Đẻ xong phải… “nướng”!
“Nướng” là cách nói của mẹ chồng Vân về việc hơ mẹ và bé trên lửa than trong suốt 3 tháng 10 ngày sau sinh. Mới nghe qua cách này của mẹ chồng vốn là người miền Trung, Vân đã thấy ái ngại. Không còn mẹ ruột nên vợ chồng cô phải trông nhờ vào mẹ chồng, nhưng “nướng” kiểu đó thì nguy quá.
Trước lúc sinh, Vân đã tìm hiểu rất kỹ phương pháp hơ, xông khi ở cữ trên mạng. Có người tán thành, rằng phải như thế để sau này mẹ và con không bị bệnh vặt, nhưng cũng có nhiều ý kiến phản đối… Sinh em bé xong, trước lúc xuất viện, trong vô số lời dặn của y tá ở bệnh viện phụ sản, trong đó đã có luôn giải đáp cho nỗi băn khoăn của cô:“Tuyệt đối không cho bé và mẹ nằm than”. Dù rất khấp khởi khi nghe lời dặn này và cố tình để cho mẹ chồng nghe rõ, nhưng cô y tá vừa quay đi, mẹ chồng Vân đã: “Hứ, nuôi đẻ mà không cho nằm lửa, hèn gì, mấy cô da dẻ ai cũng…trắng nhách”. Nghe xong, Vân đã thấy tương lai của mình… mù mịt.
Và đúng là mù mịt thật. Về đến nhà, Vân đã thấy sẵn nồi than hồng rực lửa đặt trong phòng. Bước vào, một không khí nóng hừng hực ập vào người. Vốn quen nằm máy điều hòa, nay thì điều hòa không được, quạt máy cũng không, không được tắm gội, lại thêm nồi than hừng hực 24/24 giờ khiến Vân mồ hôi mồ kê luôn nhễ nhại, em bé quấy suốt.
Chịu đựng được 4 ngày, ngày thứ 5, Vân… bức. Cô đề nghị và ra sức thuyết phục mẹ chồng thôi không cho nằm lửa nữa. Dù vợ chồng Vân nói đến gãy lưỡi, bà cũng không suy chuyển. Cuối cùng, Vân phải giảm bớt than, đủ ấm ấm. Chỉ bấy nhiêu thôi mẹ chồng đã đòi về quê. Bà bảo: “Để tôi nuôi thì phải theo tôi, không tôi về”. Hai vợ chồng nài nỉ, giải thích mãi, bà mới chịu ở lại.
Tưởng đã êm, nào ngờ, khi bé được 7 ngày tuổi thì bị vàng da, phải nhập viện để rọi đèn, cách ly mẹ và con. Đến lúc này thì mẹ chồng Vân tha hồ ta thán: “Thấy chưa, không nghe lời tôi, ở quê, con nít nào cũng “nướng” bằng than nên đâu có vàng da, vàng diếc chi. Các người không nghe tôi, hại cháu tôi, tôi… về”.
Đến đây thì Vân hết cách cứu vãn và bị stress nặng.
Sau khi con xuất viện, Vân thuê một y tá về chăm bé. Nhờ học hỏi kinh nghiệm của y tá, đọc sách, hỏi thêm bạn bè, dẫu không có mẹ chồng chăm, dẫu không hơ, xông, nằm than, con của Vân vẫn khỏe mạnh và bản thân Vân cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào của… “da trắng nhách” và tất nhiên, vẫn còn bị mẹ chồng giận.
Không thuận thì né
Không “phản pháo” công khai như Vân, Thảo có cách riêng để “né” những đòn “tra tấn” của mẹ chồng. Nhà rộng, Thảo bố trí một phòng để hơ, xông, một phòng để mẹ con ngủ nghỉ. Ban ngày, Thảo sang phòng hơ để mẹ chồng hơ, xông… Dẫu khó chịu với mùi củ nén, mùi chanh nấu với phèn chua trong các nồi xông của bà, nhưng Thảo phải cố chịu. Theo Thảo thì: “Thôi kệ, ráng chìu theo mẹ, bà cũng chỉ muốn tốt cho mẹ con mình. Nếu không chìu theo, bà giận, bỏ về còn khổ hơn”. Buổi tối, lấy cớ để chồng phụ chăm em bé, hai vợ chồng đóng kín cửa phòng, bật máy điều hòa 29 – 30 độ và thi thoảng, Thảo lén lén tắm, gội thỏa thích rồi làm khô, ấm người bằng máy sấy. Làm như thế, vừa khỏe người, không bị mẹ chồng giận dỗi, em bé cũng ngủ ngon giấc, khỏe mạnh, được cả đôi bề.
Chuyện hơ, xông, nằm than khi ở cữ nên hay không, ít hay nhiều, lâu hay mau… vẫn còn là nỗi lòng của rất nhiều bà mẹ trẻ với mẹ chồng hay mẹ ruột. Và những “xung khắc” giữa một bên theo truyền thống, một bên theo quan niệm hiện đại chắc còn rất lâu mới chấm dứt.