TÔN TRỌNG DẠ DÀY CON

Khi mà những bữa ăn còn là những cuộc chiến của nước mắt, trò mua vui, ti vi điện thoại, thìa cháo xay nhuyễn, những cái mím môi, lắc đầu quầy quậy… thì ở đó còn những người lớn cần phải học cách tôn trọng dạ dày con.

Chỉ con mới biết bao nhiêu là đủ. Dạ dày của bé nhỏ hơn nhiều so với chúng ta tưởng tượng. Còn người lớn thì luôn cho rằng phải ăn càng nhiều mới càng tốt. Ngược lại, những bữa ăn trong nước mắt lại chỉ càng hình thành chứng biếng ăn, sợ ăn, trào ngược thực quản và đau dạ dày cho bé sau này.

Tôi khuyến khích các mẹ áp dụng BLW, không phải chỉ vì giúp các mẹ nhàn hơn, dễ dàng hơn khi cho con ăn thô. Mà còn vì những em bé BLW sẽ luôn được tôn trọng dạ dày, biết dừng lại bất cứ khi nào con thấy đủ, cho chính bản thân con, chứ không phải cho ông bà hay bố mẹ.

TÔN TRỌNG GIẤC NGỦ CỦA CON

Theo khuyến cáo của National Sleep Foundation, giấc ngủ của bé 1-2 tuổi nên từ 11-14h/ngày, và con số đối với bé 3-5 tuổi là 10-13h/ngày. Liệu con bạn đã ngủ đủ?

Tôi từng viết nhiều bài về giấc ngủ. Kêu gọi bố mẹ cho con đi ngủ sớm. Cũng nhận được vô vàn gạch đá dư luận hay những lời biện minh kiểu “còn tuỳ từng đứa”.

Chính xác. “Tuỳ” ở đây là nếu con tôi ngủ nhiều ở mức 13h/ngày thì con anh ngủ ít nên là 10h/ngày. Nếu con tôi lên giường từ 8h tối thì con anh có thể ngủ lúc 9h, chứ không phải 11-12h như nhiều người lớn vẫn “kệ”.

Mỗi đứa bé là một tờ giấy trắng để bố mẹ viết lên đó những nếp ăn, nếp ngủ, tính kỉ luật. Và khi bạn cứ mặc kệ ngày từ đầu thì con cũng theo nếp sinh hoạt đó mà tiếp tục. Để rồi có những đứa bé mắt luôn thâm quầng, trạng thái lơ mơ, hoặc gọi mãi không chịu dậy mỗi sáng.

Hãy tôn trọng giấc ngủ của con theo đúng cách con cần, chứ không phải cách bố mẹ thấy thoải mái, được không?

TÔN TRỌNG NHU CẦU CỦA CON

Mà nhu cầu quan trọng nhất với một đứa trẻ ngoài ăn với ngủ tôi nói ở trên, chính là đi tè. Và cái hình thức xi tè của người lớn chính là một trong những điều không tôn trọng nhu cầu của con nhất.

Ngay cả đến nhu cầu giải phóng nước tiểu của con cũng phải theo sự cho phép của người lớn. Cụ thể là tiếng xi, tiếng vòi nước chảy. Còn hễ buồn, mà đi theo bản năng, không có sự chuẩn bị của bố mẹ là y như rằng bị mắng, bị trách, bị doạ đòn.

Cần gì những thứ cao siêu khi ngay điều nhỏ nhoi nhất, con cũng không thể được làm theo ý mình?

TÔN TRỌNG CƠ THỂ CỦA CON

Người lớn làm ơn dừng ngay những hành động vạch quần “sờ chim” hay thoải mái xi tè cho con nơi công cộng. Ngay cả việc vệ sinh vùng kín cho bé mỗi ngày cũng nên hỏi ý kiến và được sự đồng ý của bé mới chạm vào.

TÔN TRỌNG SUY NGHĨ CỦA CON

Nhiều bạn bảo tôi: chị quay lại clip xử lý ăn vạ của Tee được không? Còn tôi thì biết chắc sẽ không bao giờ có cái clip đấy khi mà mẹ giơ điện thoại lên là cậu í la om sòm: Mẹ không được quay con. Ok, fine! Mẹ tôn trọng ý muốn của con.

Bắt ép con chụp thật nhiều ảnh/clip cho đến khi được cái mẹ ưng (để up facebook); bắt con chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi…; bắt con tô lá cây màu xanh khi con chọn màu tím; bắt con học một môn nghệ thuật vì bố mẹ muốn… Chúng ta bắt con làm theo ý mình hơi nhiều rồi thì phải. Liệu có khi nào bạn nghĩ con có muốn như vậy không?

Hãy tôn trọng suy nghĩ của con. Dừng lại khi con nói không muốn và đừng cố nài ép.

TÔN TRỌNG CẢM XÚC CỦA CON

Con, dù bé, cũng là một con người. Con cũng cần có lúc mệt mỏi, tức giận, buồn bã, khóc lóc… như bao con người bình thường khác. Cớ sao bố mẹ luôn dùng những câu chỉ trích, ra lệnh: “Nín khóc ngay! Có thôi đi không thì bảo!”. Nếu bố mẹ cũng từng buồn bã, giận dữ thì không cớ gì được phép cấm đoán con.

Tôn trọng cảm xúc của con. Và điều bố mẹ cần làm là hướng dẫn, chỉ cho con cách thể hiện cảm xúc của mình đúng đắn hơn. Ví như khi con tức giận, con có thể dậm chân, thay vì ném đồ đạc. Khi con đau, con có thể khóc, ôm mẹ, thay vì đánh chừa người khác…

Còn ti tỉ thứ nữa để nói về tôn trọng con nhưng tôi tin, em bé của bạn sẽ cần được bắt đầu từ những điều nhỏ xíu nhất thế này. Và tôi cũng tin những em bé được bố mẹ tôn trọng sẽ trở thành những người lớn biết tôn trọng người khác.

-Mẹ Tee-