Sổ tiêm phòng theo lịch tiêm phòng cho trẻ của Tíu
Theo khuyến cáo của các tổ chức y tế hàng năm bố mẹ nên nắm vững lịch tiêm phòng cho trẻ, thời gian và những lưu ý khi tiêm phòng. Chính điều này sẽ giảm rất nhiều rủi ro mắc bệnh so với những bé không tiêm chủng hoặc tiêm nhưng các mũi tiêm lại cách xa nhau so với thời gian quy định.
Ngay từ khi Tíu còn nằm trong bụng mẹ, mình đã tìm hiểu về lịch tiêm phòng cho trẻ nhỏ để có thể thực hiện cho con một cách đầy đủ nhất.
Các mẹ biết đấy, Việt Nam thuộc khí hậu nhiệt đới gió mùa và có độ ẩm không khí cao quanh năm, chính vì thế virut gây bệnh phát triển vô cùng mạnh mẽ và có thời gian bùng phát thành dịch như bệnh sởi, thủy đậu.
Thời điểm trẻ còn nhỏ thì hệ thống miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên khi tiếp xúc với nguồn bệnh trẻ rất dễ dàng bị nhiễm bệnh. Do đó lựa chọn tiêm vacxin và cho bé thực hiện lịch tiêm phòng cho trẻ chính là cách để giúp con phòng chống bệnh hiệu quả.
Nhà mình thì luôn có quan điểm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” vì thế bạn Tíu được bố mẹ cho đi tiêm không sót mũi tiêm nào, kể cả mũi dịch vụ và không nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Thật sự là nhiều lúc cũng đau ví lắm, nhưng nhìn nhiều em bé bố mẹ không cho đi tiêm phòng mà vô tình mắc phải những bệnh không đáng có, lúc này số tiền chữa trị đã gấp nhiều lần số tiền tiêm rồi.
Dưới đây là những chia sẻ kinh nghiệm tiêm phòng của mẹ Tíu, hi vọng sẽ giúp ích cho bố mẹ trong quá trình bảo vệ sức khỏe cho con yêu.
Lịch tiêm phòng cho trẻ và những mũi tên phòng trẻ cần tiêm
Ở mỗi một giai đoạn sau sinh, trẻ sẽ cần tiêm những mỗi vacxin khác nhau, sau đây là những mũi tiêm phòng mà Tíu đã được mẹ tiêm từ khi chào đời đến thời điểm hiện tại.
Giai đoạn sơ sinh tiêm phòng vacxin gì?
Bạn Tíu được sinh ra ở bệnh viện Thanh Nhàn, theo sự tư vấn của bác sỹ thì con được tiêm mũi viêm gan B (VGB) mũi 0 trong 24 giờ đầu sau sinh. Mình nhớ là khi đó nằm trên bàn mổ, bác sỹ vừa cho con ra là tiêm con luôn rồi.
Theo lịch tiêm phòng cho trẻ thì khi Tíu được 1 tháng thì mình cho con đến phòng tiêm chủng để tiêm thêm mũi BCG – phòng bệnh lao
Riêng với mũi tiêm phòng lao, nếu sau khoảng 1 – 2 tháng bé không có sẹo thì mẹ nên đưa bé đến trung tâm xem vắc-xin đã có tác dụng hay chưa và có cần phải tiêm phòng lại hay không nhé.
Vết sẹo do tiêm phòng lao để lại
2 tháng sau sinh Tíu sẽ tiêm những mũi phòng khác
Nếu tuân thủ theo lịch tiêm phòng cho trẻ thì ở tháng thứ 2 sau sinh, Tíu được tiêm vắc xin 5in1 phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B – Hib mũi 1 mũi 1.
Chia sẻ về mũi tiêm này một chút: đợt bé nhà mình sinh là đầu năm 2016, đợt đó đang tranh cãi nhiều về việc dùng vacxin pentaxim hay quinvaxem. Đây đều là 2 loại vacxin 5 trong 1 được lưu hành tại Việt Nam. Điểm khác biệt giữa 2 loại là
- Vacxin quinvaxem phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/ viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib do Ấn Độ sản xuất được dùng trong chương trình tiêm chủng mở rộng và miễn phí.
- Vacxin pentaxim phòng bênh ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà, Hib, bại liệt. Vacxin này phải mất phí rơi vào khoảng hơn 700k mũi.
Thời điểm đó khi mình lựa chọn tiêm pentaxim cho con, mặc dù khá tốn kém nhưng đổi lại là sự yên tâm của bố mẹ. Vì thực tế vacxin quinvaxem đã có khá nhiều trường hợp xảy ra sốc thuốc rồi. Và đến giờ mình vẫn tin sự lựa chọn bố mẹ dành cho Tíu là đúng.
Nếu mẹ nào cho con tiêm pentaxim sẽ tiêm mũi viêm gan B mũi 1, còn nếu dùng quinvaxem sẽ cho con uống vacxin phòng bại liệt liều 1 nhé.
Về mũi dịch vụ thì mình cho con uống thêm vacxin Rotarix, đây là vacxin phòng tiêu chảy. Mũi này không có trong chương trình tiêm chủng mở rộng và phải mất phí nhé.
Lịch tiêm phòng cho trẻ 3 tháng sau sinh
- Tiêm vacxin pentaxim/quinvaxem mũi 2
- Tiêm viêm gan B/ uống vacxin bại liệt mũi 2
- Uống nhắc lại vacxin Rotarix lần 2
4 tháng sau sinh tiêm phòng các mũi
- Tiêm vacxin pentaxim/quinvaxem mũi 3
- Tiêm viêm gan B/ uống vacxin bại liệt mũi 3
- Uống nhắc lại vacxin Rotarix lần 3
9 tháng sau sinh trẻ cần tiêm các mũi sau
- Tiêm vacxin sởi mũi 1. Bé nhà mình không tiêm mũi này do đợi thêm 3 tháng để con được tiêm thêm
Nếu bé không đợi tiêm dịch vụ thì có thể tiêm mũi sởi đơn cũng được
- Tiêm phòng mũi cúm 1 và nhắc lại mũi 2 sau 1 tháng
Thời điểm này bắt đầu vào mùa đông, năm đó bùng phát dịch sởi nên bố mẹ Tíu chỉ mong ngóng đến thời điểm để con “được” đi tiêm phòng.
Những lần tiêm phòng cho Tíu
Mẹ Tíu luôn lưu lại để theo dõi các mũi tiêm
18 tháng sau sinh
Thời điểm này mình cho Tíu đi tiêm nhắc lại mũi 5in1
Tiêm vacxin 3in1 phòng 3 bệnh sởi, quai bị, rubella
Bắt đầu từ 1 tuổi
- Bé sẽ tiêm vacxin Viêm não Nhật Bản mũi 1
- Vacxin viêm nào Nhật Bản mũi 2 nhắc lại 2 tuần sau mũi 1
- Vacxin viêm não Nhật Bản mũi 3 nhắc lại 1 năm sau mũi 2
Khi bé từ 2 đến 5 tuổi
Tíu nhà mình chưa tiêm mũi này vì bác sỹ có khuyến cáo nếu nằm trong vùng có nguy cơ cao thì nên tiêm. Do đó mũi này có thể mình sẽ không tiêm cho con.
Giai đoạn 3 đến 10 tuổi
Nếu bé nhà bạn di chuyển hay thường xuyên di du lịch cùng gia đình, thay đổi địa điểm liên tục thì nên tiêm thêm mũi Thương hàn nữa nhé. Loại này chỉ có 1 mũi duy nhất và không cần nhắc lại.
Những lưu ý trước khi đi tiêm phòng
- Đối với mũi tiêm cúm, trước khi đi tiêm mình thường cho con ăn 1 quả trứng gà, nếu con không có phản ứng với trứng bằng biểu hiện dị ứng, nổi mẩn hay tiêu chảy, nôn mửa thì quyết định sẽ đi tiêm. Vì mình cũng có nghiên cứu thì thấy tỉ lệ bị cúm ở trẻ em Việt Nam là cao nhất, mà cúm cũng gây ra khá nhiều biến chứng nguy hiểm.
- Nghe các mẹ đồn là tiêm mũi 5in1 rất hay bị sốt, mặc dù đã lựa chọn mũi tiêm dịch vụ cũng sẽ giúp con đỡ mệt hơn nhiều nhưng mình vẫn làm theo mẹo các mẹ rỉ tai nhau. Mình xay nước lá tía tô sau đó lọc nước uống thay nước lọc trước 1-2 hôm, cho con bú trước và sau khi đi tiêm, điều này giúp cho bé giảm triệu chứng mệt và sốt kéo dài.
Nước tía tô giúp con giảm bớt tình trạng sưng, sốt
- Trước khi đi tiêm các mẹ cần theo dõi con kỹ càng, nếu bé không có biểu hiện của ốm, sốt, ho, sổ mũi thì mới cho đi tiêm. Khi đến tiêm bác sỹ có hỏi đã từng dùng thuốc gì trước đó thì nên nhớ chính xác và trả lời nhé.
- Nên cho con mặc quần áo thoáng khi đi tiêm. Điều này giúp dễ cởi ra trong lúc tiêm
- Nên tắm rửa sach sẽ cho bé trước khi tiêm vì nhiều trường hợp bé đi tiêm về mệt sẽ không muốn tắm và nhiều bác sỹ cũng sẽ khuyến cáo không nên tắm cho trẻ sau tiêm.
- Chuẩn bị đồ đạc, sổ tiêm cho bé đầy đủ. Cái này mình đã mắc 1 lần rồi, do sơ ý không đóng bỉm cho Tíu lúc tiêm, Tíu sợ tiêm quá nên tè hết lên người bố mẹ.
Những lưu ý sau khi đi tiêm phòng cho trẻ
- Nên để con lại cơ sở y tế 30p sau tiêm để bác sỹ theo dõi phản ứng của bé với thuốc. Tíu thường tiêm ở ĐH Y Hà Nội, qua cửa tiêm sẽ đến phòng theo dõi. Tại đây bác sỹ thường giữ lại sổ đợi hết 30p mới trả sổ để bố mẹ cho con về.
- Nếu con về có hiện tượng nóng, sốt thì không nên dùng những phương pháp giảm sốt mà dân gian truyền miệng. Đợt đầu Tíu đi tiêm cũng có phản ứng sốt, mấy bác hàng xóm bảo “đắp trứng gà và lát khoai tây lên chỗ tiêm ấy”, nhưng mình chỉ dám chườm nước ấm quanh người cho con thôi, các cách dân gian có thể gây tổn thương chỗ tiêm lại nhiễm trùng.
Trộm vía là bạn Tíu chưa có hiện tượng gì về phản ứng mạnh với thuốc trừ sốt, nếu bé nhà các mẹ có hiện tượng lạ thì nhớ phải đưa đến bác sỹ ngay nhé. Mình có người bạn con sau khi tiêm về bị dị ứng thuốc với các triệu chứng như nổi mề đay, lưỡi rộp, sốt và ho 1 ngày sau tiêm đấy. Vì thế bố mẹ chú ý cho con nha.
- Với các bé còn sơ sinh và bú mẹ thì các mẹ cố gắng cho con bú càng nhiều càng tốt. Áp dụng uống nước lá tía tô và cho con bú sẽ rất tốt đấy vì trong tía tô có chất làm hạ sốt, kháng viêm.
- Ngoài ra nếu các bé đã lớn thì cũng nên cho uống thêm nước hoa quả, nước đậu đen với tác dụng cấp nước và làm mát cơ thể.
Lần gần đây nhất Tíu đi tiêm không bị sốt, nhưng con bị sưng ở chân và đau mất mấy ngày. Lúc đó mình chỉ biết lấy đá lạnh, bọc vải mềm và chườm xung quanh cho con thôi.
Phản ứng của bé tại từng mũi tiêm
Bé nhà mình trộm vía tỷ lần không bi phản ứng quá nhiều với các mũi tiêm.
Về hiện tượng sốt thì bé bị ở mũi 5in1 đầu tiên, con sốt cao, tiêm ở chân nên khá đâu, không nhấc được chân lên mặc dù 2 tháng con đã khá hiếu động. Ở các mũi 5in1 tiếp theo thì con cũng có hiện tượng sốt nhưng nhẹ hơn, chỉ cần ngủ 1 giấc là khỏe lại rồi.
Với các mũi tiêm khác thì các hiện tượng chủ yếu là đau ở vết tiêm chứ không sốt.
Ở mũi uống rota thì con có hiện tượng tiêu chảy 1 ngày, sau đó thì ngưng, mình có gọi cho bác sỹ thì nhận được thông tin do tác dụng của thuốc nên không sao cả.
Ngoài ra với mũi viêm não Nhật Bản thì bác sỹ trước lúc tiêm cũng có trao đổi con sẽ bị sốt 1-2 ngày nhưng trọm vía bạn Tíu không có hiện tượng này.
Với mỗi mũi tiêm và tùy thể trạng bé sẽ có các phản ứng khác nhau, tốt nhất các mẹ nên hỏi kĩ bác sĩ về những phản ứng thường gặp và xin số điện thoại của bác sĩ để tiện liên lạc khi thấy bé có phản ứng bất thường nhé.
Trên đây là những chia sẻ của mình về những lưu ý khi cho con đi tiêm, hi vọng có thể giúp ích được cho các bố mẹ. Bố mẹ nên chọn những địa chỉ tiêm phòng gần nhà và uy tín để tránh những sai sót không cần thiết hay việc phải đưa con đi tiêm ở những nơi xa nhé.
Cảm ơn bố mẹ đã đọc bài viết!