Tạo nhóm chơi nhỏ

Với trẻ nhỏ, nên tránh tập trung quá đông trẻ cùng chơi, vì dễ xảy ra tình huống tranh giành hoặc bé nào đó không thích tham gia. Cố gắng tạo những nhóm chơi nhỏ, khi trẻ mới học cách chơi cùng bạn. Hai bé là một nhóm hoàn hảo.

Kết đôi theo cá tính

Bạn nghĩ rằng con trai hiếu động của mình sẽ chơi rất hợp với cậu bé tinh nghịch con của người bạn thân. Thực tế không hẳn như vậy. Hai cá tính mạnh hầu như sẽ luôn xung đột và hai bé nhút nhát có thể sẽ chẳng muốn tương tác với nhau. Ghép đôi một trẻ dễ gần với một bé nhút nhát thành một nhóm chơi sẽ tốt hơn.

Tắt tivi

Nếu có một nhóm trẻ chơi ở nhà bạn, hãy tắt tivi trước khi trò chơi bắt đầu. Nếu tivi vẫn mở, bọn trẻ sẽ chú ý đến những gì đang có trên màn hình thay vì dành sự chú ý đến nhau.

Chọn thời điểm thích hợp

Bạn nên để các con chơi cùng nhau vào sáng sớm hay ngay sau giấc ngủ trưa. Nếu bạn đưa các bé đến với nhau khi chúng mệt hay đói, bọn trẻ sẽ cáu kỉnh và dễ đánh nhau, chứ không phải là chơi đùa.

Chọn đồ chơi thích hợp

Nếu bạn muốn các bé chơi với nhau, hãy đưa cho chúng những món đồ chơi khuyến khích trẻ chơi theo nhóm, chẳng hạn như thay quần áo cho búp bê, đồ chơi làm bếp, những con vật đáng yêu… Nếu bạn đưa ra những cuốn sách nhiều màu sắc, bọn trẻ sẽ mỗi đứa cầm một quyển và xem một mình.

Ngăn chặn xung đột

Tranh giành, đánh nhau dễ xảy ra khi hai trẻ chơi với nhau, đặc biệt là khi một bé có món đồ mà bé kia muốn chơi. Việc này sẽ làm hỏng tất cả sự cố gắng gần gũi từ đầu tới lúc đó, và khiến hai trẻ khó chơi tiếp với nhau.

Bố mẹ hãy chuẩn bị trước cho tình huống này và tìm cách ngăn chặn trước khi mọi việc trở nên nghiêm trọng. Khi thấy trẻ bắt đầu tranh cãi, bạn có thể can thiệp bằng cách thu hút sự chú ý của các bé vào một điều gì khác hay nói chuyện với trẻ về món đồ chơi bé thích. Hãy đảm bảo con bạn có món đồ chơi mà bạn bè có khi tham gia nhóm chơi.

Cân nhắc nuôi một con vật cưng. 

Vài đứa trẻ có thể chưa sẵn sàng với việc chơi với các bạn cùng trang lứa. Nếu bé cứ bám lấy bạn và không chịu rời, thử nghĩ đến phương án đón nhận một em thú cưng vào gia đình xem. Chơi với thú cưng cũng đòi hỏi sự tương tác xã hội nhưng không làm bé e sợ.

Rủ bạn của chính bạn đến chơi. 

Vì con của bạn thường chú ý đến những việc mà người lớn làm và bắt chước theo đó, nên hãy làm mẫu cho con bằng cách mời bạn của chính bạn đến chơi, và càng tốt hơn nữa nếu người bạn đó dắt cả con nhỏ đến. Vậy là bạn có cuộc hẹn đôi rồi đó.

Đừng kỳ vọng quá nhiều.

Trẻ trước tuổi đi học chủ yếu chơi với nhau bằng cách nhìn nhau và bắt chước hơn là trực tiếp cùng chơi. Nếu con bạn cảm thấy áp lực phải làm nhiều hơn thế thì có thể sẽ dẫn đến phản tác dụng. Cháu có thể đã có sẵn cảm giác không thoải mái khi ở cạnh các bạn cùng trang lứa, giờ áp lực từ phía bố mẹ càng làm gia tăng cảm giác này. Bé có thể sợ làm bạn thất vọng, hoặc sẽ ra sức chứng tỏ. Do đó bố mẹ không nên thúc ép trẻ chơi với nhau vì chúng có khả năng tự mình lựa chọn. Ở đây có một đường ranh mỏng. Bạn không muốn thúc ép tình bạn, nhưng bạn chắc chắn có thể làm nền cho nó.