Hiện nay, tại nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã có dịch vụ trọn gói cho người nhà (đặc biệt là chồng) có thể tham gia ca sinh nở cùng vợ để động viên tinh thần sản phụ. Tuy nhiên, xung quanh việc “vượt cạn” cùng vợ cũng có bao chuyện cười ra nước mắt.
‘Chết ngất’ vì vượt cạn cùng vợ
Xem nhiều bộ phim nước ngoài thấy cảnh đi đẻ có chồng bên cạnh để nắm tay, động viên vợ… Hòa thích lắm và ngay từ những ngày đầu mang thai chị đã có ý định sẽ chọn dịch vụ trọn gói này để chồng được cơ hội động viên mình cũng như chứng kiến giây phút con chào đời.
Vừa nói ý định này với chồng, anh Khang (chồng Hòa) đã gật đầu đồng ý tỏ vẻ thích thú lắm. Vậy là từ tháng thứ 7 thai kỳ, hai vợ chồng đã đi đăng ký dịch vụ đẻ trọn gói tại một bệnh viện quốc tế vì hầu hết dịch vụ cho người nhà vào phòng sinh nở cùng ở nước ta còn chưa phổ biến.
Đến ngày vợ sinh nở, anh Khang được trang bị đầy đủ các dụng cụ như quần áo, mũ, khẩu trang và bước vào phòng sinh cùng vợ. Ban đầu, anh rất bình tĩnh để thực hành theo những gì đã được học ở lớp học tiền sản thời gian trước đó và nghe theo hướng dẫn của bác sĩ ekip đỡ đẻ cho vợ. Thế nhưng đến khi chị Hòa lên cơn đau mạnh để thúc đứa bé ra, mặt anh bắt đầu tái dần đi vì thấy vợ đau đớn quá. Đúng lúc cao trào khi vợ nắm chặt tay anh để rặn đẻ thì anh bỗng lăn đùng ra ngất xỉu vì sợ. Thế là ekip đỡ đẻ hôm đó lại phải cử thêm người để chăm sóc riêng cho anh.
Mang tiếng đi đẻ cùng vợ mà cuối cùng anh chẳng được chứng kiến giây phút con chào đời, cũng chẳng động viên tình thần vợ được gì, ngược lại còn làm ca đỡ đẻ hôm đó bận rộn hơn. Khi anh tỉnh dậy thì thấy y tá đã bế con ra ngoài để gọi người thân đến nhận. Nhưng cũng từ hôm đó, anh thấy thương vợ nhiều hơn bởi anh không nghĩ rằng vợ lại phải chịu qua cơn đau đớn kinh khủng đến thế. Anh chỉ là người chứng kiến mà đã không thể chịu nổi. Từ ngày đi đẻ về, có việc gì là anh cố gắng giúp vợ hết. Đêm đêm con có khóc đòi sữa, anh đều thức giấc để pha sữa và bế con để vợ có thêm thời gian ngủ. Anh nói: “Có vào phòng đẻ cùng vợ mới hiểu người phụ nữ vất vả vượt cạn thế nào”. Tình cảm vợ chồng anh từ đó càng gắn bó hơn.
Không bị ngất xỉu tại phòng sinh như anh Khang, anh Thắng (Cầu Giấy, Hà Nội) lại có một kỉ niệm ‘nhớ đời’ khác khi tham gia ‘vượt cạn’ cùng vợ. Anh kể, vốn là người nhát gan nên khi vợ nói ý định muốn có chồng trong phòng sinh con cùng anh đã lắc đầu từ chối nhưng nhìn vợ buồn và sợ vợ nghĩ lung tung rằng chồng không yêu thương vợ con nên anh đã thuận theo ý vợ.
Thật may mắn là ca sinh nở của vợ anh diễn ra nhanh chóng và chị thuộc ca dễ sinh nên không mất quá nhiều thời gian. Thế nhưng đến khi con vừa chào đời, bác sĩ bế em bé đỏ hỏn tới, còn dịch ối bao quanh đến bảo bố cắt rốn cho con thì mặt mũi anh Thắng tái mét lại và hốt hoảng chạy thẳng ra ngoài rồi nôn thốc nôn tháo. Sau đó anh còn khóc tu tu, chẳng nói được gì khiến người nhà bên ngoài cứ sợ vợ con anh có chuyện chẳng lành. Mãi sau khi bác sĩ bế đứa bé ra và thông báo ca sinh nở đã mẹ tròn con vuông gia đình anh mới thở phào nhẹ nhõm và trách anh sao lại nhát gan đến thế.
Đến giờ, mỗi lần kể lại chuyện đi đẻ cùng vợ, anh lại thấy xấu hổ vô cùng. Anh bảo chắc đó là lần duy nhất trong đời, tập 2 dù vợ có dụ dỗ thế nào anh cũng không vào phòng sinh cùng vợ nữa.
Ám ảnh sau sinh
Người ta thường nói, sau sinh chị em rất khó lấy lại cảm hứng trong chuyện chăn gối vợ chồng nhưng vợ chồng Hà lại khác. Từ ngày sinh nở, cô lấy làm lạ vì đã hết 3 tháng kiêng cữ mà chồng vẫn chẳng đoái hoài gì đến “chuyện ấy”. Có hôm con ngủ say, cô mâm mê đến bên chồng nhưng anh đều kiếm chuyện để lảng tránh. Nghĩ rằng chồng có bồ bịch bên ngoài nên Hà buồn lắm.
Một lần, vô tình nghe được câu chuyện phiến của chồng với mấy người bạn thân, Hà mới vỡ lẽ và thấy tủi thân vô cùng. “Tôi bảo thật nhé, khi vợ sinh nở thì chớ dại vào phòng sinh cùng nàng nhé. Các bà ấy kêu gào thảm thiết rồi người ta cứ vạch ra khám xét của vợ liên tục và cả cảnh máu me khi con chào đời nữa, tôi sợ lắm, đến giờ vẫn còn ám ảnh không dám gần vợ”, anh nói.
Nghe thế, Hà đã nói chuyện thẳng thắn với chồng và anh cũng không ngần ngại chia sẻ những suy nghĩ của mình. Sau hôm đó, vợ chồng cô đã phải tìm đến bác sĩ tâm lý để trấn an tinh thần cho anh.
Theo các chuyên gia, việc người chồng tham gia ca sinh cùng vợ mang nhiều ý nghĩa. Chị em sẽ cảm thấy vững vàng, yên tâm hơn khi có chồng ở bên chia sẻ những giây phút khó khăn, đau đớn nhất. Chứng kiến cảnh vợ vượt cạn khó nhọc, người đàn ông cũng thêm cảm thông, yêu thương bạn đời. Không chỉ thế, việc tận mắt thấy con ra đời, tự tay cắt rốn cho con cũng làm phái mạnh cảm thấy gắn bó và có trách nhiệm với sinh linh bé bỏng của mình hơn. Đó cũng là giây phút để hai vợ chồng hân hoan chào đón “sản phẩm” từ tình yêu, sự vun đắp của cả hai người.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, người chồng có thể bị ảnh hưởng tâm lý tiêu cực sau khi chứng kiến cảnh vợ sinh nở nhưng những trường hợp này rất hiếm gặp. Để không rơi vào hoàn cảnh này, người chồng nên chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt tinh thần và tham khảo nhiều sách báo để có kiến thức, tâm lý vững vàng bước vào phòng “vượt cạn” cùng vợ.