Vừa qua, trên trang tin điện tử emdep.vn đã đưa tin về một bà mẹ đăng tải đoạn video và hình ảnh mua tôm để chế biến nhưng phát hiện tôm có chất lạ bên trong. Liệu chất lạ đó có gây nguy hại cho người dùng đặc biệt là các em nhỏ? Cùng theo dõi cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ sinh học & Thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) dưới đây.

– Thưa ông, gần đây các chị em thắc mắc về trường hợp một bà mẹ chia sẻ việc mua tôm có chứa chất lạ. Ông có thể cho biết chất lạ đó có thể là gì và liệu có gây hại gì cho người sử dụng đặc biệt là các em nhỏ như thế nào?

Tôm là thực phẩm được nhiều gia đình ưa chuộng vì có chứa các chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể. Đặc biệt tôm là món ăn giàu canxi, hỗ trợ tốt cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Giá bán của 1kg tôm sú tươi  loại 1 khoảng 1 triệu đồng, tôm sú đông lạnh  khoảng 800.000 nghìn/kg nên dễ nảy sinh ý định tăng trọng lượng tôm để bán với giá cao.

Từng có người nghĩ ra cách tiêm nước muối loãng vào tôm nhưng nếu để lâu cũng bị thoát ra ngoài nên người ta lại không dùng cách này nữa. Việc tiêm Glixerin – chất từ thủy phân chất béo vào tôm được thực hiện ngay sau đó nhưng vì chất này có vị ngọt thanh, dễ bị người mua phát hiện nên cũng không được người bán sử dụng.

Chất lỏng được tiêm vào tôm mà độc giả chia sẻ trên mạng xã hội đó có thể là chất chiết xuất từ rong biển và một số tạp chất khác tạo thành chất không màu, không mùi và không vị, có tính kết dính cao.

Tất cả những chất trên khi được bơm vào tôm đều không gây hại cho người sử dụng. Tôm chỉ không an toàn khi bị nhiễm độc hay nhiễm vi sinh vật.

Hơn nữa, việc bơm tạp chất chỉ có thể thực hiện được với tôm đông lạnh. Cho nên bà nội trợ nên chọn tôm tươi, đang “bật tanh tách” trong chậu, hạn chế việc mua tôm đã chết hoặc để đông quá dài.

– Hiện nay, có rất nhiều loại thực phẩm bị người bán tiêm hóa chất nhằm tăng mục đích kiếm lời. Các vụ ngộ độc thực phẩm thường xuyên xảy ra, đặc biệt là ở các em nhỏ. Ông có thể hướng dẫn một số cách nhận biết và sơ cứu cơ bản khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm?

Ngộ độc thực phẩm rất dễ phát hiện, đặc biệt là đối với các em nhỏ. Nguyên nhân do hệ tiêu hóa của các em còn non yếu. Ngộ độc thường xảy ra sau khi ăn, uống thực phẩm bị nhiễm độc khoảng một vài giờ.

Biểu hiện ban đầu thường là đau bụng, buồn nôn, sốt, đi ngoài. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường đó, chúng ta sẽ ngưng không cho trẻ ăn món ăn hoặc đồ uống đó nữa.

Khẩn trương gây nôn cho trẻ để tống hết thức ăn bị nhiễm độc ra ngoài. Bố mẹ có thể gây nôn nhanh trong khoảng 1 – 2 phút. Nếu trẻ không nôn được cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để rửa dạ dày.

Bổ sung oresol cho trẻ (nhớ là pha theo đúng chỉ dẫn, uống từ từ, không uống quá nhiều một lúc). Cho trẻ ăn cháo loãng thịt nạc nấu với cà rốt hoặc khoai tây, bí đỏ, chuối xanh. Đây là những loại rau củ giúp tạo khuôn cho phân, giảm tình trạng mất nước ở trẻ.

Tuyệt đối không cho trẻ dùng thuốc cầm tiêu chảy. Nhiều trường hợp cho thấy khi uống thuốc cầm tiêu chảy khiến vi khuẩn, độc tố gây ngộ độc thực phẩm lưu lại trong hệ tiêu hóa lâu hơn.

– Ông có lời khuyên nào cho các chị em khi lựa chọn thực phẩm cho con nhỏ? 

Để chọn được thực phẩm sạch và tránh được ngộ độc thực phẩm, các bà nội trợ phải thật tỉnh táo và thông minh.

Các gia đình đặc biệt gia đình có con nhỏ cần chọn những thực phẩm tươi sống, có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế thực phẩm đông lạnh. Bố mẹ và các con cần tạo thói quen ăn chín, uống sôi, bảo quản thức ăn nấu chín cẩn thận. Đọc báo và tìm ra cách nhận biết thực phẩm bẩn, không đảm bảo chất lượng.

Xin cảm ơn ông đã chia sẻ

* Bài phỏng vấn được Rot Store tham khảo từ trang emdep.vn

Theo Emdep.vn