khỏi mẹ.
7. Không ‘câu giờ’ khi chào tạm biệt
Hãy chào con thật ngắn và bước đi thật nhanh. Nếu bé khóc, hãy ôm và dỗ bé một chút trước khi rời đi.
8. Đừng để bé lại với toàn người lạ
Bé sẽ cảm thấy căng thẳng nếu bị mẹ trao cho một nhóm toàn người lạ. Nếu cần thiết phải để bé lại, hãy để bé thấy an tâm trong vòng tay mẹ một lát trước khi bé chấp nhận ở lại cùng người bé chưa quen.
9. Đừng sợ điều tồi tệ
Bám mẹ không đồng nghĩa với bé có khó khăn trong tình cảm sau này.
10. Kiểm tra lại
Khoảng 15 phút sau khi bạn rời đi, nên gọi điện hỏi thăm xem bé thế nào. Hầu hết sau khoảng thời gian này, bé sẽ thấy an tâm và vui vẻ chơi đùa.