‘Điểm cộng’ cho phụ nữ khi sinh con
1. Thông minh hơn
Dù khi mang thai và trong 3 tháng sau sinh, chứng đãng trí có thể khiến bạn ‘nhớ nhớ, quên quên’, nhưng bạn không nên quá lo lắng vì đó chỉ là ‘chứng bệnh’ nhất thời do quá lo cho con và thiếu ngủ.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ đã chỉ ra rằng, sau khi sinh phụ nữ sẽ trở nên thông minh hơn do khối lượng bộ não phát triển lớn hơn nhờ những thay đổi nội tiết xảy ra trong những ngày đầu làm mẹ.
Việc làm mẹ cũng mang lại cho phụ nữ cái nhìn tinh tế hơn, phản xạ nhanh hơn do việc phải chăm sóc và bảo vệ trẻ khỏi những mối nguy tiềm ẩn.
2. Tăng khả năng miễn dịch
Chỉ cần trải qua 1 lần sinh đẻ, khả năng miễn dịch chống khối u của phụ nữ sẽ tăng thêm 10 năm. Bởi vì những phụ nữ này có được sự bảo vệ kịp thời và tích cực của progesterone, một trong những loại hormon kích thích và điều hòa nhiều chức năng của cơ thể.
3. Giảm stress hiệu quả
Sự xuất hiện của thành viên mới kéo theo bao lo toan, trách nhiệm… đôi khi, không chỉ khiến các bà mẹ căng thẳng mà các ông bố cũng ‘phát khùng’ và ‘vò đầu bứt tai’.
Nhưng đó chỉ là những phút giây nhất thời. Thực tế, một nghiên cứu mới đã chứng minh những phụ nữ sinh con sẽ ít bị stress hơn những người chưa một lần sinh nở. Do sau sinh và cho con bú, phụ nữ tiết ra nhiều hooc môn oxytocin có lợi cho việc chống trầm cảm và ngăn ngừa tiết hooc môn stress hiệu quả.
Hơn thế nữa, những phút giây chơi đùa bên con chính là ‘thần dược’ giúp phụ nữ tăng lực, quên đi những mệt nhọc và yêu đời hơn.
4. Làm chậm quá trình mãn kinh
Trong suốt thời gian 9 tháng 10 ngày bầu bí và thời gian đầu khi cho con bú, cơ thể người phụ nữ sẽ tạm ngừng rụng trứng. Thông thường, khoảng 6 tháng sau sinh, chu kỳ kinh nguyệt mới xuất hiện trở lại. Vì vậy, thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ đã sinh con sẽ đến chậm hơn so với chưa sinh.
5. ‘Thính’ khứu giác
Thời gian đầu khi mới mang thai, bạn có thể cảm thấy khó chịu khi khứu giác quá nhạy bén khiến bạn luôn có cảm giác buồn nôn và sợ đồ ăn. Nhưng sau thời kỳ nghén, bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi khả năng cảm nhận mùi vị của mình tăng lên trông thấy.
‘Điểm trừ’ khi sinh
1. Thừa cân, béo phì
Ăn uống quá mức và ít tập luyện khiến nhiều phụ nữ khi mang thai và cho con bú bị tăng cân quá mức.
Do suy nghĩ, ăn nhiều sẽ tốt cho em bé nên nhiều bà mẹ ăn uống quá nhiều khiến tăng cân ‘không phanh’. Cộng thêm việc ít vận động khiến sản phụ vẫn tiếp tục tăng cân dẫn đến việc thừa cân, béo phì. Thực tế, để tránh phát tướng sau sinh, bạn chỉ nên ăn đủ, ăn cân đối các chất và không nên tiêu thụ quá nhiều bánh kẹo, đồ ăn sẵn cũng như không được để cơ thể quá đói hoặc quá no.
2. Trầm cảm sau sinh
Gặp khó khăn trong việc cân bằng cuộc sống và chăm con khiến phụ nữ dễ mắc trầm cảm sau sinh. Vì vậy, để chủ động đối phó với chứng bệnh này, các bà mẹ nên tham gia các lớp học kỹ năng nuôi dạy con cái, ‘tận dụng’ sự giúp đỡ từ phía gia đình, người thân hoặc gia nhập các diễn đàn để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con.
3. ‘Bỗng dưng’ ú ớ
Thiếu kinh nghiệm chăm con, mất ngủ và mệt mỏi trong thời gian đầu chăm con khiến vỏ não trước – bộ phận chịu trách nhiệm về ngôn ngữ và tư duy, của phụ nữ bị ảnh hưởng. Do vậy, các bà mẹ trẻ đôi khi gặp vấn đề trong việc diễn đạt suy nghĩ, cảm nhận của mình.
Ngoài ra, việc mất ngủ không chỉ khiến các bà mẹ dễ cáu bẳn hơn, dễ trầm cảm hơn mà còn làm giảm hệ miễn dịch. Cho nên, việc dễ lây và mắc các bệnh ở bà mẹ trẻ là điều dễ hiểu.
4. Ngại ‘XXX’ sau sinh
Luôn buồn ngủ, bận rộn với đứa con mới chào đời, nỗi lo mỗi khi con ốm sốt, mặc cảm về thân hình quá ‘phì nhiêu’… khiến chị em ngại ‘yêu’ chồng sau sinh.
Một số phụ nữ sẽ khắc phục được tình hình sau một thời gian ngắn nhưng có nhiều chị em thực sự ngại sự đụng chạm của chồng. Sự ngần ngại này chính là ‘ngòi nổ’ khiến một số gia đình tan vỡ.