Hẳn là chúng ta đã từng nghe đến những cái tên như  Hùng què, Tâm điếc , Xuân khùng  hay Toàn mập, Minh Thộn… mà ta nghĩ đó chỉ là những biệt danh có tính vui đùa hay châm chọc nhưng thực ra nó có thể làm suy giảm nhân cách và lòng tự tin của những trẻ bị gán cho những  cái tật mà chúng chẳng may mắc phải. Ngoài ra còn có những cái “nhãn” mà cha mẹ, thậm chí là thày cô đã vô tình gắn cho đứa trẻ qua việc la mắng:

  • Mày là đứa vô tích sự , đúng là đồ mất dạy, người gì mà ngu quá đi , mày điên rồi à? mày đúng là một đứa ngu si, vụng về quấy rối,
  • Hay : mày đúng là một đứa con gái ích kỷ, ác độc…

Các bậc cha mẹ, thường nghĩ rằng trẻ sẽ vì đó mà sẽ cố gắng thay đổi được hành vi hay khả năng của mình. Nhưng nếu những câu la mắng đó được lập lại nhiều lần kèm theo với một vẻ mặt căng thẳng, nghiêm trọng thì trẻ sẽ cố gắng để trở nên …đúng y như những gì mà chúng ta đã dán lên nó. Cháu T, 10 tuổi là học sinh giỏi ở lớp 1 nhưng đến lớp 3 thì chắc chắn bị lưu ban. Bài làm thì được nhưng thường xuyên không thuộc bài do ham chơi. Bố thương và chiều con, nhưng phải chạy xe ôm cả ngày nên chỉ biết thăm hỏi và cho tiền đi chơi điện tử, còn bà mẹ thì cho biết: đánh con còn hơn đánh tù, nhưng càng đánh càng chửi thì con càng lì… khi đưa đến phòng tư vấn, trẻ đã bộc lộ những hành vi đánh  đập với con lật đật, và hầu như không tập trung vào được một món đồ chơi nào… bà mẹ có thương con không? bà đánh con chẳng qua là để giải tỏa những căng thẳng với gia đình chồng và phản ứng lại với sự chăm sóc mà theo bà là không đúng của người cha. Bà không nhận ra một điều, chính bà đã góp phần một cách tích cực vào việc đẩy con ra ngoài đường chơi và suy sụp trong việc học tập. 

Cháu Đ.. 7 tuổi, bố mẹ ly thân đang ở với me, học thì cũng được nhưng rất hiếu động, quậy phá trong lớp và hầu như không sợ mẹ, lúc nào mẹ cũng phải dỗ dành… chỉ sợ người cậu nhưng cũng tùy lúc… mẹ cháu cho biết lúc còn nhỏ vì cả hai vợ chồng đều bận làm ăn, nên hay để trẻ đi chơi nơi bến sông hoặc nhà hàng xóm và có thể đã học được những điều không hay ở đó, bố thường xuyên la mắng vì những thói xấu mà trẻ bị tiêm nhiễm, mẹ thì bênh con và cứ thế mâu thuẫn ngày càng nhiều đi đến tình trạng sống riêng, trẻ ở với mẹ lại càng được chiều chuộng hơn.. mà không nghĩ rằng đó là điều rất có hại cho trẻ. 

Các bậc phụ huynh thường không biết rằng những lời trách mắng, chỉ trích hay lo lắng, thất vọng về đứa trẻ không những  làm cho  các em cảm thấy buồn khi bị la mắng hay bị đánh giá mà còn hơn thế nữa, những điều  đó sẽ có tác dụng ám thị đối với trẻ, khiến chúng sẽ hành động hay trở nên như vậy một cách vô ý thức. Những điều đó giống như những hạt mầm gieo vào trong tâm hồn con trẻ, chúng sẽ tăng trưởng và có khi trở thành tính cách thực của trẻ. Người ta tưởng rằng sự ám thị hay thôi miên chỉ là khả năng của các nhà chuyên môn, các tay phù thủy hay các chuyên gia phân tâm nhưng thực ra thì ám thị là điều xảy ra hằng ngày, khi ta dùng một kiểu nói nào đó với con mình là ta đã khiến cho những điều đó được ghi nhận vào trí óc của trẻ một cách vô thức, ta đã ” lập trình” cho trẻ con làm theo, mặc dù ta hoàn toàn không có chủ tâm.

Không phải chỉ trẻ con, các em thiếu niên mà ngay cả người lớn nếu bị một ám thị nào đó thì vẫn có thể phản ứng hay làm theo, suy nghĩ theo những gì đã tạo nên những ấn tượng cho mình. Trẻ em luôn luôn  có những câu hỏi về mình, về vị trí của mình trong gia đình, trong lớp học. Đó chính là những câu hỏi tự  khẳng định để nhận biết chính mình mà bất kỳ ai cũng phải dựa vào đó để sống cho phù hợp hay quyết định những điều quan trọng. Chính vì thế, những câu nói như : con là… mày thì..  sẽ trở nên những tín điều không phải chỉ vào lúc ấy mà có khi sẽ tiềm ẩn để trở nên những tính cách sau này. Đã có nhiều thanh niên, người trưởng thành hay gặp những thất bại trong cuộc sống chỉ vì những cái “nhãn” bị dán cho ngay từ lúc còn nhỏ khiến họ không còn sự tự tin vào bản thân để vượt qua  kỳ thi tuyển hay trở ngại trong một công việc nào đó. Chúng ta không khen tặng những điều quá đáng, không chiều chuộng một cách dễ dàng, nhưng cũng không  dạy con bằng sự  “dán nhãn” nhất là trong cơn nóng giận.

Chúng ta cũng không nên lý luận dông dài với một đứa trẻ hoặc làm cho nó hoang mang vì những lời nói hai mặt “nói vậy mà không phải vậy” mà nhiều khi ngay cả người lớn cũng có người không hiểu được. Tất cả những điều đó, trẻ sẽ tiếp thu một cách có ý thức và vô thức, sau đó chúng sẽ bộc lộ bằng những phản ứng như: trở nên hung hăng, chống đối, đập phá đồà đạc hay co mình lại, không nói nữa, tối ngủ thì mơ hoảng, đái dầm… hoặc trở nên ích kỷ, không tập trung trong việc học… và có khi chúng sẽ trở nên giả dối, khoanh tay cúi đầu vâng dạ nhưng với một nụ cười tinh quái trên môi. Hẳn đó là điều mà chẳng ai mong muốn, nên hãy thận trọng trong việc trách phạt trẻ, chúng ta hãy nhớ các nguyên tắc sau:

– Trách phạt sự sai sót của trẻ chứ không trách mắng bản thân trẻ.

– Việc dùng roi vọt là điều không nên, nhưng nếu cần vẫn phải dùng, nhưng là để tác động cho trẻ nhớ chứ không phải để thỏa mãn cơn giận hay tình trạng ” giận cá chém thớt ” của cha mẹ, thày cô.

– Những biện pháp kỷ luật phải vừa sức chịu đựng của trẻ, đừng nghĩ rằng phạt nặng cho nhớ, điều đó chỉ để lại những vết thương không bao giờ lành trong tâm hồn trẻ  mà thôi.