Mẹ đã có thể uống cà phê?

Bạn có thể hoàn toàn an tâm nhé. Tuy rằng lượng caffeine bạn hấp thụ sẽ được đưa vào trong sữa, nhưng ở mức dưới 1%. Nếu bạn uống cà phê loãng theo khẩu vị Âu – Mỹ thì đừng để quá 3 ly/ngày. Nếu khẩu vị cà phê của bạn đậm đặc hơn, đừng uống quá 1 ly mỗi ngày nhé.

Nếu lượng caffeine ở dưới ngưỡng 300mg/ ngày, bé yêu sẽ không bị ảnh hưởng các Mẹ nhé!

Mẹ có thể ăn kiêng?

Có, nhưng bạn phải tiến hành chậm rãi thôi. Bạn cần 10 tháng cho đến 1 năm để trở lại cân nặng bình thường trước khi sinh. Giảm cân quá nhanh sẽ giải phóng các độc tố được lưu trữ trong mỡ của bạn vào máu và tất nhiên, chúng cũng lẫn vào sữa mẹ. Và bạn cũng đừng nghĩ rằng phải cai sữa cho con để tiến hành giảm cân một cách nhanh chóng hơn. Việc cho con bú mẹ sẽ giúp giảm cân nặng dư thừa vì cơ thể sẽ dùng năng lượng dự trữ dưới dạng chất béo để sản xuất sữa.

Mẹ có thể dùng thuốc tránh thai?

Hầu hết các viên tránh thai đều an toàn. Chúng thường chứa estrogen và progesterone. Tuy nhiên, những loại thuốc chứa estrogen có thể làm giảm lượng sữa. Ngược lại, những viên thuốc chỉ chứa progesterone có thể thúc đẩy cơ thể sản xuất sữa. Vì vậy, viên tránh thai chỉ chứa progesterone là lựa chọn tốt hơn cho các mẹ đang cho con bú.

Một chút rượu cũng an toàn?

Bạn có thể uống một ít đồ uống có cồn nếu thời điểm uống cách xa cữ bú của bé từ 2 đến 3 giờ. Gan của bé còn yếu nên không thể xử lý cồn trong sữa mẹ tốt như gan của bạn. Vì vậy, khoảng cách vài giờ là thời gian để cơ thể đào thải toàn bộ chất có hại trước khi cho con bú.

Mẹ có thể cho con bú khi đang bị bệnh?

Trong hầu hết các trường hợp, mẹ có thể cho con bú khi đang bị bệnh như cảm lạnh, cảm cúm, hay nhiễm virus trong dạ dày. Hơn nữa, bé đã tiếp xúc bệnh của mẹ từ trước khi những triệu chứng xảy ra. Và vì cơ thể bạn đang sản xuất những kháng thể để chống lại căn bệnh, chúng cũng được truyền cho bé thông qua sữa mẹ và giúp bảo vệ bé..

Thuốc giảm đau có an toàn không?

Trong vòng 3 đến 4 ngày đầu tiên sau khi sinh, các loại thuốc giảm đau thông thường đều an toàn cho mẹ và bé. Nhiều bà mẹ được bác sĩ kê toa thuốc giảm đau để phục hồi tốt hơn sau chuyến vượt cạn đầy khó khăn. Một phần, lượng sữa trong những ngày này cũng khá ít nên mẹ không cần quá lo lắng.

Ngay cả sau đó, nếu bạn sử dụng thuốc giảm đau theo đúng hướng dẫn của bác sĩ thì vẫn không ảnh hưởng đến bé. Những chất giảm đau gây nghiện như codeine sẽ bị phân hủy trong axít dạ dày của bé và ít được hấp thụ trong đường ruột. Trong khi đó, những chất giảm đau không gây nghiện và không kê toa như ibuprofen hay acetaminophen đều an toàn nếu dùng ở liều thấp.

Thuốc chống dị ứng thì sao?

Những đơn thuốc chống dị ứng cũng an toàn khi nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy vậy, bạn cần một chút thận trọng khi những thuốc này thường được kết hợp với nhiều dược chất khác trong một loại thuốc nước hay viên uống. Để tránh cho bé phải tiếp xúc nhiều với các hóa chất, bạn nên tránh loại thuốc có thể trị nhiều triệu chứng.

Các loại thuốc kháng histamine hầu hết đều an toàn. Những loại thuốc kháng histamine đời đầu như Benadryl và chlorpheniramine (Chlor-Trimeton) có thể gây buồn ngủ trong khi những loại thuốc thế hệ sau như loratadine (Claritin) và fexofenadine (Allegra) không gây buồn ngủ.

Tương tự, mũi tiêm chống dị ứng cũng an toàn. Dược chất được tiêm vào da (hoặc xịt lên niêm mạc mũi) và ít khi tiêm vào máu nên ít ảnh hưởng đến sữa mẹ.

Tiêm vắc-xin có gây ảnh hưởng đến bé?

Không có lý do gì để bạn không được tiêm vắc-xin hay thuốc chống cúm. Thực tế, bạn nên tiêm ngừa cúm khi đang cho con bú, bởi hầu hết thời gian bạn cần dành cho con yêu thay vì vật vã trên giường bệnh.