Dưới đây là một số cách giúp bé cảm thấy an toàn và thoải mái hơn khi đến gặp bác sĩ, theo Parents.

Trực tiếp đưa con đi khám

Trong khi một số phụ huynh để ông bà hay người giúp việc đưa bé đi khám, thì tốt hơn là chính bạn nên làm việc này, ít nhất là trong 1-2 lần đầu con đến gặp bác sĩ. Nếu trẻ nhìn thấy bố hay mẹ và cảm giác bố mẹ mình thoải mái ở một nơi mới, tỏ ra tin tưởng bác sĩ, thì chúng cũng an tâm hơn.
Đọc sách và đóng kịch có nhân vật bác sĩ

Cách này có thể giúp bé hình dung những điều sẽ xảy ra tại phòng khám. Bạn có thể mua cho con bộ đồ chơi khám bệnh và một chiếc áo khoác màu trắng rồi cùng giả vờ đóng vai bác sĩ – bệnh nhân. Qua đây, bé sẽ biết làm thế nào bác sĩ có thể kiểm tra miệng bé, nghe nhịp tim hay đo huyết áp cho con…

Bạn cũng có thể đọc cho bé nghe những câu chuyện về các con vật chia sẻ rằng phải khám, chữa mới nhanh khỏi bệnh, kèm các hình ảnh minh họa về việc này.

Công nhận nỗi sợ hãi của con

Đừng nói những câu như “Con đừng sợ”, “Tiêm không đau đâu” hay “Không được khóc” bởi vì nó sẽ chỉ khiến con thấy bạn đang hù dọa chúng”, bác sĩ Donald Shifrin, chuyên gia nhi khoa tại Đại học Washington, Trung tâm Y tế Seattle (Mỹ) nói. Thay vì thế, hãy nói bạn biết con không thoải mái nhưng điều đó sẽ qua nhanh và bạn sẽ ở bên con trong suốt thời gian này.

Nhiều trẻ đặc biệt sợ bác sĩ vì sợ tiêm. Bạn đừng bao giờ hứa với con là sẽ không cần tiêm (trừ khi bạn biết chắc như vậy) mà giải thích rằng không phải lần nào đi khám cũng tiêm.

Tạo cho bé sự thoải mái và tự chủ

Ngồi trên một chiếc bàn cao một mình khi bố mẹ đợi bên ngoài cũng khiến bé bất an. Nếu có thể, hãy để bé ngồi trong lòng bạn, con sẽ cảm thấy yên tâm hơn. Trẻ sẽ tin rằng không có điều gì xấu xảy ra với mình nếu bố, mẹ bảo vệ chúng. Trẻ cũng không cảm thấy bị động vì một người lạ chạm vào và bắt chúng nghe theo sự chỉ bảo của họ.

Ngoài ra, bạn cũng có thể cho con có quyền lựa chọn, chẳng hạn như hỏi xem bé thích được bác sĩ kiểm tra bên tai nào trước, hay bé muốn khám ngực, mắt hay bụng đầu tiên…

Các bé cũng bị ảnh hưởng rất nhiều từ tâm trạng của bố mẹ. Nếu con thấy bạn thoải mái, bình tĩnh, bé cũng sẽ thấy tốt hơn, vì thế, đừng tỏ ra quá sốt sắng, lo lắng.
Mang theo vật hay món đồ chơi bé thích

Một chiếc ti giả hay chăn ủ có thể giúp bé trấn tĩnh lại, còn một chú thú nhồi bông hay con búp bê yêu thích có thể giúp trẻ thấy quá trình khám bệnh qua nhanh hơn. Nếu anh chị bé không sợ bác sĩ, bạn có thể đưa đi cùng và nhờ khám cho bé lớn trước. Khi thấy anh hay chị khám trước, bé sẽ bớt sợ hãi và can đảm hơn.

Dành cho bé những điều mong đợi sau khi khám

Khi rời khỏi phòng bác sĩ, hãy ôm con, hôn con và khích lệ như “Con đã làm rất tốt. Mẹ muốn kể ngay với bà hay bố là con đã can đảm như thế nào”. Bạn cũng có thể đưa con đi xem phim hay đến khu vui chơi.

Tuy nhiên, đừng biến những điều này trở thành một điều kiện hay phần thưởng khi bé có hành vi tốt, vì nếu con không thể vượt qua nỗi sợ hãi thì sau đó bé sẽ cảm thấy tệ hơn bởi đánh mất cả sự ưu đãi. Ngoài ra, hãy chỉ ra những thứ vui thích xảy ra khi đi khám (như bác sĩ cho bé một chiếc kẹo) và nhắc lại niềm tự hào của bạn về con với mọi người khi có mặt bé.

Tin vào bản năng của mình

Khi chọn một bác sĩ nhi khoa, tính cách của người đó cũng quan trọng như kiến thức và trình độ chuyên môn. Một số bé sẽ sợ tất cả các bác sĩ nhưng nếu con bạn sợ một người nào đó đặc biệt, hãy hỏi bé lý do và tìm hiểu thêm từ những bố mẹ khác – có con khám cùng bác sĩ với bạn. Nếu nỗi sợ hãi của bé có căn cứ, hãy tìm một chuyên gia khác.