Hội chứng ‘nể sợ’ người nước ngoài
Khoảng tháng 8.2011, ghé vào khu bán thức ăn của Diamond Plaza, tôi gọi một số món cuốn và trở về bàn thì một nhóm rất đông khách Hàn Quốc bước vào. Tôi đợi chừng 20 phút vẫn chưa thấy món mình gọi, nhưng món ăn liên tục được bày ra ở bàn khách Hàn Quốc. Tôi cầm phiếu đến thẳng quầy và cho nhân viên xem giờ mình đã trả tiền. Nhân viên giải thích: “Chị thông cảm, khách đông quá!” Tôi chỉnh ngay: “Chị đến quầy lúc chưa có khách, tại sao em không làm cho chị?” Cô nhân viên trả lời: “Tại vì họ là khách nước ngoài”. Tôi hỏi: “Khách nước ngoài thì sao? Ai đến trước thì phục vụ trước! Một là em trả tiền cho chị, hai là em làm món cho chị!” – và chỉ chừng năm phút sau, món ăn của tôi được bưng ra.
Một lần, tôi đưa con đi chơi công viên nước. Vì lý do an toàn và vệ sinh, ban quản lý yêu cầu tất cả khách đều không mang dép hay giày khi tham gia các trò chơi. Tôi leo lên máng trượt và phát hiện một khách nước ngoài mang giày sandal và được phép trượt nước. Tôi phản ứng ngay và anh nhân viên tại đó giải thích: “Bởi vì ông ấy là người nước ngoài!”
Hai nhân viên trên có thể do hiếu khách quá đáng hoặc khả năng ngoại ngữ không đủ để giải thích với khách nhưng cách phân biệt đối xử này diễn ra cả ở các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng cao cấp. Mới đây, đi nghỉ tại một khách sạn nhiều sao ở Nha Trang, khi gia đình tôi bước vào nhà hàng ăn sáng, các nhân viên không ai chào hay hướng dẫn. Vô sau tôi là hai người khách ngoại quốc, ngay lập tức, quản lý và một nhân viên phục vụ chào đon đả: “Good morning” và “May I help you, Sir?” (Tôi có thể giúp gì cho ông?)
Đất nước ta đang mở cửa nên lao động nước ngoài ở các công ty rất nhiều nhưng không phải tất cả đều là “sếp”. Khi tôi đi họp cùng bất kỳ người nước ngoài nào, có khi là người dưới quyền mình, tôi cũng bị mặc định là nhân viên của người đó và thường xuyên phải nghe câu: “Chị giải thích cho sếp chị giùm…”
Nguyễn Phạm