Mức độ căng thẳng ở trẻ thường khác nhau, và phụ thuộc vào đặc tính môi trường, gia đình và trường học, tình huống và phương tiện học tập cả ở nhà, ở trường. Khi bị stress, trẻ không còn hứng thú với mọi hoạt động hàng ngày nữa. Khoảng thời gian này, trẻ rất nhạy cảm với những lời chỉ trích của người lớn. Bên cạnh đó thái độ cáu bẳn, cũng như vẻ mệt mỏi cũng là những biểu hiện khi trẻ đang bị stress.
Trẻ bị stress
Mặc dù phần lớn trẻ có thể chống đỡ với các áp lực, yêu cầu từ trường học, thế nhưng vẫn có nhiều em không thể làm được điều này một mình. Bố mẹ hãy nắm bắt sự thay đổi hàng ngày, để giúp trẻ vượt qua sự căng thẳng, lo âu bằng những việc đơn giản sau đây:
Cố gắng đưa bé đến trường đều đặn
Nếu có thể, bạn hãy tự đưa con đến trường, ít nhất là trong những ngày đầu tiên. Nếu không thể đưa con đi học, hãy nói với con rằng bạn sẽ thu xếp để chiều đi làm về sớm với con. Những buổi nói chuyện cùng cha mẹ trong những ngày đầu đi học rất quan trọng đối với tâm sinh lý các bé.
Nói chuyện với con về bạn bè, trường lớp
Hãy dành thời gian để hỏi han con về mối quan hệ với bạn bè, thấy cô trên lớp. Nếu trẻ có khúc mắc với bạn bè, hãy nói với con không phải giải quyết mọi việc một mình. Thậm chí tìm ai đó để trút bầu tâm sự về những áp lực, điều đó giúp trẻ cảm thấy được chia sẻ và khuyến khích.
Cho trẻ ngủ đủ và bổ sung thêm dinh dưỡng cho trẻ
Khi thời khóa biểu học tập của con quá tải, bạn nên lưu ý đến những nhu cầu cơ bản của con trước hết. Nếu con quá mệt hay dinh dưỡng không đầy đủ cho cơ thể thì ít có khả năng thực hiện tốt dưới áp lực. Các con chỉ cần thời gian để vệ sinh cá nhân và ăn sáng trước khi tới trường. Gọi dậy quá sớm sẽ làm các con phải chờ đợi lâu và sinh ra mệt mỏi, lo âu. Hơn nữa các con đang quen ngủ dậy muộn, sự thay đổi thời gian biểu đột ngột có thể làm các con bị “sốc”.
Đưa trẻ đi tập thể dục ngoài trời
Bài tập thể dục làm cho cơ thể trẻ cảm thấy tràn trề hy vọng và tiếp thêm sinh lực. Dù cho con trẻ có bận học bao nhiêu, cũng nên tìm thời gian để ra ngoài và đi bộ, chạy nhảy, đạp xe, bơi lội, chơi tennis hay tham dự bất kỳ hoạt động thể chất nào mà con thích thú.
Sắp xếp thời gian biểu hợp lý cho con
Có những lúc con cảm thấy quá tải khi gặp quá nhiều điều cần làm, nói với con hãy bỏ bớt vài thứ vào sọt rác. Hoàn thành bài tập, học bài kiểm tra, chuẩn bị bài ở trường, chơi một nhạc cụ, mua sắm giày để khiêu vũ… học quyết định điều gì quan trọng nhất và tập trung ưu tiên cái nào trước. Sắp xếp danh sách những điều cần làm theo trình tự quan trọng.
Rèn luyện sự tự tin của bé
Tưởng tượng tới một môi trường mà ở đó không có bố mẹ, ông bà hoặc không có những thầy cô mà bé từng làm quen có thể khiến các bé hoảng sợ hoặc không muốn đi học. Điều đó hoàn toàn bình thường, hãy giúp bé lấy lại sự tự tin. Hiện tưởng tâm lý này có thể xuất hiện ở các bé trong nhiều ngày sau khi khai trường. Hãy nói chuyện với bé để giúp bé vượt qua.
Dạy trẻ cách kiểm soát bản thân
Dạy con giữ thói quen ghi chép hằng ngày là cách hữu ích để giải bày sự giận dữ, nỗi buồn hay sự thất vọng. Khi viết ra là con đã chuyển những tình cảm tiêu cực vào trang giấy. Quá trình này giúp trẻ hiểu điều gì phía sau cảm xúc đó. Dạy cho trẻ chiến lược kiểm soát căng thẳng với các tình huống khác nhau. Như vậy trẻ sẽ cảm thấy rằng chúng rất có ý nghĩa đối với cha mẹ.