Không riêng gì ở vùng sâu, vùng xa – nơi mà các thiết chế của tổ chức xã hội bảo vệ trẻ còn yếu kém, mà ngay tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM vẫn tồn tại vấn nạn đau lòng này.
Chuyện gì đang xảy ra với các em? Đây có phải là một hiện tượng xã hội bất thường? Chúng tôi ghi nhận ý kiến của các chuyên gia làm rõ vấn đề thời sự này.
Luật chưa nghiêm, xử lý còn du di
Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng: Hành hạ, ngược đãi trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải xử lý nghiêm vì đây là đối tượng có khả năng tự vệ kém. Thậm chí, có những đối tượng khả năng tự vệ chỉ bằng không như trường hợp của em bé thiểu năng bị đánh đến tróc móng tay.
Tôi cho rằng, có hai nguyên nhân chính khiến những chuyện tương tự cứ lặp đi lặp lại. Thứ nhất, luật pháp của ta chưa đủ răn đe. Thứ hai, mặc dù đã có luật nhưng chúng ta chưa thi hành nghiêm.
Điều 110, Bộ luật Hình sự về tội hành hạ người khác có quy định, người nào đối xử tàn ác với đối tượng là trẻ em lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ từ một năm đến ba năm.
Đây là mức án quá nhẹ. Trong khi các vụ hành hạ trẻ em thường lặp đi lặp lại trong một thời gian dài khiến trẻ không những bị ảnh hưởng về thể xác mà tinh thần cũng ảnh hưởng rất nặng. Có khi, những ám ảnh đó theo các em suốt đời.
Điều 17, Nghị định 114/2006/NĐ – CP có quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với trường hợp bắt trẻ em đi xin ăn, cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn.
Khoản 2 của điều này cũng quy định phạt tiền từ hai triệu đồng đến năm triệu đồng đối với hành vi đánh đập hoặc bạo lực xâm phạm thân thể trẻ em, làm cho đau đớn về thể xác và tinh thần.
Luật thì quy định như thế nhưng trên thực tế có mấy trường hợp đánh đập trẻ em bị xử phạt đâu!
Cần tổ chức bàn tròn làm rõ vì sao
Thạc sĩ Xã hội học Nguyễn Thị Oanh nêu quan điểm: Văn hóa “thương cho roi cho vọt†của mình làm cho người ta coi chuyện đánh con nít là bình thường. Nhiều trường hợp, người dân không lấy giáo dục tâm lý để dạy con mà lại giáo dục bằng đòn roi.
Việc hành hạ, đánh đập trẻ em lâu nay vẫn thường xảy ra. Tuy nhiên, thời gian gần đây bộc lộ ra nhiều từ sau vụ em Bình ở Hà Nội do người dân đã nhạy bén hơn, mạnh dạn hơn trong đấu tranh, tố cáo chống lại cái ác. Đó là điều đáng buồn nhưng cũng đáng mừng. Tôi gọi tính nhạy bén, mạnh dạn trong tố cáo của người dân thời gian gần đây là “sự lây lan tích cựcâ€.
Tôi thấy báo chí và các ngành cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Cần làm bàn tròn để coi vì sao chuyện này ngấm ngầm dữ vậy. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục về quyền trẻ em và cách bảo vệ trẻ em đến từng khu phố, từng gia đình để làm thay đổi nhận thức người dân.
Tiếng nói của chính quyền còn quá yếu
Theo ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM: Việc quản lý ở khu dân cư lâu nay còn rất lỏng lẻo. Có một số trường hợp công an khu vực thiếu trách nhiệm, thậm chí thông đồng với kẻ xấu. Đối với trẻ em thì ai cũng phải có trách nhiệm nhưng trách nhiệm và tiếng nói của chính quyền trong những sự việc vừa qua còn yếu quá.
Sau việc em Bình ở Hà Nội, chúng tôi đã có công văn đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận, huyện chú ý đến từng khu vực dân cư có nghi vấn, tìm hiểu và phát hiện tình trạng trẻ em bị ngược đãi, bạo hành.
Điều đáng mừng là bây giờ người dân đã có để ý và mạnh dạn tố cáo hơn. Người dân đang chờ đợi thái độ của chính quyền xử lý các sự việc đã tố cáo đó như thế nào.
Do tuổi thơ cha mẹ từng bị ngược đãi
Ông Lê Minh Công, Phó Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Tâm thần trung ương 2: Khoa chúng tôi thỉnh thoảng vẫn tiếp nhận những ca tư vấn cho trẻ em bị cha mẹ đánh đập. Khi tìm hiểu thì được biết tuổi thơ của cha mẹ các em trước đó cũng bị ngược đãi nên họ lại theo lối mòn ấy mà dạy con.
Sự ngược đãi, bạo hành về tinh thần hay thể xác đều ảnh hưởng xấu đến sự phát triển sau này của trẻ. Có những di chứng không bộc lộ ra ngay mà sẽ hình thành cách ứng xử sau này của họ với con cái và người khác. Điều đó rất nguy hiểm.