Những trò chơi phát triển IQ
Một điều không thể phủ nhận rằng game được tạo ra nhằm phục vụ nhu cầu giải trí cho con người. Chính vì thế mà chúng đem lại cho người chơi sự thích thú, vui vẻ, hào hứng, tò mò cũng như chinh phục thử thách. Theo các chuyên gia của ngành công nghiệp giải trí, chơi game sẽ giúp trẻ hình thành khả năng giải quyết vấn đề và xây dựng tập thể. Đồng thời, game cũng giúp ích cho việc tư duy ở trẻ.
Ngày nay, hầu hết các trò chơi cho trẻ đều ở dạng Flash Game với hình ảnh nhiều màu sắc, âm thanh và chuyển động mượt mà cùng nội dung đa dạng phù hợp cho từng độ tuổi. Có thể dễ dàng tải các Flash Game này miễn phí từ Internet. Có nhiều thể loại game phù hợp với trẻ như: game trí tuệ, phiêu lưu, chiến thuật, thể thao, game dành cho các bé gái…
Với trẻ nhỏ từ 1 – 3 tuổi, bạn có thể chọn những trò chơi đơn giản để bé tập làm quen dần với hình ảnh của các sự vật quanh mình như: tìm điểm khác nhau, tô màu, nhận diện hình ảnh…Trẻ từ 5 – 10 tuổi có thể tập tính tư duy với các trò chơi xếp hình, tìm mật mã, giải câu đố…
Ngoài ra, tùy theo độ tuổi của bé mà bạn có thể chọn lựa một số trò chơi đặc trưng giúp phát triển khả năng logic, quyết đoán như: ô chữ, cờ vua, sudoku…
Những trò chơi tiêu biểu để giúp bé rèn luyện sự nhạy bén – Ảnh minh họa
Kiểm soát con chơi game thế nào?
Chọn game phù hợp với con vốn không dễ, để kiểm soát thời gian con chơi game hợp lý mỗi ngày lại càng khó. Trẻ có thói quen tự mày mò, học hỏi rất nhanh nhưng cũng rất hay sa đà. Do đó, việc trẻ chơi game quá lâu khi không có sự kiểm soát của gia đình rất dễ xảy ra và điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe cũng như thói quen sinh hoạt của bé.
Bố mẹ nên tập cho bé thói quen về việc chọn thời gian giải trí ngay khi còn nhỏ. Có thể chơi game khi đã hoàn thành xong những việc nhất định hoặc chỉ được giải trí với các trò chơi trên máy tính khoảng 02 giờ đồng hồ. Đối với các bé đã lớn từ 8 – 12 tuổi, bố mẹ cần là người tư vấn và chọn game cho trẻ. Tránh để trẻ tự do giải trí với các game mang nội dung bạo lực hoặc không phù hợp với lứa tuổi của mình.
Những trò chơi bổ ích sẽ góp phần phát triển trí não, tư duy cho trẻ – Ảnh minh họa
Ngoài ra, các bậc phụ huynh có thể tìm hiểu thêm về phần mềm vi tính Quản lý trẻ em Salfeld Child Control (SCC) khá đơn giản và dễ sử dụng khi bước đầu cho trẻ làm quen với các trò chơi trên máy vi tính. Thông qua phần mềm này, bạn sẽ giúp bé quản lý thời gian giải trí với game mỗi ngày để có thể cân bằng việc học và chơi một cách hiệu quả nhất.
Về vấn đề kiểm soát con trẻ chơi game hiệu quả, Ông Phạm Phúc Thịnh – thạc sĩ Giáo dục, chuyên viên tâm lý và giáo dục của Nhịp Cầu Hạnh Phúc chia sẻ thêm: “Game chỉ là một công cụ giải trí đơn thuần như sách báo và phim ảnh. Nếu chúng ta biết lựa chọn game tốt và có sự quản lý chặt chẽ thì game sẽ giúp trẻ học thêm nhiều điều hay và có những giây phút thư giản bổ ích sau những giờ học tập căng thẳng”.