Mặc dù sự phát triển khả năng cầm nắm của bàn tay bé là hoàn toàn tự nhiên, không cần bất cứ sự giúp đỡ nào từ bố mẹ, nhưng có rất nhiều cách để nuôi dưỡng các kỹ năng vận động cũng như khả năng nhận thức cho bé thông qua các hoạt động cầm-nắm đồ vật. Do đó, bố mẹ cần biết được những cột mốc phát triển cơ bản của bàn tay trẻ để hướng dẫn và khuyến khích bé trở nên khéo léo hơn.
1 tháng
Trong tháng đầu tiên, bàn tay bé lúc nào cũng nắm thật chặt. Ngón tay cái được nhét dưới những ngón tay khác khoảng 80-90% thời gian. Sự cử động của bàn tay bé lúc đầu không hề có ý thức, thậm chí bé còn không biết đôi bàn tay này thuộc về mình. Nếu mở lòng bàn tay bé ra, bạn sẽ ngạc nhiên vì độ chặt của nắm tay của bé đấy! Tuy nhiên, động tác này chỉ là một phản xạ, bé sẽ không thể giữ một vật trong tay lâu được. Đến khoảng 6 tuần, bé sẽ dùng bàn tay này nắm lấy bàn tay kia để cố gắng mở chúng ra. Và trong 3 tháng tiếp theo, các ngón tay và lòng bàn tay của bé mới từ từ thả lỏng.
2 đến 3 tháng
Giai đoạn này, bé bắt đầu ý thức được rằng bàn tay là của mình và những cử động của bàn tay sẽ trở nên có mục đích hơn. Lúc này bé sẽ phát triển khả năng nhìn nhận và quan tâm đến các đồ vật mình thích, tuy nhiên vẫn chưa biết cách với lấy chúng. Bạn có thể chơi với con bằng cách đặt các đồ vật vào tay bé như khối đồ chơi, lục lạc, ngón tay của bạn… Lòng bàn tay sẽ cung cấp cho bé rất nhiều thông tin cảm giác.
4 đến 5 tháng
Bé lúc này đã có thể với và nắm lấy đồ vật theo ý mình một cách chính xác hơn. Khi bạn đưa đồ chơi cho con, bạn sẽ thấy bé nhìn món đồ rồi lại nhìn vào bàn tay mình. Đây là dấu hiệu của sự phát triển khả năng phối hợp giữa suy nghĩ và hành động: bé chắp hai tay lại để giữ chặt đồ vật vào người hay nắm đồ đưa vào miệng, bé thích giật vớ, nón ra hoặc chơi đùa cùng các ngón chân khi tắm… Với khả năng giữ đầu ngẩng lên cao khi nằm sấp và dùng tay chống đỡ sức nặng của cơ thể, bé bắt đầu biết đẩy tay và nằm lật lại.
Bé sử dụng đôi tay để khám phá thế giới
6 đến 7 tháng
Bé bắt đầu nắm lấy đồ vật bằng toàn bộ bàn tay, dùng ngón cái để nhấn cho món đồ đó nằm “an toàn” trong lòng bàn tay. Nhận thức về hình ảnh cũng giúp bé thao tác tốt hơn với các đồ vật. Bé cầm đồ vật trong tay và đập vào bàn tay còn lại, đập lên tường, lên sàn nhà, chỉ tay vào các đồ vật, cầm rồi ném chúng đi. Trong giai đoạn này, đồ chơi cho bé khá đa dạng: những quả bóng mềm, các khối vuông, lục lạc và bạn hãy nhớ nói chuyện thật nhiều với bé khi chơi nhé!
8 đến 9 tháng
Bé đã thành thạo khả năng chuyển đồ từ tay này sang tay kia, các cơ bắp cũng phản ứng nhanh nhẹn hơn. Bé bắt đầu sử dụng hai tay một cách riêng biệt, ví dụ như một tay cầm đồ chơi, tay kia với lấy một vật khác. Vào lúc này bé đã ngồi khá vững vàng nên có thể làm nhiều việc hơn với đôi tay của mình. Đồ chơi tốt nhất cho bé vào lúc này là các khối gỗ đủ hình dạng và màu sắc. Mặc dù bé vẫn chưa thể phân biệt được các hình dáng của chúng nhưng sẽ cảm thấy vô cùng thích thú với việc tống hết đồ chơi vào một giỏ sau đó lại đổ hết ra ngoài.
10 đến 12 tháng
Trẻ ở độ tuổi này đã thành thạo trong các thao tác dùng bàn tay. Những ngón tay trở nên khéo léo hơn, có thể bốc các vật nhỏ bằng cách sử dụng ngón trỏ và ngón cái. Tất nhiên, nơi luyện tập tốt nhất cho bé chính là trên bàn ăn. Những miếng đồ ăn nhỏ là những công cụ hữu hiệu nhất để bé luyện tập kĩ năng này một cách chính xác hơn. Vào thời điểm này bé có thể bốc hết mọi thứ vừa mắt để bỏ vô miệng, do đó bạn cần phải vô cùng cẩn thận với những nguy cơ xung quanh con mình (những vật nhỏ như dây thun, những món đồ nhỏ, vụn, đồ sắc nhọn…) và luôn giữ bé trong khu vực an toàn.
Trò chơi nhỏ giúp trẻ phát triển suy nghĩ
Khoảng từ 7 đến 8 tháng tuổi, bố mẹ có thể hướng dẫn cho bé cách cầm nắm và suy nghĩ trước khi hành động bằng một trò chơi nhỏ. Bài luyện tập này không chỉ giúp bé trau dồi thêm kĩ năng vận động mà còn nâng cao thêm kĩ năng giải quyết vấn đề khi bé đối mặt với chúng.
Bạn hãy chọn 3 món đồ chơi mà bé thích sau đó đưa cho bé cầm 2 món bằng 2 tay. Đưa món thứ ba cho bé. Ban đầu bé sẽ khá bối rối và cố cầm luôn món thứ ba với hai tay cầm đồ chơi kia. Tuy nhiên khi khả năng nhận thức của bé nâng cao, bé sẽ biết phải bỏ món một món xuống trước khi cầm thêm một món khác.