Để tạo cho trẻ một tính cách vui vẻ, hoạt bát và bồi dưỡng khiếu thẩm mỹ, cha mẹ hãy cho trẻ chơi những đồ chơi âm nhạc, nghe nhạc thiếu nhi từ khi còn nhỏ.
Không cho trẻ chơi quá nhiều đồ chơi
Trẻ 18-24 tháng tuổi đã biết chơi đồ chơi và rất thích đồ chơi. Nhưng lúc này trình độ phát triển sinh lý còn thấp, trẻ chưa tập trung vào chơi và rất hay bị ngoại cảnh chi phối nên dễ phân tán sự thích thú.
Vì vậy các ông bố bà mẹ cần chú ý:
– Khi trẻ chơi, bố mẹ không nên cho nhiều đồ chơi, trẻ sẽ bị hoa mắt và dễ phân tán, lúc xem cái này lúc sờ cái nọ. Kết quả là trẻ sẽ không thực sự chơi cái gì, không bồi dưỡng được tính kiên trì và sức chú ý.
– Chỉ nên để cho trẻ 1 hoặc 2 thứ đồ chơi, như vậy trẻ sẽ động não, tìm đủ mọi cách để tìm hiểu đồ chơi và bày ra nhiều trò khác nhau. Khi đã chơi chán rồi thì cha mẹ có thể cho trẻ chơi đồ vật khác. Ví dụ: đưa cho trẻ một chiếc cúc to và một sợ dây nhựa, yêu cầu trẻ xuyên sợi dây qua chiếc cúc, khi trẻ không muốn chơi nữa thì bố mẹ có thể cho bé ra ngoài chơi đá bóng.
– Đối với trẻ bé hơn, nếu lặp lại nhiều lần một trò chơi có ý nghĩa rất quan trọng. Khi lặp đi lặp lại cách chơi giúp cho trẻ tìm thấy cảm hứng, cho nên người lớn không cần chuẩn bị nhiều đồ chơi cho trẻ ở độ tuổi này.
Giúp trẻ có thói quen thu dọn đồ chơi
Dạy trẻ thói quen thu dọn đồ chơi sau khi chơi xong là một việc làm có tính giáo dục. Nhưng, có một hiện tượng tồn tại phổ biến là trẻ em chỉ biết chơi nhưng chưa có ý thức thu dọn.
Người lớn thường nghĩ đơn giản để trẻ cất đồ chơi chi bằng mình cất cho nó nhanh lại vừa đỡ phiền phức. Cha mẹ bé đâu biết rằng đó không phải là việc làm tốt trong giáo dục con trẻ. Không nên làm hết mọi việc cho trẻ và bao bọc, cưng chiều trẻ thái quá, sẽ khiến chúng ngày càng ỷ lại, lười biếng cũng như thiếu ngăn nắp gọn gàng, và sẽ vô tình tước đi cơ hội để trẻ tự học tập, rèn luyện bản thân. Vì vậy, hãy giúp trẻ hình thành thói quen thu dọn đồ chơi sau khi chơi xong.
Động viên, khuyến khích trẻ…cha mẹ không thể bỏ qua
Động viên có ý nghĩa làm cho trẻ thêm tự tin, hy vọng và có lòng tin để nhìn thẳng và ứng phó với mọi hoàn cảnh. Đặc biệt, khi trẻ gặp những hoàn cảnh khó khăn hoặc sự việc cấp bách khẩn trương, cha mẹ động viên sẽ là một cách giúp đỡ rất hiệu quả làm cho trẻ tăng thêm niềm tự tin, tính kiên trì và chủ động.
Khi động viên trẻ, cha mẹ cần chú ý một số phương pháp sau:
Biểu dương, tán thưởng những thành tích trẻ đã đạt. Bình luận về việc làm đúng của trẻ, ít nói về sai lầm và chỉ cho trẻ phải nên làm thế nào để tiếp tục phát huy thành công mới.
Khuyên bảo: Dùng lời lẽ khéo léo và thái độ tình cảm để thương lượng, thuyết phục trẻ, thí dụ: “con chịu khó nhé, khi nào quen rồi thì con sẽ cảm thấy rất dễ dàng”. Đối với những trẻ mặc dù đã nỗ lực nhiều lần nhưng không thành công, thì không nên chê trách mà nhẹ nhàng chỉ cho chúng thấy phần đã sai và khuyến khích chúng tiếp tục cố gắng.
Tỏ rõ lòng tin: Nếu bạn tin là trẻ làm được công việc gì, thì nên kiên quyết yêu cầu trẻ làm và tỏ rõ cho chúng thấy bạn tin tưởng ở chúng. Thí dụ, bạn có thể nói: “Con làm được đấy, mẹ biết mà”…
Thiết tha yêu cầu: Đôi khi bạn có thể muốn con làm một vài công việc nào đó, hãy yêu cầu bé một cách dịu dàng và có tính mời mọc. Thí dụ như nói: “con ơi, con giúp mẹ với nào”.
Làm gương: Bạn cần nêu gương dũng cảm và lòng quyết tâm cho con khi bạn giải quyết các khó khăn trong cuộc sống ngay tại gia đình bạn…