Hôm nay, shop trẻ thơ sẽ mách các mẹ bầu một số mẹo trò chuyện trong từng giai đoạn phát triển của  bé nhé!

Bé dưới 3 tháng tuổi

Giai đoạn này, bé có khả năng “hóng chuyện” với mẹ và cố tạo ra những âm thanh trong miệng. Để bé có hứng thú với giao tiếp, khi nói chuyện, bạn nên nhìn chăm chú vào khuôn mặt của bé ở khoảng cách gần. Sau đó, lắng nghe và kiểm tra phản ứng của bé. Chẳng hạn, bé sẽ phát ra âm thanh hoặc di chuyển tay, chân của mình.

Từ 4 đến 8 tháng tuổi

Bé học bằng cách bắt chước. Bé ghi nhớ âm thanh có liên quan đến người (hoặc đồ vật) và phản ứng lại. Điều này quyết định giai đoạn bé bắt đầu hiểu được nghĩa của từ; biết được sự khác nhau giữa tên của bé và những cái tên khác.

Bạn có thể đứng bên cạnh bé, để bé phải ngước đầu lên nhìn mẹ. Trước tiên, bạn hãy gọi tên con. Kiểm tra xem bé có quay lại phía bạn gọi không? Nếu bé quay đầu lên, hãy để bé nhìm chăm chú mẹ trong giây lát. Gọi lại tên của bé lần nữa và xét xem phản ứng của bé thế nào?

Hoặc bạn có thể gọi một cái tên khác, không phải tên của bé. Nếu bé đã nhớ tên mình, bé sẽ không quay lại khi bạn gọi sai tên. Đó cũng là thời điểm bé đã phân biệt tốt tên của mình và những cái tên khác.


Giai đoạn 9-12 tháng tuổi

Gần 1 tuổi, bé phản ứng nhanh và hiểu nghĩa của từ tốt hơn. Bé có thể thực hiện theo nhiều chỉ dẫn của cha mẹ, có thể nhìn chăm chú vào đồ vật hoặc với tay lấy đồ vật đó.

Để bé hiểu ý nghĩa của việc chỉ tay vào đồ vật, bạn hãy làm mẫu cho con trong cự ly gần. Không cần chỉ tay vào những đồ vật phát ra âm thanh như đài, tivi, điện thoại… bởi vì bé sẽ quay lại tìm đồ vật vì âm thanh chứ chưa hẳn là vì nhìn thấy bạn chỉ tay. Có thể chỉ tay vào đồ vật tĩnh và xem phản ứng của bé. Bé có quay lại nhìn đồ vật bạn vừa chỉ tay không? Bé có nhìn theo hướng ngón tay của bạn không? Phản ứng của bé thế nào?


Cách trò chuyện cho bé mới biết đi

– Miêu tả những gì con bạn đang làm: “Con đang chơi xe tải à? Xe tải màu vàng. Còn tài xế đâu con?”. Chọn câu ngắn và chờ nói xong ý này mới sang ý khác. Bạn nên dùng từ ngữ đơn giản và lặp lại một hành động tương tự theo cách hơi khác nhau.

– Tương tự, mô tả những gì bạn đang làm cho bé. Cho dù đó là khi bạn đang pha trà, chuẩn bị đi chợ, gập quần áo… chỉ cần trò chuyện về những gì bạn đang làm.

– Để bé biết bạn đang thực sự lắng nghe và quan tâm tới bé. Tạm dừng giây lát để bé bắt nhịp với câu chuyện của mẹ hoặc để bé tham gia vào câu chuyện đó. Kiên nhẫn chờ xem bé định nói gì.

– Hát và đọc truyện cùng bé là cách giao tiếp tuyệt vời.

– Nhìn vào mắt bé và xem bé định tìm thứ gì. Dừng lại một lúc và cúi xuống ngang với bé. Trò chuyện với bé về bất kỳ điều gì đang làm bé chú ý.

– Lắng nghe những gì bé cố gắng bộc bạch với mẹ. Nếu bé bập bẹ: “Mẹ, i ơi”, hãy lặp lại với câu đầy đủ: “Mẹ, đi chơi”.

– Hỏi con bạn những câu hỏi mở – những câu mà không có đáp án là “có” hay “không”. Ví dụ: “Đồ chơi nào con muốn mang ra khỏi hộp tiếp theo?”, “Con thấy gì trong công viên sáng nay?”…


Sự phát triển ngôn ngữ bình thường

Bé mới biết đi tới 3 tuổi có thể nói được nhiều – ít từ, nói sõi hay còn ngọn nghịu. Bé vẫn đang tiếp tục trong quá trình học cách phát âm đúng, hiểu nghĩ của từ, dùng đúng từ và đặt từ đúng trật tự trong câu. Bé cũng đang học cách làm sao để giao tiếp đúng, xét xem liệu mẹ có hiểu những gì bé nói hay bé có hiểu những gì mẹ nói…

Nhiều bé chưa nói sõi nhưng sẽ chỉ tay vào thứ được hỏi hoặc làm theo yêu cầu đơn giản của mẹ, ví dụ: “Bụng của con đâu?”, “Lấy cho mẹ quả bóng màu đỏ”.
Lời khuyên nói chuyện với bé mới sinh

– Từ khi chào đời, bé đã thích nghe giọng mẹ. Vì vậy, tiếp tục trò chuyện, ví dụ nói cho bé nghe về những gì bạn đang làm như thay bỉm, chuẩn bị đi tắm hoặc tới siêu thị. Chẳng hạn: “Mẹ con mình chuẩn bị đi tắm thôi. Nước ấm đây rồi. Ôi, tắm mát mẻ, sạch khỏe nào”.

– Biểu lộ các cử chỉ như làm cho khuôn mặt buồn cười, thè lưỡi ra… và chờ xem, bé sẽ sớm làm bản sao của bạn. Đây là một phần giao tiếp thủa còn non nớt của bé.

– Hãy chú ý khi bé bắt đầu di chuyển miệng, chân tay, cười hoặc ồn ào để giao tiếp với mẹ. Đáp lời những nỗ lực của bé và cho thấy mẹ đang lắng nghe: “Con được tắm nắng thích không?”.

– Khi nói chuyện với bé sơ sinh, cố gắng nhẹ nhàng chạm vào khuôn mặt của bé, cánh tay hay ngón tay để bộc lộ là bạn đang trò chuyện và lắng nghe bé.

– Lặp lại những bài hát ru quen thuộc giúp bé ghi nhớ giai điệu, câu từ và có tác dụng trấn an tinh thần cho bé.

– Không bao giờ là quá sớm để thưởng thức một câu chuyện. Nên đọc sách cùng bé.

– Khi bé bắt đầu ríu rít, nên bắt chước lại những âm thanh đó. Bạn có thể dùng cách này để giao tiếp với bé nhiều hơn nữa. “Trò chuyện bập bẹ” là cách tuyệt vời cho cả hai mẹ con.