Thành Nam sắp được tròn 3 tuổi, con lúc nào cũng vui vẻ và rất hoạt bát. Thế nhưng vài tháng gần đây thì mình nhận thấy con hay ăn vạ, gào khóc và ném đồ đạc bất chấp lý do. Lúc đầu bố mẹ cũng cáu lắm, mắng rằng “con hư, không ngoan” và “nếu con tiếp tục như thế thì bố mẹ sẽ cho con ra ngoài cửa tối đấy nhé”.

Lúc đầu, mình nghĩ cách dọa và nói thế làm con sợ, vì trước đó con rất nghe lời bố mẹ, không muốn bị ai nói rằng con hư, nhưng những lần này thì thực sự là không còn tác dụng nữa. Con gào khóc và mẹ vô cùng “bất lực”.

Biểu hiện khủng hoảng tuổi lên 3 của Thành Nam

Lúc này mình có tham gia một vài buổi về phương pháp dạy con, là một người mẹ nuôi con theo tư tưởng hiện đại nên mình cũng hay tìm tòi thêm sách vở để hiểu về tâm sinh lý của bọn trẻ. Thì ra con đang mắc ở giai đoạn “khủng hoảng tuổi lên 3”.

Nếu với giai đoạn trước, bố mẹ hay vướng ở những thời điểm “Wonder week” của con, cách giải quyết đơn giản là cùng con vượt qua thì đến giai đoạn này khó khăn hơn rất nhiều. Bố mẹ vừa phải mềm mỏng với con, nhưng cũng phải cứng rắn kẻo trẻ biết lại làm nũng không nghe.

Vậy mình đã cùng con vượt qua “khủng hoảng tuổi lên 3” như thế nào?

Muốn giải quyết bất kỳ vấn đề gì thì trước tiên nên tìm hiểu về nguyên nhân và đặc điểm của nó trước. Với mỗi trẻ sẽ có những giai đoạn phát triển khác nhau gắn liền với đó là những thay đổi về tâm sinh lý.

Dấu hiêu nhận biết giai đoạn “khủng hoảng tuổi lên 3”

Với Thành Nam, mình nhận biết con bước vào giai đoạn trẻ lên 3 khá rõ ràng như con có những đặc điểm về tính cách như rất không nghe lời bố mẹ, cáu gắt, ném đồ đạc lung tung và có hiện tượng hay đánh bạn khi đi học.

Thời gian xuất hiện khủng hoảng tuổi lên 3 sẽ không được định rõ lúc nào, bé được bao nhiêu tháng và đặc điểm bộc lộ của từng bé sẽ không giống nhau. Bố mẹ có thể hiểu đơn giản rằng, con đang lớn dần lên, con có nhiều suy nghĩ khác nhau, tiếp cận những kiến thức nhiều hơn nên con “phản ứng” lại là điều hiển nhiên. Nhưng với người lớn chúng mình thì việc bị căng thẳng sẽ dễ dàng được điều chỉnh hợp lý nhưng với các bé thì chỉ có cách bộc phát ra ngoài thôi. Đây cũng là chuyện hết sực bình thường, bố mẹ hãy nghĩ rằng “con mình đang lớn đấy thôi”.

Giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 này con có hình thức bộc lộ tính cách “phá hoại” hơn là “xây dựng”. Mình nhớ có hôm mình nhờ Thành Nam đưa cho mẹ 1 cái bát, con cáu rồi cầm cái bát đập, lúc đó tức lắm nhưng cũng không nỡ đánh vì biết quát mắng cũng không mang lại lợi ích tích cực gì.

Biểu hiện khủng hoảng tuổi lên 3 của bạn Thành Nam

Một điều thay đổi mà mình nhận thấy trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 này của con là con đã biết đòi hỏi như dùng các từ ngữ: con muốn, con thích, của con … Điều này làm mình khá thích thú vì con đã biết bày tỏ quan điểm của mình trước bố mẹ. Ai nói giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 là không tốt nào.

Lúc này con có thể bộc lộ rõ ràng những mong muốn của cá nhân như việc con muốn làm gì, không muốn làm gì. Như buổi sáng nay khi mình gọi con dậy đi học, con bảo “con không đi học đâu, đi học chán lắm” hay “con không thích mặc quần này đâu, xấu lắm”.

Ngoài ra bé nhà mình còn rất hay vòi vĩnh để được đi chơi, vào cửa hàng đồ chơi nhất định sẽ mua một thứ gì đó nếu không sẽ lăn ra gào khóc. Còn điều nữa đó là con rất hay đánh nhau với bạn. Có lần cô giáo phải gọi điện nhắc mẹ là con đánh bạn A, B, C nào đó.

Yêu thương và nhẹ nhàng với con để vượt qua khủng hoảng tuổi lên 3

Mình từng nghĩ “nếu con cứ mãi mang tính cách cáu gắt như thế này thì sao” nhưng sau thời gian tìm tòi thì mình phát hiện ra, giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 của con rồi cũng đi qua nhưng thái độ của bố mẹ sẽ quyết định tính cách của con sau này.

Hãy chơi với con nhiều hơn để bé dễ dàng vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3

Lúc đầu khi con như thế, vợ chồng mình quát mắng con nhiều, những lúc đó thấy con cúi gằm mặt nhìn tội lắm. Bố mẹ bắt đầu đổi chiến thuật như sau:

  • Nếu con ném đồ đạc, bố mẹ sẽ không giận dữ, coi như không có chuyện gì xảy ra. Đợi con bình tĩnh rồi nhẹ nhàng nói chuyện. Trở lại câu chuyện ném bát ở phía trên của Thành Nam, khi con không cau có nữa, mình bảo con đi dọn cùng mình, vừa dọn vừa nhắc khéo “con ném thế này là không tốt đâu, sẽ không có bát ăn cơm nữa, con sẽ đói và không cao lớn đâu”. Mình không biết những lời mình nói con có thấm nhuần được tý nào không, nhưng vài lần nhẹ nhàng khuyên bảo con cũng bớt ném đồ rồi.
  • Mình tuyệt đối không chiều con theo kiểu con muốn gì thì được đấy. Khi con muốn mua đồ chơi trẻ em, mình sẽ nhắc rằng khi nào con ngoan mẹ sẽ mua hay vào dịp nào đó mẹ sẽ tặng cho con. Sau đó thì mình không mua đồ chơi trong 1 khoảng thời gian nhưng khi cảm thấy bé làm được 1 việc tích cực nào đó thì sẽ thưởng cho con. Trước mỗi buổi đi chơi sẽ nhắc lại nhiều lần “con không được vòi vĩnh mua đồ chơi nhé”, vài lần bé sẽ quen và không còn đòi hỏi nhiều nữa. Nhẹ nhàng với con chính là cách vợ chồng mình cùng nhau vượt qua khủng hoảng tuổi lên 3.
  • Mình thường nhẹ nhàng nhắc con, nhất là trước lúc đi ngủ hay ôm con rồi thủ thỉ “con đi học phải yêu quý bạn nhé, không được đánh bạn, phải nhường nhịn không tranh giành đồ chơi nha”. Mưa dầm thấm lâu, Thành Nam giờ cũng không bị cô giáo gọi điện mách mẹ về tội đánh bạn nữa rồi.
  • Một điều nữa mình nghĩ cũng ít bố mẹ làm được, đó là quyết liệt với con. Có lần Thành Nam vung tay đánh mẹ, mình buộc phải cho con vào phòng, nói với con “khi nào con xin lỗi mẹ thì mẹ sẽ cho con ra”. Lúc đó con gào khóc ghê lắm, nhưng sau đó lại chạy đến khoanh tay xin lỗi mẹ. Sau đó mình ôm con vào lòng, không nói gì đợi con bình tĩnh rồi phân tích đúng sai cho con.

Trên đây là những chia sẻ của mình về khủng hoảng tuổi lên 3 của con, hiện tại mình vẫn đang “chiến đấu” với giai đoạn này cũng con, nhưng mọi việc hiện tại trở nên nhẹ nhàng rất nhiều. Vì thế bố mẹ hãy cùng đồng hành với con để vượt qua khủng hoảng tuổi lên 3 nhé.

Chúc các mẹ thành công.

Xem thêm

Phương pháp Glenn Doman là gì? Có nên dạy con theo cách Glenn Doman

Mẹ Mít nuôi con theo phương pháp EASY như thế nào