“Con trai mình 5 tuổi rồi. Từ bé, cháu khá hiền lành và biết nhường nhịn. Thế mà tối qua, bé làm mình buồn quá. Khi mình đang kể truyện cho con nghe thì có hỏi: Nếu con đang đi trên cầu và gặp một bạn đi đến, cầu thì bé tí nên chỉ có một người qua được thôi, vậy con sẽ nhường bạn hay là con cứ đi. Bé hồn nhiên trả lời rằng con sẽ đẩy bạn xuống sông để đi. Mình thực sự sốc và buồn trước suy nghĩ của con”, tâm sự của một mẹ trên diễn đàn WTT.
Hay ‘cảm thán’ trước hành động giơ ‘ngón tay thối’ vào mặt cụ già (dẫu cho cụ già đó chỉ là ăn mày) của cô nữ sinh thế hệ 10X, nhiều độc giả từng xót xa: “Thật không chấp nhận được! Cha mẹ đã dạy bé những gì?”. Dẫu rằng, đây có thể chỉ là hành vi bốc đồng trong lúc vui đùa với bạn bè, nhưng rõ ràng, đây là hệ quả tất yếu và dễ hiểu khi sự dạy dỗ của cha mẹ có vấn đề!
Việc cô bé 10x giơ ‘ngón tay thối’ vào mặt cụ già là hệ quả tất yếu của sự giáo dục kém. (Ảnh khiến dân tình Facebook xôn xao).
Đôi khi, trẻ nói và có những hành vi hỗn xược, nhưng bản thân chúng sẽ không hiểu hết được ý nghĩa câu nói hoặc việc làm của mình. Vì thế, trách nhiệm của cha mẹ chính là chỉ ra điểm đúng – sai để con hiểu. Đòi hỏi con phải suy nghĩ như người lớn thực là điều không tưởng, nhưng cha mẹ hoàn toàn có thể ‘gieo mầm’ yêu thương, kính trên nhường dưới vào tâm hồn con bằng những hành động thiết thực hàng ngày.
1. Hãy yêu thương con
Muốn trẻ biết thương yêu, bao dung, hiếu hòa thì bản thân chúng phải nhận được ‘món quà’ này từ cha mẹ. Nghĩa là, chỉ khi trẻ lớn lên trong gia đình hòa thuận, được chăm sóc và dạy dỗ chu đáo thì khi trưởng thành chúng mới không vô cảm, sẵn sàng giang tay sẻ chia bất hạnh với người xung quanh.
2. Cha mẹ phải là ‘thuyền trưởng’ tốt
Cha mẹ được ví như người thuyền trưởng lèo lái nhân cách và phần nào định hình tương lai cho con. Chính vì thế, bản thân cha mẹ phải là người ‘chuẩn’ trong ứng xử trước mặt con. Trẻ nhỏ, đôi khi chỉ ‘sao chép’ một cách thụ động, vì vậy, hãy để chúng bắt chước những hành động chuẩn mực chứ không phải hành vi lệch lạc. Để trẻ thấy được lòng kính trọng của cha mẹ với bậc bề trên, thông qua đó chúng sẽ học được cách yêu thương, lòng kính trọng đối với những người lớn trong gia đình.
3. Việc làm nhỏ, nhân cách lớn
Cha mẹ hãy dạy con cái biết yêu thương từ khi còn thơ bé. Việc dạy con có thể bắt nguồn từ các câu chuyện nhỏ, hỏi con những câu đơn giản như “Con yêu ai nhất?”, “Con có thương mẹ (cha, ông, bà, anh, chị) không ?”, “Vì sao ?”. Nếu trẻ không biết vì sao, bạn hãy giải thích, vì mẹ (cha, ông, bà, anh, chị) rất yêu thương con, ngày thì bế con, đêm ru con ngủ, cho con ăn uống, chăm sóc con khi ốm đau, rồi còn đi làm vất vả để có tiền nuôi con khôn lớn… Như vậy, bé sẽ hiểu được thế nào là yêu thương.
Nếu cha mẹ muốn giúp đỡ những người lang thang bằng vài nghìn lẻ, hãy vuốt cẩn thận chúng trước khi đưa cho họ. Chỉ một hành động nhỏ đó nhưng con của bạn sẽ học được cách biết đồng cảm đối với những người kém may nắm, rèn cho trẻ cách để mở lòng đối với mọi người.
“Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn”, người mẹ nào cũng sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời vì con. Nhưng yêu như thế nào là đủ và đúng cách, đó là cả một nghệ thuật. Dạy trẻ biết yêu thương là một điều hết sức cần thiết và mang tính cấp bách trong xã hội ngày càng có xu hướng vô cảm, đố kị, ghen ghét lẫn nhau… Thế giới này có tồn tại vĩnh cửu, có tốt đẹp ở tương lai hay không thì thuộc về những hành động “hữu cảm” ở trẻ con.