“Mẹ ơi, con đau bụng quá” – dạo này tối nào con gái cũng kêu đau bụng như vậy. Thế nhưng cho con đi toilet thì con không chịu, bé bảo: “Con đau bụng thôi chứ không buồn đi ị đâu”. Lấy hết dầu rồi khăn ấm chườm bụng mà con vẫn mếu máo làm cả nhà chị Loan phát hoảng, cả mẹ cả con cùng sụt sùi. Sợ con ăn uống linh tinh nên bị đau bụng, chị Loan nghỉ làm và cho con nghỉ học mấy hôm để ở nhà theo dõi. Nhưng gần một tuần mà tình hình cũng không khá hơn.

Chỉ đến khi đưa con đi khám thì chị mới biết con gái có giun trong bụng. Nghe bác sĩ hỏi chị mới giật mình nhớ ra, từ lúc sinh con đến giờ chị chưa tẩy giun cho con lần nào.

Đem chuyện này kể với các mẹ khác cùng cơ quan chị mới thấy sự vô tâm của mình thật đáng trách.
Có con bằng tầm tuổi với con của các chị cùng cơ quan nhưng bao giờ con chị cũng thấp và nhẹ cân nhất. Cho dù chị cũng chú ý bồi dưỡng nhiều loại thức ăn khác nhau cho con, đổi bữa liên tục nhưng cân nặng của con gái chị vẫn… giậm chân tại chỗ.
Tẩy giun cho con: Không phải mẹ nào cũng biết

Mệt mỏi với cuộc chiến cân nặng của con, chị Loan tự nhủ: “Gen nhà nội, nhà ngoại vậy rồi thì còn mong chờ gì, thấp bé cũng phải thôi”. Vậy là chị buông xuôi, luôn tự động viên: con còi nhưng khỏe mạnh là được.

Đến khi bác sĩ nói do con chị bị giun, thức ăn khi vào bụng con phải “chia sẻ” với những “người bạn” tí hon này nên con không hấp thụ được nhiều, thành ra không thể lên cân, thậm chí còn biếng ăn, còi cọc. Bác sĩ trách chị chẳng chú ý gì đến con, con gái hơn 3 tuổi mà chưa tẩy giun lần nào, cũng không quan tâm khi con chậm tăng cân như vậy. Lúc này, chị Loan mới thấy mình thật đoảng vô cùng.

Đem băn khoăn này lên một diễn đàn chuyên về con cái, chị Loan mới biết đây là vấn đề được rất nhiều các mẹ quan tâm. Không ít mẹ cũng rất muốn tẩy giun cho con nhưng lại băn khoăn khi nào thì có thể tẩy được, có mẹ lại lo lắng cân nặng của con chưa đủ để tẩy giun hoặc không biết nên chọn loại thuốc nào, có cần hỏi ý kiến bác sĩ hay không…

Theo ý kiến của bác sĩ Trần Phúc, chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện Xanh Pôn thì trẻ nhỏ ở thành phố thường được giữ gìn, ăn uống sạch sẽ thì khả năng bị giun thấp hơn nên có thể đến 4 tuổi tẩy giun cũng được.

Nhưng cũng có trẻ từ nhỏ đã bị nhiễm giun. Vì vậy, việc chú ý các biểu hiện của con là rất cần thiết. Cha mẹ phải để ý xem con có các dấu hiệu như đau bụng kèm buồn nôn, nôn ra giun, ngoáy đít… hay không. Nếu thấy có thì nên nghĩ đến khả năng con bị nhiễm giun.

Trong trường hợp con bị nhiễm giun, cha mẹ cũng không nên tự ý tẩy giun tại nhà cho con mà nên cho con đi khám để được bác sĩ chuyên khoa chỉ định.

Đau bụng giun (chủ yếu do giun đũa) có đặc điểm là đau bụng quanh rốn, đau thành cơn, có cảm giác buồn nôn và nôn, có thể nôn ra nếu chúng chui lên dạ dày, đi ngoài sống phân, phân lỏng, hoặc có thể đi ngoài ra giun.

Trẻ mắc giun lâu ngày sẽ có ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, dẫn đến không hấp thu được nhiều dinh dưỡng, trẻ dần bị suy dinh dưỡng, còi cọc. Nặng hơn có thể bị tắc ruột do búi giun. Khi giun chui lên đường mật sẽ gây ra đau bụng cấp. Giun chết đi tạo sỏi trong đường mật, là nguyên nhân gây sỏi đường mật sau này.
Nguy hiểm nhất là trường hợp giun chui lên ống tụy, gây viêm tụy cấp có thể nguy hiểm đến tính mạng. Còn nếu chui lên dạ dày có thể gây đau dạ dày cấp. Một số loại giun khác trong quá trình sinh trưởng và phát triển có thể di trú lên mắt, não.

Việc tẩy giun cho con cũng tùy thuộc từng trẻ. Thông thường, trẻ 2 tuổi là có thể tẩy giun. Còn trong trường hợp trẻ nhỏ hơn nhưng có giun trong bụng thì cũng cần tẩy giun theo hướng dẫn của bác sĩ.

Để phòng bệnh giun, cha mẹ nên chú ý đến khâu vệ sinh ăn uống của con, giữ vệ sinh tay chân sạch sẽ nhất là sau khi đi vệ sinh. Tuyệt đối không cho trẻ ăn sống mà phải cho trẻ ăn chín, uống sôi, cha mẹ hết sức giữ vệ sinh trong quá trình chế biến thức ăn cho con…