Tết là ngày lễ mà các gia đình và nhất là các bé trông đợi nhất trong năm. Bởi vì đây là dịp mà các bé được nghỉ ngơi thoải mái sau những ngày học vất v�� và được bố mẹ cho về quê hoặc đi chơi xa. Trẻ thường không phải lo làm bài tập, không lo bị cô giáo kiểm tra bài hoặc quở trách và cũng không bị bố mẹ ép học bài vào mỗi buổi tối… Tất cả những nỗi lo học hành của trẻ tạm “gác” lại để nhường chỗ cho vui chơi, ăn uống, ngủ nghỉ. Chính vì vậy, nói đến Tết thì chẳng trẻ nào không thích.

Tuy nhiên, cứ mỗi dịp Tết qua đi, nhiều phụ huynh và giáo viên phải đau đầu về vấn đề học hành của trẻ. Dường như không khí ngày Tết còn ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lí học hành khiến các bé thường có tâm trạng uể oải khi bắt đầu bài học sau Tết, thậm chí nhiều bé sẽ không mấy hứng thú khi trở lại trường. Lịch sinh hoạt trong những ngày Tết của trẻ càng thay đổi bao nhiêu thì sau Tết càng khó khăn hơn trong việc thiết lập lại thói quen nề nếp học tập, sinh hoạt của trẻ bấy nhiêu.

Mách mẹ cách “hâm nóng” việc học của trẻ sau nghỉ Tết - 1
Lịch sinh hoạt trong những ngày Tết của trẻ càng thay đổi bao nhiêu thì sau Tết càng khó khăn hơn trong việc thiết lập lại thói quen nề nếp học tập, sinh hoạt của trẻ bấy nhiêu

Nếu tình trạng này không được giải quyết, chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài và nhận thức của các con. Vậy bố mẹ, người lớn cần làm gì để “hâm nóng” việc học của trẻ sau những ngày Tết vui chơi thỏa thích?

1. Không nên cho trẻ “thả phanh” hoàn toàn

Rất khó để cha mẹ có thể bắt con cái chú tâm vào chuyện học hành trong dịp nghỉ Tết, các bé sẽ biết đưa ra lí do để phản đối yêu cầu bắt học bài của mẹ. Trẻ mong đến tết hay nghỉ hè, chỉ vì chúng không phải vướng bận chuyện bài vở, do đó cha mẹ sẽ không thể nào bắt con ngồi yên một chỗ học bài được, hãy để các con vui chơi và phát triển theo đúng độ tuổi của mình.

Khi bắt đầu kỳ nghỉ, cha mẹ nên yêu cầu con dành hẳn một đến hai ngày đàu tiên để hoàn thành toàn bộ bài tập được giao về nhà và nên có thời gian biểu học và chơi cụ thể cho kỳ nghỉ dài cả tuần để bé không mải chơi mà quên nhiệm vụ chính của mình.

Mách mẹ cách “hâm nóng” việc học của trẻ sau nghỉ Tết - 2
Ngày Tết được nghỉ dài các bé sẽ thích thú với việc được vui chơi, về quê đón Tết nên sẽ khiến bé uể oải với việc học hành sau ngày nghỉ lễ (ảnh minh họa)

Việc học trong ngày Tết không nhất thiết phải ép trẻ mở sách vở, ngồi tính toán hoặc đánh vật với bài tập làm văn mà có thể học theo hình thức đố vui vẻ. Ví như, trong khi đi đường, hoặc nấu nướng tại nhà bố mẹ có thể cùng con học, và ôn tập kiến thức theo hình thức học mà vui như làm nhẩm phép tính đối với môn Toán, gợi ý cách làm bài tập làm văn hay và đủ ý, điền từ còn thiếu vào câu văn… 

Bài liên quan: 

Trẻ em TQ bước vào cuộc “Đại di cư” về quê ăn Tết

Kinh nghiệm cho trẻ sơ sinh đi chơi xa Tết Dương lịch 2015

“Ngán ngẩm” Tết dương mẹ chồng đòi cho cháu về quê

Nuôi con sợ nhất Osin đòi… ăn tết sớm!

Những ngày nghỉ có thể trẻ dành nhiều thời gian để chơi game hoặc xem tivi, hay đi chơi cùng bạn bè, bố mẹ cũng đừng cấm đoán bé quá, hãy cho bé thực sự được “tận hưởng” những ngày vui chơi thật thoải mái theo cách của con. Tuy nhiên, cái gì cũng nên có giới hạn, chẳng hạn như không nên để con ngồi quá lâu xem tivi, chơi game, hay thức khuya quá ảnh hưởng tới sức khỏe. 

2. Cùng con chuẩn bị bài vở cho ngày học mới

Trong kỳ nghỉ, bố mẹ không nên quên nhắc nhở trẻ biết ngày nào phải quay lại trường học tập, tránh tình trạng ngày mai đi học thì tối muộn mới giục con học, điều này sẽ không đạt kết quả gì. Buổi tối cuối cùng của kỳ nghỉ, các bậc phụ huynh có thể đề nghị bé soát thời khóa biểu và kiểm ra xem con đã chuẩn bị tốt tất cả các môn chưa. Nếu bé có điều gì chưa rõ, cha mẹ nên giúp trẻ.

Làm mới góc học tập của trẻ với việc lau chùi cẩn thận bàn ghế, kê ngay ngắn gọn gàng, sắp xếp giá sách khoa học… cũng sẽ tạo không khí mới mẻ, sinh động, kích thích trẻ muốn ngồi vào bàn học và “chăm” ngồi vào bàn học hơn. 

3. Không nên thúc ép, la mắng trẻ

Việc trẻ chưa lấy lại được tinh thần học bài phần nào sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập của con. Trước tình trạng này, cha mẹ không nên la mắng, đánh đòn trẻ, đặc biệt, không nên bắt con học với cường độ quá cao, hoặc dồn ép chúng vào các lớp học thêm ngay tuần đầu tiên sau Tết. Nếu cha mẹ làm như vậy chỉ khiến trẻ thêm chán học.

Mách mẹ cách “hâm nóng” việc học của trẻ sau nghỉ Tết - 3
Khi cho bé ngồi vào bàn học, mẹ hãy để bé bắt đầu với môn học bé yêu thích, hoặc cho bé làm những bài tập dễ để bé không chán (Ảnh minh họa)

Để giúp trẻ có hứng thú hơn với việc học, cha mẹ cần giúp trẻ tìm thấy niềm vui học tập bằng cách hỏi con về buổi đầu tiên sau Tết. Khi cho bé ngồi vào bàn học, mẹ hãy để bé bắt đầu với môn học bé yêu thích, hoặc cho bé làm những bài tập dễ để bé không chán. Nếu thấy bé không hào hứng lắm khi học, mẹ có thể bắt đầu với con bằng một cuốn truyện tranh, mở những bản nhạc mà trẻ thích hay gợi lại những niềm vui của trẻ trong dịp Tết vừa qua để lấy lại hứng thú cho bé.

4. Gợi cho trẻ niềm vui khi trở lại trường học

Khi kết thúc kỳ nghỉ, cha mẹ nên trò chuyện với con về những người bạn ở trường. Hãy nói cho trẻ nghe về những niềm vui chỉ có được khi được chơi đùa cùng các bạn. Mẹ hãy khéo nhắc nhở bé, nếu không đến trường gặp các bạn, con sẽ bỏ lỡ rất nhiều điều lí thú và bổ ích. Bằng một câu nói đơn giản nhẹ nhàng, bố mẹ có thể kéo lại tinh thần học tập của bé mà không cần sử dụng đến đòn roi.

5. Đảm bảo cho trẻ một sức khỏe tốt

Được nghỉ, trẻ ở nhà ăn ngủ tự do và được cha mẹ dẫn đi chơi thoải mái khắp nơi cũng ảnh hưởng phần nào đến sức khỏe của trẻ. Bố mẹ nên biết rằng khi mệt mỏi, hứng thú ôn bài và khả năng tiếp thu bài của trẻ sẽ giảm, trẻ khó có thể “nhồi nhét” kiến thức vào đầu khi vừa có một hành trình du lịch dài ngày trở về nhà.

Vì vậy, trong Tết, cha mẹ cần lên kế hoạch những chuyến đi chơi xa hợp lý sao cho trẻ không bị mệt, tránh tình trạng trở về nhà hôm trước thì hôm sau đã phải cắp sách đến trường. Bên cạnh đó, cha mẹ cần phải có biện pháp để đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe của trẻ, hãy nhớ cho trẻ ăn uống và vui chơi một cách lành mạnh. Đồng thời, không cho bé thức khuya, nhớ cho trẻ ngủ đủ giấc để đảm bảo sức khỏe cho ngày mới đi học.