Dấu hiệu thiếu canxi ở trẻ
Trẻ quấy khóc, ngủ không ngon giấc, ra nhiều mồ hôi, tóc rụng thành đường hình vành khăn sau gáy, ra nhiều mồ hôi khi ngủ (mồ hôi trộm), thóp chậm liền, đầu bẹt, lồng ngực dô, chân vòng kiềng hoặc chữ bát là những di chứng của còi xương nặng. Ở trẻ lớn hơn thường có những biểu hiện mệt mỏi, biếng ăn, gầy yếu, chóng mặt, đổ nhiều mồ hôi, ngủ không ngon giấc…
Tác hại của trẻ thiếu canxi
Tùy thuộc vào mức độ thiếu canxi ở trẻ nặng hay nhẹ mà dẫn đến những biểu hiện bệnh lý khác nhau. Nhẹ thì khi ngủ hay bị giật mình và mỗi lần như vậy có những cơn khóc thét, co cứng toàn thân, đỏ và tím mặt, cơn khóc kéo dài và có thể nhiều giờ hoặc suốt đêm. Càng dỗ, càng ru, càng cho bú càng khóc nhiều, có thể ngưng thở trong cơn khóc. Trẻ bị thiếu canxi hay có những cơn co thắt thanh quản gây khó thở, nấc cụt, ọc sữa… Ở những trường hợp thiếu canxi nặng có thể ngưng thở và thở nhanh, những cơn tăng nhịp tim và có thể gây suy tim. Nếu không giải quyết tốt nguyên nhân gây hạ canxi máu thì ngoài những biến chứng như trên thì lâu dài sẽ ảnh hưởng đến xương và gây còi xương sớm, biến dạng xương, gù vẹo cột sống. Các biến dạng về xương có thể trở thành vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời, khi trẻ lớn lên đầu có dạng hình cá trê hoặc méo một bên, ngực lép kiểu ức gà, lưng gù, chân cong, răng hô, tướng đi chữ bát…
Bổ sung canxi thế nào cho đúng
Hàm lượng cần thiết đối với trẻ trong độ tuổi 1 – 2 là 500mg/ngày. Bé khoảng 4 – 8 tuổi cần 800mg/ngày và từ 9 tuổi trở lên cần 1.300mg/ngày. Các thực phẩm như sữa và những chế phẩm từ sữa (phô mai, sữa chua) chứa chất này dồi dào nhất. Sữa nguyên kem và sữa tươi có hàm lượng canxi như nhau. Ngoài ra, rau lá có màu xanh sậm, hải sản (tôm, cua, nghêu…), cá, đậu là những nguồn cung cấp canxi tự nhiên cho cơ thể.
Trẻ dưới 5 tuổi uống ít nhất 500ml sữa/ngày, 5 tuổi trở lên khoảng 750ml/ngày là có thể cung cấp đủ lượng canxi cần thiết. Canxi từ sữa và các sản phẩm của sữa như: pho-mát, kem, sữa chua… được hấp thụ vào cơ thể khoảng 32%. Sự hấp thụ canxi từ rau thay đổi tùy loại. Tuy nhiên, vì canxi trong rau dễ bị biến hóa khi nấu nên số canxi còn lại rất ít. Vì thế, phải tiêu thụ 3 ly rau mới có cùng số lượng canxi trong một ly sữa. Khoáng canxi phổ biến nhất là loại canxi carbonate và canxi citrate.
Thông thường thì vẫn có thể uống chung canxi với thuốc khác được, khi dùng canxi vẫn có thể tiếp tục uống các loại thuốc trị bệnh. Tuy nhiên, nên lưu ý, canxi có thể tương tác với vài loại thuốc, như kháng sinh tetracyclin, thuốc trị bệnh tuyến giáp… Vì vậy, khi bổ sung canxi cần được sự tham vấn của bác sĩ. Bạn nên cho trẻ dùng viên bổ sung canxi carbonate sau khi ăn. Trẻ có thể uống trước khi dùng bữa. Ngoài ra, vitamin D giúp cơ thể tăng cường hấp thụ canxi. Bạn nên cho trẻ tắm nắng, tham gia các hoạt động ngoài trời. Đây là nguồn cung cấp vitamin D tự nhiên cho cơ thể dồi dào nhất.
Ngoài ra, nếu cần bổ sung canxi dưới dạng thuốc thì khi mua, cần phải chọn các sản phẩm canxi dễ hấp thu, không gây kích ứng dạ dày ruột, ít gây tác dụng phụ, tiện lợi sử dụng. Trên thị trường có nhiều loại sản phẩm canxi khác nhau, với nhiều hàm lượng khác nhau, cho nên các bậc phụ huynh phải cho các cháu uống theo chỉ dẫn của bác sĩ, vì khi uống quá nhiều dẫn đến thừa canxi cũng không tốt có thể gây sỏi thận, tiết niệu, xương cốt hóa sớm làm trẻ bị lùn.
Điều trị và phòng tránh
Nhiều trường hợp thiếu canxi nhẹ, bác sĩ có thể cho bé uống canxi, kết hợp với vitamin D hàng ngày cho đến khi nào lượng canxi trong cơ thể bé ở mức cân bằng. Nên cho trẻ tắm nắng hàng ngày (trước 9h sáng) để bé tăng cường hấp thụ canxi thông qua quá trình tổng hợp vitamin D.
Nếu trẻ đang bú mẹ, chế độ ăn của người mẹ cần tăng cường các chất giàu canxi như: cá, tôm, cua, thịt, trứng, sữa (chú ý nếu bé bị dị ứng)…