– Tôi không thèm ăn thứ gì cả. Liệu có vấn đề gì nghiêm trọng không?

– Theo một số nghiên cứu, khoảng 76%-90% phụ nữ thèm ít nhất một loại thức ăn trong giai đoạn mang thai. Chứng thèm ăn thường xảy ra ở đầu quý I (khi lượng hormone trong cơ thể thay đổi mạnh mẽ nhất). Sau khoảng tháng thứ 4, nhu cầu ăn uống của bạn sẽ trở lại mức bình thường.

Nếu bạn không mắc chứng thèm ăn thì bạn có thể nằm trong số 10% thai phụ còn lại. Điều này hoàn toàn bình thường.

– Chứng thèm ăn có làm đảo lộn cân bằng dinh dưỡng?

– Thèm ăn (hoặc chán ăn) vô độ sẽ khiến bé khó hấp thụ dưỡng chất cần thiết. Tất nhiên, bạn không cần phải cố ăn những thứ bạn không thích nhưng bạn nên cân bằng thực phẩm hàng ngày. Nếu bạn bỗng nhiên thèm những món không có lợi cho sức khỏe, bạn nên tìm kiếm biện pháp thay thế; chẳng hạn, thay vì muốn uống cafe, bạn có thể nhấm nháp một thanh chocolate nhỏ.

– Tôi lại thèm ăn những thứ kỳ quái?

– Một số thai phụ mắc chứng nghén lạ như thèm ăn vải, đất sét, tro củi, kem đánh răng, giấy, cát… Nếu rơi vào trường hợp này, bạn nên nhanh chóng gặp bác sĩ. Một số nghiên cứu chứng minh, chứng nghén lạ có liên quan đến việc thiếu sắt trong cơ thể.

Một số thai phụ còn mắc chứng nghén mùi lạ. Họ thích ngửi mùi xăng, mùi sơn, các sản phẩm vệ sinh nhà cửa khác…

– Tôi không thể chịu được mùi sữa. Có cách nào khắc phục không?

– Bạn không nên quá lo lắng. Đúng là bé cần canxi (mà sữa lại là nguồn canxi tiện dụng nhất) nhưng bạn có thể sử dụng các sản phẩm thay thế như sữa chua, phômai, bơ… Ngoài ra, bạn cũng nên ăn thêm những loại thực phẩm giàu canxi. Tiếp đến, bạn có thể dùng những sản phẩm khô từ sữa như bánh sữa, bánh nướng (chứa sữa)… 

Cuối cùng, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ khi muốn bổ sung canxi.