Dưới đây là thực đơn ăn dặm dành cho bé 6 tháng tuổi trở lên, sẽ là gợi ý hữu ích cho các bà mẹ.
Bú mẹ
Trung bình một ngày nên cho bé bú 6 – 8 bữa (theo nhu cầu của trẻ), tương đương với khoảng 500ml sữa. Bởi sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Do đó, mẹ nên kết hợp giữa việc cho bé bú và ăn dặm, lượng sữa có thể giảm dần hoặc thay thế bằng sữa bột khi bé đã ăn dặm tốt hơn.
Sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng tốt cho trẻ nhỏ
Nếu mẹ không đủ sữa, các mẹ nên cho trẻ ăn sữa bột phù hợp với lứa tuổi, tương đương với khoảng tối thiểu là 500ml sữa/ ngày, được pha chuẩn theo công thức ghi trên vỏ hộp của từng loại sữa. Nếu trẻ không chịu bú bình bạn có thể đổ sữa bằng thìa cho trẻ.
Bột loãng (ngày 1- 2 bữa)
1. Cách nấu
Một bát bột loãng tương đương theo tỉ lệ 2 thìa cà phê bột xay nấu với 200ml, nước cộng với 1 thìa cà phê thịt hoặc tôm xay nhỏ, hoặc 1/2 lòng đỏ quả trứng gà, hoặc 02 quả trứng chim cút cộng 01 thìa mỡ hoặc dầu ăn, thêm 1 thìa cà phê lá rau xanh xay nhỏ.
2. Gợi ý một số món bột thích hợp cho bé 6 tháng tuổi trở lên
– Bột cà rốt, táo đỏ:
Nguyên liệu: cà rốt 75g, táo đỏ 50g, mật ong vừa đủ.
Chế biến: Cà rốt và táo gọt vỏ, thái vụn. Sau đó, đun sôi nước, cho cà rốt và táo vào nấu nhừ. Thêm mật ong vào đảo đều.
Giàu beta carotene, cà rốt luôn là sự lựa chọn đầu tiên trong thực đơn ăn dặm của bé
– Bột khoai tây, bí đỏ, thịt gà:
Nguyên liệu: Bột gạo 10g, thịt gà 15g, bí đỏ 15g, khoai tây 15 g
Chế biến: Khoai tây gọt vỏ, thái nhỏ, luộc chín, xay nhuyễn. Thịt gà lọc kỹ, xay nhuyễn, khuấy đều trong 30ml nước lạnh. Sau đó, hòa tan 10g bột trong một chút nước. Nấu chín thịt với phần nước còn lại, cho bí đỏ và bột gạo đã hòa tan vào khuấy chín.
– Bột lòng đỏ trứng gà, đậu phụ
Nguyên liệu: bột gạo 20g, đậu phụ 30g, lòng đỏ trứng gà 15g, dầu 5g, nước 200ml
Chế biến: Cho đậu phụ vào nước đun sôi trong 1 phút, để ráo, nghiền nhuyễn. Cho lòng đỏ trứng vào đảo đều. Sau đó hòa 10g bột gạo vào ít nước, khuấy đều, thêm phần nước còn lại cùng với trứng và đậu phụ. Bắc lên bếp nhỏ lửa, cho ra bát thêm 1 thìa cà phê dầu, trộn đều. Nêm nước mắm ngon hoặc muối I-ốt vừa ăn.
Bổ sung nước hoa quả, rau xanh 2 – 3 lần trong ngày
1. Nước cam tươi
Nguyên liệu: cam tươi, đường trắng, nước ấm vừa đủ
Cách làm:
– Rửa sạch cam, bổ thành 2 nửa.
– Cho vào máy xay sinh tố ép lấy nước
– Cho thêm chút đường trắng, khuấy đều
2. Nước rau dền:
Nguyên liệu: rau dền 100g, muối tinh, nước 100ml
Cách làm:
– Rửa sạch rau dền, thái vụn.
– Đặt nồi lên bếp, đun nước sôi.
– Cho rau dền vào, thêm chút muối tinh, đun khoảng 5-6 phút
– Bớt lửa om tiếp 10 phút, lọc bỏ xác rau và nước cặn.
3. Nước cà chua:
Cà chua có nhiều chất xơ, vitamin tốt cho sức khỏe của bé
Nguyên liệu: cà chua tươi, đường trắng, nước ấm vừa đủ
Cách làm:
– Rửa sạch cà chua, chần qua nước sôi rồi bóc vỏ
– Bỏ hạt cà chua, ép lấy nước
– Cho thêm đường trắng, hòa với nước ấm.
Một số chú ý khi cho bé 6 tháng tuổi ăn dặm:
Vì đang là thời kỳ bạn tập cho bé ăn bổ sung nên bạn cần chú ý những vấn đề sau:
– Cho trẻ ăn theo nguyên tắc từ lỏng đến đặc, từ ít tới nhiều
– Cho trẻ bú càng nhiều sữa mẹ càng tốt, không nên bổ sung mì chính (bột ngọt cho trẻ), cho trẻ ăn nhiều hơn khi trẻ bị ốm,…
– Cho bé làm quen với một loại thức ăn trong 3-5 ngày. Cách này giúp mẹ phát hiện xem bé có bị dị ứng với thức ăn dặm nào đó không. Sau khoảng 3 ngày, nếu bé không phản ứng với loại thức ăn nhất định, không bị rối loạn tiêu hóa, nổi ban… thì hãy chuyển sang cho bé tập ăn loại khác.