Cháu nhỏ thì hơi chậm nói nhưng còn đối với cháu lớn thì tôi hết sức bối rối và lo lắng không biết phải dạy dỗ như thế nào. Về việc học hành không có gì đáng lo, bởi vì cháu biết cách tự học và học rất tốt (cháu đang học lớp 4 song ngữ tiếng Anh).

Nhưng về tính cách của cháu có lẽ là có vấn đề, cháu rất dễ nóng giận mà mỗi lần nóng như thế là cháu hay nghiến răng và ném tất cả các đồ vật cho dù đó là cây bút để viết bài. Bị bạn đánh cháu không bao giờ dám đánh trả mà chỉ biết khóc hoặc ném đồ của mình thôi. Vào buổi tối cháu sợ tiếng mưa, tiếng sấm sét (ban ngày thì không) và nếu nửa đêm mà bị cúp điện thì cháu rên la hoảng sợ. Bởi thế các bạn trong lớp rất hay thích chọc ghẹo cháu mà càng chọc ghẹo cháu lại càng tức giận.

Có những chuyện không đáng, cháu cũng nổi nóng. Khi về nhà tôi có biết chuyện, giận quá đánh cháu, sau đó có dặn cháu không được nóng nảy như thế, nếu bạn chọc ghẹo không chịu được thì tránh đi chỗ khác nhưng cháu vừa khóc vừa bảo: “mẹ có cách nào giúp con đi chứ con không kìm được”. Tôi thương cháu quá mà không biết phải xử lý như thế nào.

Mong chuyên viên tư vấn giúp tôi vấn đề này. Xin chân thành cảm ơn! (K.L.)

– Trả lời tư vấn của tiến sĩ tâm lý học Đinh Phương Duy:

Chị thân mến!

Sự trưởng thành của mỗi người là một quá trình phát triển các đặc điểm sinh học và xã hội-tâm lý dưới các tác động của môi trường chung quanh. Những đặc điểm sinh lý của mỗi người có thể được thay đổi và thích ứng với sự biến đổi của hoàn cảnh sống, của các tác động khách quan, nhưng các nỗ lực chủ quan của con người được thể hiện trong hoạt động, trong sinh hoạt sẽ có ý nghĩa cưc kỳ quan trọng, nhiều lúc mang tính quyết định.

Tính tình nóng nảy ở mỗi người có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguồn gốc từ sự ảnh hưởng của kiểu thần kinh ít cân bằng. Người có kiểu thần kinh này thường có những phản ứng thái quá, lúc quá mạnh, lúc quá yếu trước các kích thích bất chợt nào đó. Họ thường có độ nhạy cảm cao khi tiếp nhận các khuynh hướng lạ, những kích thích mới.

Những biểu hiện của con chị cho thấy cháu có thể mang kiểu thần kinh ít cân bằng như mô tả trên đây và đang gặp nhiều khó khăn cần được hỗ trợ để cháu tự tin hơn, bình tâm hơn trong việc thiết lập quan hệ với bạn bè và người chung quanh khác. Việc sợ sấm sét, sợ bóng tối của cháu có thể chưa phải là điều bất thường nhưng nếu môi trường chung quanh trở nên thường xuyên thiếu an toàn với cháu thì cháu sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tìm kiếm giá trị của mình.

Cháu vừa có những biểu hiện của khuynh hướng hướng nội, vừa có biểu hiện của sự thiếu cân bằng trong đời sống tinh thần, thường nhạy cảm với những tác động mạnh mà không rõ nguyên nhân. Việc cháu nghiến răng, ném các vật dụng của mình là biểu hiện của một sự nổi loạn từ bên trong của cháu nhưng đối tượng gánh chịu các phản ứng nỗi loạn này lại không phải là người khác mà là chính mình, đó là một hình thức thích nghi của cháu khi bị dồn ép.

Một khi đang lúng túng chưa tìm được cách thức để thích ứng với hoàn cảnh lại bị bạn bè trêu chọc, cháu dễ trở nên bấn loạn và có thể ảnh hưởng không tốt đến hệ thần kinh và làm cháu mệt mỏi, tâm trạng hoang mang, bất ổn dẫn đến hành vi thiếu kiềm chế.

Việc đánh đòn nên hạn chế tối đa bởi điều đó có thể làm cháu thêm mặc cảm, cảm giác sợ hãi sẽ làm cháu mất dần sự tự tin vốn đã rất mong manh trong cháu. Điều quan trọng là gia đình có thể tìm cách mở rộng quan hệ xã hội của cháu, cho cháu tiếp xúc với nhiều hình thức sinh họat khác nhau để cháu có cơ hội làm quen với nhiều kích thích lạ, quen dần với những thay đổi trong lối sống, cách sống để mềm hóa cảm xúc và hành vi của cháu.

Chị cũng có thể tạo điều kiện cho cháu mời bạn bè về nhà chơi hoặc cho cháu tham gia các lớp học vận động để tăng cường khả năng chịu đựng giúp cháu tìm sự an bình trong các quan hệ đa dạng, giúp cháu xác định được giá trị của mình và mạnh mẽ hơn lên.

Thân ái!