“Hãy cởi giùm con cái áo!”

Chỉ vì một cơn gió nhẹ thổi qua hoặc thời tiết hơi dịu mát, không có nắng mà bạn “gói” bé trong rất nhiều quần áo. Bé yêu của bạn có thể sẽ cáu kỉnh, la khóc khi ngột ngạt, nóng bức và toát mồ hôi vì bố mẹ mặc cho bé quá ấm.


Bé muốn được mặc đồ thoải mái (Hình minh họa)

Cách khắc phục:

Trẻ con cũng giống như chúng ta, trong thời tiết nóng bức hãy mặc cho bé những trang phục thoáng mát và dễ thấm mồ hôi để bé cảm thấy dễ chịu, không bị ngột ngạt. Nếu bạn không biết chắc bé đang quá nóng hay quá lạnh, hãy đặt bàn tay của mình lên bụng bé rồi so sánh với nhiệt độ của cơ thể mình. Nếu bé cảm thấy thoải mái, dễ chịu thì khi sờ vào bàn chân và má của bé sẽ thấy hơi mát tay một chút.

“Bố mẹ đừng cãi nhau nữa!”

Khi hai vợ chồng bạn to tiếng với nhau, dù là những chuyện nhỏ nhặt nhất như vợ đi chợ về hơi muộn một chút hoặc vợ nhờ chồng đổ giúp thùng rác mà chồng mải xem đá bóng quên mất, bé sẽ không hiểu hai vợ chồng bạn đang nói những gì, nhưng bé có thể cảm nhận được bố và mẹ đang “chiến đấu” với nhau và bé không thích điều đó. Trong thời điểm này có thể bé sẽ trở nên cáu bẳn, hờn dỗi, khóc và la hét. 

 Cách khắc phục:

Hãy hạn chế tối đa việc cãi vã, to tiếng với nhau, đặc biệt là khi bé yêu của bạn đang có mặt ở đó. Hãy cố gắng thật bình tĩnh, kiềm chế cơn nóng giận để bé có được môi trường tốt, nhẹ nhàng, yên bình. Nếu như đó là những việc không thể im lặng, bạn hãy chờ bé yêu ngủ thật say rồi sau đó đi ra một chỗ khác và nói chuyện với nhau.


Không nên to tiếng trước mặt con (Hình minh họa)

“Con căng thẳng, mệt mỏi quá!”

Khi bạn đưa bé ra ngoài đi dạo phố, mua sắm hoặc ăn uống, bé sẽ gặp phải tiếng ồn với cường độ lớn, ánh sáng quá chói từ những phương tiện đi đường, trung tâm mua sắm và những cửa hàng đông đúc khách dễ làm cho bé bị “ngợp”, gây ra tình trạng căng thẳng, mệt mỏi khiến bé phản ứng bằng cách khóc lóc.

Cách khắc phục

Mỗi đứa trẻ sẽ có sức chịu đựng khác nhau, vì vậy bạn nên chú ý tới bé yêu của mình xem khả năng chịu đựng áp lực của bé tới đâu để có cách khắc phục hợp lý. Nhưng nhìn chung các mẹ nên chú ý những điểm sau đây. 

–  Nếu đưa bé đi đến những cửa hàng mua sắm đông đúc, ồn ào thì bạn cố gắng hãy đi thật nhanh. Thời gian nán lại trong cửa hàng càng ngắn càng tốt.

–  Khi bạn muốn đưa bé đến một nhà hàng nào đó để ăn uống, hãy đi vào giờ nghỉ ngơi. Như vậy lượng khách tới sẽ ít hơn, bạn và bé sẽ có một khoảng không gian yên tĩnh để thưởng thức các món ăn. 

–  Và nếu bạn muốn đưa con đi chơi những trò chơi hoặc mua đồ chơi mới về cho con, hãy nhớ tìm đến nơi có ít tiếng ồn.

–  Nếu bạn vừa đưa bé đi đâu đó về, hãy để bé được yên tĩnh nghỉ ngơi một chút. Điều đó giúp bé cảm thấy đỡ mệt mỏi hơn, nhanh chóng lấy lại cân bằng và tránh được cảm giác căng thẳng, khó chịu.

“Con đau bụng quá!”

Có rất nhiều lý do khiến bé yêu của bạn cảm thấy khó chịu ở bụng. Có thể do đầy hơi, khó tiêu hoặc bé bị táo bón, dị ứng sữa… Khi bụng cảm thấy khó chịu bé thường không muốn ăn và hay quấy khóc.


Bé khóc khi bị đau bụng (Hình minh họa)

Cách khắc phục:

Trước tiên hãy cố gắng cho bé yêu của bạn ợ thường xuyên hơn. Ngoài ra bạn có thể giúp bé giảm khí thải bằng cách xoa bụng cho bé một cách nhẹ nhàng. Nếu bé bú mẹ, bạn hãy cho bé bú cạn một bên ngực sau đó mới chuyển sang bên kia. Sữa chảy ra đầu tiên thường có lượng lactose cao hơn so với lượng sữa chảy ra sau đó, dễ gây đau bụng. Đối với trẻ bú bình, hãy chuyển sang dùng núm vú chảy chậm hơn để bé yêu của bạn không nuốt phải nhiều không khí.

Nếu không đỡ, hãy mang mẫu phân của bé đến gặp bác sĩ nhi khoa và hỏi xem bạn có nên sử dụng một công thức khác ít gây dị ứng  không. Nếu bé yêu không chịu uống và nhổ ra, bạn cũng không cần phải hoảng sợ. Nhưng nếu các triệu chứng trở nên mãn tính, bé yêu có vẻ đang bị đau đớn thì bạn cần phải đến gặp bác sĩ ngay.

“Con đang bị buộc chặt!”

Khi bạn không để ý, có thể bé yêu của bạn đang bị một sợi tóc dài hoặc sợi dây nhỏ quấn vào tay hoặc chân gây khó chịu. Thậm chí nếu bị quấn chặt có thể làm cho máu không lưu thông tốt, gây ra đau đớn và sưng tấy. Khi phát hiện ra, bạn hãy nhanh chóng cắt đi nếu không con bạn có thể sẽ bị tổn thương mô vĩnh viễn. Ngoài ra trong những trường hợp khác như kéo khóa quần áo bị kẹp, thắt dây an toàn hoặc dây đai xe đẩy quá chật cũng khiến cho bé dễ bị đau và tổn thương.

Cách khắc phục: 

Trước tiên, hãy lập tức cởi bỏ quần áo cho bé, kiểm tra kỹ toàn bộ cơ thể bé, đặc biệt là các ngón chân, ngón tay. Nếu bạn tìm thấy một sợi tóc hoặc một sợi dây, hãy dùng kéo nhỏ cắt bỏ ngay lập tức. Cần lưu ý, nếu bé yêu nhà bạn là một cu cậu kháu khỉnh, hãy nhớ tóc hoặc sợi dây nhỏ đó cũng có thể sẽ quấn vào dương vật của bé. Vậy nên các mẹ cần hết sức để ý và kiểm tra kỹ lưỡng. Ngoài ra, khi đưa bé đi dạo hay cho bé ngồi ô tô, nhớ phải xem lại dây thắt và đai an toàn cho bé, tránh để quá chật.


Hãy kiểm tra xem có sợi dây nào quấn trên người bé không (Hình minh họa)

“Mẹ ơi, con cô đơn lắm”

Từ 6 đến 9 tháng, bé bắt đầu hiểu ra rằng mẹ còn phải làm nhiều việc và không phải lúc nào cũng ở bên cạnh bé được, đó là một điều rất tốt. Tuy nhiên, bé lại có thể bắt đầu khóc ngay sau khi bạn rời khỏi phòng ra ngoài, bởi vì bé nhớ bạn. Đó là một điều tốt nhưng cũng là không tốt. Bé nhớ bạn là thể hiện tình cảm với bạn, là đã biết phân biệt người thân và những người lạ nhưng nếu bé quá quấn quýt, theo mẹ thì bạn sẽ không thể yên tâm rời bé mà làm việc khác được.

Cách khắc phục:

Hãy cho bé vui chơi bên cạnh khi bạn đang phơi hoặc gập quần áo. Nhưng nếu bé vẫn khóc, hãy tạm ngừng việc và vui chơi cùng con. Đôi khi, chỉ cần bạn quay lại, mỉm cười hoặc ôm ấp, bé sẽ nín khóc ngay. Những cái vỗ nhẹ nhàng vào lưng cũng giúp trấn tĩnh bé, nhắc bé rằng bạn rời xa rồi cũng sẽ quay lại. Hãy thử cho bé chơi xích đu, nghe nhạc, đưa cho bé con thú nhồi bông mà bé thích. Như vậy có thể làm bé tạm thời quên đi chuyện mẹ sẽ rời đi, đơn giản hơn nhiều so với việc bạn vừa làm việc vừa phải dỗ dành bé. Hãy cứng rắn lên và tự an ủi mình với suy nghĩ: “Bé sẽ quen ngay thôi” để không bị mủi lòng trước ánh mắt “van lơn” của bé.

“Con đói lắm rồi!”

Bạn vừa cho bé ăn chỉ cách đây một giờ đồng hồ, vậy mà bây giờ bé lại đòi ăn tiếp. Theo lịch trình ăn uống mà bạn đã đặt sẵn thì vẫn chưa đến giờ cho bé ăn bữa khác. Tuy nhiên càng lúc bé càng đòi hỏi, thậm chí là la khóc đòi ăn. Điều này thường xảy ra vào thời điểm từ 2 – 6 tuần tuổi, 3 – 6 tháng và kéo dài khoảng 2 ngày. Tuy nhiên cảm giác háu đói vẫn có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào.


Nếu bé khóc đòi ăn, hãy cho bé “ti mẹ” hoặc bú bình (Hình minh họa)

Cách khắc phục:

Kiểm tra xem liệu bé có thực sự đói? Bài kiểm tra tốt nhất là đặt bé vào xe đẩy và đẩy đi dạo một vòng. Nếu bé bình tĩnh hoặc ngủ nhanh chóng thì bé không cần thức ăn. Nhưng nếu bé gào khóc phản đối thì hãy cho bé “ti mẹ” hoặc bú bình. Đừng lo lắng, vì chẳng có bé nào mắc bệnh vì bú mẹ nhiều quá cả.

“Con buồn chán lắm rồi!”

Chắc chắn bé yêu của bạn không hề muốn hàng giờ phải ngồi trên một chiếc ghế, trong góc phòng. Mặc dù một số trẻ có khả năng chịu đựng cao hơn những trẻ khác ở trong cùng một hoàn cảnh, tuy nhiên theo nhận định, tất cả các bé đều cảm thấy nhàm chán và thích thú khi được thay đổi môi trường, cảnh quan. Khi buồn chán, bé sẽ dùng tiếng khóc để thông điệp với bạn rằng bé muốn được trò chuyện, được đưa đi chơi.

Cách khắc phục:

Hãy thường xuyên đưa bé đi dạo khắp trong nhà, từ phòng này qua phòng khác, đưa bé đến công viên hoặc cùng bé chơi những trò chơi nhỏ. Nếu bạn sợ mình không có thời gian để đi lang thang và làm nhiều việc cùng bé như vậy thì vẫn có cách đơn giản hơn. Bạn chỉ cần cùng trò chuyện hoặc vui đùa với bé, đó cũng chính là một phương thuốc tuyệt vời chống nhàm chán. Có thể thấy rằng em bé của bạn rất thích tương tác xã hội. Bé thích nhìn xung quanh, lắng nghe và học hỏi từ mẹ.