Chăm sóc khi da bé khô

Cắt giảm thời gian tắm: Việc tắm rửa thường xuyên có thể khiến da bé bị trôi mất lớp dầu tự nhiên, cùng với bụi bẩn. Để phòng tránh điều này, bạn không cần thiết phải tắm cho bé sơ sinh hàng ngày, Seth Orlow (chuyên gia Nhi Khoa Mỹ) cho biết.

Thay vì 30 phút, bạn chỉ nên tắm cho bé khoảng 10 phút mỗi lần. Chỉ nên dùng nước ấm, không được nóng quá và nên tiết kiệm sữa tắm cho bé . Ngoài ra, chuyên gia cũng khuyên bạn nên sử dụng loại sữa tắm ít mùi thơm và không chứa chất tẩy.

Không cho muối vào nước tắm cho bé: Bên cạnh muối, nguồn nước máy chứa nhiều clo cũng có thể làm da bé bị khô. Sau khi bé vui chơi ở bể bơi hoặc ở bãi biển, bạn nên tráng sạch người cho bé bằng nước ấm; sau đó, bạn có thể bôi một loại kem phù hợp khi da bé còn ẩm.

Ngay sau khi bạn bế bé ra khỏi bồn tắm, bạn nên nhanh chóng lau khô người cho bé bằng một chiếc khăn bông mềm, sạch. Tiếp đến, bạn nên bôi kem dưỡng da cho bé. Nếu để lâu mới bôi thì khi ấy, da bé đã khô, lớp kem dưỡng sẽ khó thẩm thấu qua da mà đóng cục hoặc tạo thành một lớp kem dày trên bề mặt da.

Dùng máy tạo độ ẩm (nếu cần): Nếu không khí trong phòng của bé quá khô, bạn có thể dùng một chiếc máy tạo độ ẩm để khắc phục điều này.

Bảo vệ bé khỏi tác động môi trường: Nếu là mùa hè, bạn nên tách bé khỏi khu vực có ánh nắng trực tiếp (trừ việc tắm nắng vào buổi sáng cho bé). Nếu là mùa đông, bạn nên giữ những vùng da hở ở bé (như chân, tay, mặt) không chịu tác động của gió và không khí khô, hanh.

Dấu hiệu nên đi khám

Nếu bé ngứa ngáy, kèm theo những mảng đỏ trên da, có khả năng bé mắc phải chứng chàm bội nhiễm. Một số trường hợp, chứng bệnh này có thể chữa khỏi bằng các loại kem bôi thông thường (dưới sự chỉ định của bác sĩ).

Một số trường hợp, làn da khô của bé có liên quan đến chứng vảy cá. Dấu hiệu thường thấy là da của bé bị khô, tróc vảy và có thể bị đỏ ửng. Những mảng da này có thể xuất hiện ở gan bàn chân, lòng bàn tay của bé.

Ngoài ra, bạn cũng nên nhanh chóng đưa bé đi khám, nếu vùng da khô của bé chảy dịch màu vàng, có dấu hiệu bị sưng.