Có nuôi con nhỏ mới biết người mẹ nào cũng gặp phải vô số vấn đề rắc rối mà chẳng sách vở nào đề cập đến. Có mẹ ít sữa thì khổ sở vì không đủ sữa cho con bú, có mẹ lại vật vã trong việc luyện cho con bú bình. Riêng vấn đề mà bà mẹ người Đài Loan mới đây chia sẻ thì lại không rơi vào trường hợp nào trong 2 nỗi rắc rối phổ biến trên.
Bà mẹ này cho biết, dù pha sữa cho con với đủ các loại bình với dung tích khác nhau như 60ml, 90ml hay 120ml, thậm chí là đổi cả loại bình sang thương hiệu khác thì lần nào con chị cũng bỏ thừa lại 30ml sữa. Thấy quá kì lạ, bà mẹ này đã phải lên mạng hỏi các mẹ bỉm sữa khác.
Tưởng như chỉ mình con mình rơi vào tình huống khó hiểu này, nhưng ngay sau khi xem hình ảnh trên, các mẹ bỉm sữa đã nhao nhao lên chia sẻ, bình luận vì đồng cảnh ngộ. Có mẹ cho biết mình luôn luôn uống sữa thừa của con, thậm chí pha ít đi thì vẫn gặp phải hiện tượng tương tự.
Một bà mẹ thẳng thắn bày tỏ “Truyền thuyết 30ml là có thật các mẹ ạ. Em bé nhà mình cũng không tránh khỏi ‘lời nguyền’ 30ml. Lần nào bé cũng để lại một lớp sữa ở đáy bình, mẹ rửa toàn phải đổ đi”.
Trên thực tế, nếu các mẹ dành ít phút để thực hiện một thí nghiệm nhỏ, các mẹ sẽ lập tức hiểu ra vấn đề. Đổ đầy nước vào bình sữa của con và lật ngược lại, các mẹ sẽ thấy nước được phun ra chỗ lỗ núm vú khá mạnh lúc đầu, nhưng dần dần, nước sẽ chảy chậm lại, đó là do sự thay đổi áp lực.
Tương tự như vậy, khi bé bắt đầu uống sữa, bình sữa đầy tạo ra áp lực lớn, bé gần như chỉ cần nuốt mà không mất sức mút. Đến 30ml cuối cùng, áp lực giảm, bé cần phải mút mạnh hơn, trong khi lúc này bụng bé đã tạm no nên một số bé sẽ dửng dưng mà bỏ dở chừng chứ không uống hết số sữa còn lại nữa. Đó chính là lý do dù mẹ có đổi bình sữa khác thì một số bé luôn luôn để lại 30ml sữa cuối cùng.
Nếu gặp phải hiện tượng này, các mẹ có thể yên tâm là con mình không gặp bất cứ vấn đề gì, trái lại việc để thừa khoảng 30ml trong bình sữa sẽ tốt cho trẻ, giúp trẻ không uống phải nhiều không khí, gây ra hiện tượng đầy hơi, khó chịu.
Với lượng sữa dư thừa này, mẹ có thể uống hết để tránh lãng phí, không nên để lại cho con uống tiếp vào lần sau.
Để tránh hiện tượng trẻ bị đầy hơi do bú phải nhiều bọt khí khi bú bình, các mẹ lưu ý nên sử dụng bình sữa có dung tích phù hợp với lượng ăn của bé hàng ngày. Bé ăn/bú bao nhiêu thì mẹ pha sữa vừa đủ trong bình, dư ra khoảng 30ml so với sức ăn của con, tránh tình trạng bình quá lớn so với lượng sữa trong bình tạo khoảng trống trong bình, là cơ hội cho không khí ngoài len lỏi vào bình.
Thêm vào đó, mẹ cũng nên lưu ý tư thế cho con bú bình chuẩn. Khi cho bé bú bình, phải dốc bình lên sao cho sữa lúc nào cũng ngập đầy núm ty, bong bóng không khí không xuất hiện trong bình sữa. Nếu không em bé sẽ mút phải nhiều không khí gây đầy hơi không tốt cho bé.
Ngoài ra, khi cho bé bú bình, các mẹ cần lưu ý những điều sau:
– Luôn kiểm tra dòng chảy và độ nóng của sữa trước khi cho bé bú. Nhỏ sữa ra mu bàn tay chứ không dùng miệng để thử bình sữa của bé.
– Chọn loại núm bình phù hợp với độ tuổi của bé. Không nên dùng một loại núm bình sữa từ nhỏ đến lớn.
– Thường xuyên kiểm tra núm bình sữa và vệ sinh cẩn thận, nếu núm bị hư hỏng hoặc trẻ cắn rách, cần thay núm mới ngay.
– Không để bé vừa bú vừa ngủ.
– Nếu đang bú mà bé đột nhiên dừng lại mẹ có thể cho bé nghỉ một lát hoặc bế lên vỗ ợ hơi cho bé rồi sau đó mới cho bé bú tiếp.
– Rửa sạch bình và tiệt trùng sau mỗi lần bé bú.
Theo Trí Thức Trẻ