1. Đối tượng có ý đồ bắt cóc trẻ em

Hầu hết nạn nhân của các vụ bắt cóc trẻ em xảy ra trong thời gian gần đây là trẻ trong độ tuổi mầm non và tiểu học. Đây là hai lứa tuổi nhận thức còn ít, hiểu biết ngây thơ.

Vì vậy, khi trẻ gặp đối tượng này, cha mẹ cần dạy trẻ những kỹ năng sau:

– Trước tiên, cha mẹ cần dạy trẻ nói “không” khi gặp người lạ: Không nhận quà bánh, truyện tranh, lời rủ rê đi chơi hay bất cứ thứ gì.

– Dạy trẻ gọi bố mẹ hoặc người thân gần nhất khi người lạ đến gần. Nói với trẻ “Hãy chạy ngay vào nhà” nếu phát hiện người lạ có ý đồ xấu. 

Bạn có thể dạy trẻ bằng hình ảnh để trẻ nhớ lâu hơn

– Trường hợp khi bị tấn công (ôm, bế…), dạy trẻ hét lên, gọi to bố mẹ. Bạn cũng có thể dạy con hét lớn “cháy nhà”, “có cháy”. Vì khi đó, chính kẻ bắt cóc con cũng hoảng sợ và phân tán tư tưởng, người xung quanh đổ dồn ánh mắt vào con. Trẻ có thể vùng chạy thoát. 

– Trường hợp trẻ bị người lạ ôm, hãy dạy trẻ có thể bất ngờ dùng cùi trỏ tay đập vào ức, cằm và hạ bộ của đối phương để thoát. 

Ngoài ra, bố mẹ hãy thường xuyên chia sẻ những câu chuyện hằng ngày qua sách báo, cùng con xem các phóng sự về bắt cóc.

Dạy trẻ thuộc lòng số điện thoại của bố/mẹ hoặc người thân nhất sẽ giúp trẻ tự tin khi gặp một trường hợp nguy hiểm.

2. Đối tượng có ý đồ xâm hại tình dục

Đây là một loại đối tượng nguy hiểm và xuất hiện ngày càng nhiều. Việc xâm hại tình dục trẻ em gây ra những tổn thương nghiêm trọng và lâu dài cả về thể chất và tâm lý của trẻ. 

– Bạn cần dạy cho trẻ các “vùng cấm” trên cơ thể. Dạy trẻ không được mở cửa cho người lạ vào nhà khi bố mẹ không có nhà.

Tuyệt đối không đến những nơi tối tăm, vắng vẻ và không được để người khác tùy tiện đụng chạm đến thân thể mình.

– Nếu khi phát hiện có người lạ theo, bố mẹ cần dạy trẻ chạy đến gần chú công an hoặc chạy về phía người lớn tuổi. Lúc này, kẻ gian sẽ nghĩ trẻ gặp lại người thân nên không dám lại gần. 

– Trường hợp không may trẻ bị tấn công, bố mẹ nên đưa ra các giả thiết để dạy trẻ cách trốn thoát.

Ví dụ như lợi dụng lúc kẻ xấu sơ hở, trẻ hãy chạy thật nhanh và hét lớn sẽ khiến mọi người xung quanh chú ý hơn.

Hoặc, dạy trẻ có thể đạp thật mạnh vào vùng kín của kẻ xấu rồi bỏ chạy, vì khi quá đau chúng sẽ không đủ sức đuổi kịp bé.

3. Đối tượng có ý đồ trộm cắp

Với đối tượng này, phụ huynh hãy dạy trẻ như sau:

– Nếu đi đâu về mà thấy trong nhà có người lạ hoặc một sự việc bất thường thì không nên vội vào nhà vì có thể kẻ trộm sẽ ra tay hành hung.

Bạn hãy dạy bé cách tốt nhất là hãy bí mật chạy sang nhà hàng xóm để nhờ gọi điện cho bố mẹ hoặc đến trụ sở công can, tổ dân phố, ủy ban phường… gần đó để báo.

– Trong trường hợp ban đêm khi tỉnh giấc nếu phát hiện có trộm, nhắc bé tốt nhất nên nằm yên nghe ngóng, quan sát. 

– Nếu trộm đã vào phòng nên dạy bé giả vờ ngủ, không được lên tiếng để đảm bảo an tòan cho bản thân. Khi thấy kẻ trộm ra khỏi nhà, nên nhanh chóng quan sát, ghi nhớ đặc điểm tên trộm, biển số xe, hướng chạy,… để báo cho người lớn. 

Như vậy, dạy trẻ kỹ năng khi gặp các đối tượng xấu là cực kỳ quan trọng nên bố mẹ phải thực hiện ngay từ khi trẻ còn nhỏ.

Bạn hãy thường xuyên theo sát trẻ, dành thời gian hằng ngày để cùng trẻ trang bị thêm kỹ năng. Hãy nhớ,  chỉ 1 phút giây lơ là, bạn có thể vĩnh viễn mất đi đứa con yêu quý của mình!

Theo Emdep