Trẻ sơ sinh cần ngủ bao nhiêu tiếng một ngày?

Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với chu kì hoạt động của các cơ quan nội tạng trong cơ thể trẻ sơ sinh. Vào các tháng đầu tiên sau khi chào đời, bé thường ngủ từ 16 đến 20 tiếng đều đặn vào cả ngày lẫn đêm, chia thành 4 lần với thời gian thức trung bình giữa các giấc ngủ dao động từ 45 phút đến 1 tiếng đồng hồ.

Giấc ngủ giúp bé hoàn thiện chức năng các cơ quan nội tạng

Khi bé được 3 tháng tuổi, hệ thống thần kinh và cơ quan nội tạng đã phát triển đầy đủ với các chức năng ổn định giúp bé xác định được ngày – đêm và tự điều chỉnh lịch ngủ. Thông thường vào thời gian này, bé sẽ ngủ từ 8 đến 12 tiếng vào ban đêm và khoảng 2 đến 3 tiếng vào ban ngày.

Thời gian thức trung bình của bé đã tăng lên khá nhiều giúp bé tiếp thu và nhận thức thế giới xung quanh.

Thời gian giữa các cữ bú bao nhiêu là hợp lí?

Dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển thể chất của bé trong những năm tháng đầu đời. Với các bé sơ sinh, tùy theo nhu cầu và sức bú của các bé mà lượng sữa và thời gian giữa các cữ bú sẽ khác nhau.

Cụ thể, một ngày mẹ cần cho bé bú từ 8 đến 12 lần, mỗi lần cách nhau 2 tiếng đối với các bé bú sữa mẹ hoàn toàn và 3 tiếng đối với bé dùng sữa công thức.

Dinh dưỡng là yếu tố cần thiết giúp bé phát triển

Thời gian hợp lí của mỗi cữ bú là 20 đến 30 phút. Trong những ngày đầu tiên, lượng sữa bé bú chỉ dao động từ 15 đến 30ml lần nhưng sau hai tuần bé đã có thể bú từ 60 đến 100ml cữ bú. Lượng sữa tiếp tục tăng dần theo sự phát triển của bé ở các tháng tiếp theo.

Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng duy nhất cung cấp các khoáng chất, vitamin, axit amin và hàm lượng canxi cần thiết cho cơ thể. Do đó, mẹ nên cân nhắc có nên cho bé bú đêm hay không tùy vào khả năng tiêu hóa và cân nặng từng bé.

Nếu bé có thói quen ăn đêm, từ tháng thứ 3 trở đi mẹ có thể bỏ bớt một vài cữ bú để tránh ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ sơ sinh.

Cách đánh thức trẻ sơ sinh dậy bú

Vì sao phải đánh thức bé dậy bú?

Theo các nghiên cứu khoa học, trong khoảng nửa tháng đầu tiên sau khi chào đời, trẻ thường bị mất khoảng 7% cân nặng bởi cơ thể chưa kịp hoàn thiện để thích nghi với môi trường xung quanh. Nếu bố mẹ để bé ngủ tự nhiên theo nhu cầu cơ thể, bé sẽ “quên mất” cảm giác đói và giảm nhu cầu bú khiến cơ thể không có cơ hội tiếp nhận các chất dinh dưỡng để phát triển.

Mẹ nên chọn lựa thời điểm hợp lí để đánh thức bé.

Hơn nữa, nếu mẹ không thường xuyên cho bé bú sẽ khiến quá trình tiết sữa của mẹ bị gián đoạn và ảnh hưởng đến khả năng duy trì lượng sữa phù hợp với từng giai đoạn tăng trưởng của bé. Chính vì thế, mẹ cần phải đánh thức trẻ sơ sinh dậy bú. 

Các bước đánh thức trẻ sơ sinh dậy bú

  • Xác định thời điểm phù hợp để đánh thức bé dậy: Quan sát thấy bé có những dấu hiệu như cười trong khi ngủ, hay cựa mình, miệng mấp máy như đang bú mẹ, trằn trọc ngủ không yên chứng tỏ bé đang ở trong giai đoạn giấc ngủ REM. Mẹ cho bé bú lúc này sẽ giúp bé dễ dàng ngủ lại hơn.
  • Một trong những cách đánh thức trẻ sơ sinh dậy bú là mẹ có thể vuốt ve cơ thể bé, thực hiện thay bỉm hoặc áo quần, bỏ bớt chăn đệm, mở cửa sổ và nhẹ nhàng gọi tên bé để đánh thức bé dậy.
  • Bế bé dậ: Khi bé đã tỉnh giấc hoàn toàn, mẹ nên luồn tay vào dưới gáy và chân để bế bé ra khỏi giường. Hãy gọi tên và nói chuyện với bé để tạo cảm giác gần gũi, gắn kết giữa bé với môi trường xung quanh.
  • Cho bé bú: Thực hiện cho bé bú sữa ở tư thế thoải mái nhất cho cả mẹ và em bé.

Một số cách đánh thức trẻ sơ sinh dậy bú hiệu quả

  • Âu yếm, vuốt ve cơ thể bé: Trẻ sơ sinh thường cảm thấy an toàn và dễ chịu trong vòng tay của mẹ, vì thế, mẹ nên vuốt ve dọc theo lưng, cánh tay hoặc xoa đầu bé một cách nhẹ nhàng. Kết hợp với gọi tên và trò chuyện với bé sẽ giúp bé thoát khỏi giấc ngủ nhanh chóng hơn. (Ví dụ mẹ có thể gọi “Con yêu dậy thôi nào”
  • Cởi bỏ các lớp chăn hoặc quần áo: Một số bé thường được mẹ quấn trong chăn hoặc các loại áo ngủ vào những ngày thời tiết chuyển lạnh. Khi đánh thức bé, mẹ hãy nhẹ nhàng cởi bỏ dần các lớp quần áo và chăn cuốn bên ngoài để bé dần thích nghi với nhiệt độ môi trường. Sự thay đổi dần dần sẽ khiến bé dễ dàng thức giấc.
  • Mở cửa sổ: Ánh sáng tự nhiên sẽ là giải pháp hiệu quả nhất giúp bé chào đón một ngày mới tuyệt vời. Mẹ hãy mở cửa sổ để ánh nắng mặt trời chiếu vào căn phòng đồng thời bế bé lên và hướng bé về phía nguồn sáng nhé!
Nhẹ nhàng âu yếm sẽ giúp bé dễ dàng thức giấc.

Trong một số trường hợp, trẻ sơ sinh ngủ li bì khó đánh thức nhưng vẫn có các dấu hiệu chứng tỏ bé cần ăn (trằn trọc, mấp máy miệng), mẹ có thể cho bé bú trong lúc ngủ. Lúc này, mẹ cần lưu ý tư thế và canh thời gian chuẩn xác để tránh tình trạng bé bú quá nhiều gây sặc sữa.

Thời gian cho bé bú trong lúc ngủ hợp lí là từ 10 đến 15 phút. Mỗi đêm, mẹ không nên cho bé bú trong lúc ngủ quá 2 lần.

Cho bé bú vào lúc nào trong ngày vẫn là một trong những thắc mắc thường trực của nhiều bậc cha mẹ hiện nay. Hy vọng những cách đánh thức trẻ sơ sinh dậy bú này, mẹ sẽ nhanh chóng giải đáp được các nỗi niềm thắc mắc để cân nhắc cho bé bú hợp lí nhé!

Xem thêm bài viết

Trẻ sơ sinh ngủ ngày thức đêm phải làm sao?