Chuyện tình Romeo và Juliet phiên bản… 10x

“Em Bông ơi, anh ra rồi, em ra đi!”. “Dạ, em ra đây”.

Nửa tháng nay, cứ đúng tầm 9 rưỡi, 10 giờ tối, mọi người trong xóm lại được chứng kiến câu chuyện tình yêu đúng kiểu Romeo và Juliet giữa… hai nhóc 10x. Chuyện là hai nhà hàng xóm có ban công tầng hai liền kề nhau, một nhà có cậu cháu trai, một nhà có cô con gái rất xinh xắn. Cả hai nhóc đều chưa đầy ba tuổi. Đều đặn và đúng giờ, mỗi tối, hai bé lại rủ nhau ra ban công tâm sự y như người lớn. Những câu nói bi bô, rất ngây ngô và hồn nhiên khiến người lớn nghe mà không nhịn nổi cười.
“Hôm nay em Bông đi lớp vui không?”. “Em được hai phiếu bé ngoan cơ, đẹp cực”. “Ơ, má em bị sao kia?”. “Bạn Tùng bảo thơm má em, thế mà lại cấu em một cái”. “Nó lớn không, mai anh chạy sang đấm nó một cái?”. “Em mách cô giáo cho bạn ấy úp xó rồi, anh Bảo đừng sang, cô giáo cho anh úp xó đấy”.

Câu chuyện của hai nhóc thường bắt đầu bằng những câu hỏi han quan tâm tình hình đi học trong ngày. Mỗi lần bé Bông kể có người bắt nạt là bé Bảo lại dọa sang cho bạn đó một trận, rất ra dáng che chở, bảo vệ.

Có lần, đến giờ hẹn mà bé Bông vẫn chưa ra vì bận… đi vệ sinh. Thế là bé Bảo cứ đứng ở ngoài gọi với vào: “Bông ơi, em không ra à?”. Vừa ngồi bô, bé Bông vừa trả lời vọng ra: “Em đang ị”. Chưa được một phút, bé Bảo cứ giục cuống cả lên: “Em ị lâu thế Bông, nhanh lên”. Mẹ bé Bông phải ra nói bé Bảo đi vào để em Bông yên tâm… giải quyết. Mãi một lúc sau, bé Bông mới ra. Thế là bé Bảo giận, nói không chơi với bé Bông nữa. Bông khóc toáng lên làm Bảo cuống quýt xin lỗi: “Anh lại chơi với bé Bông rồi, nín đi mà”. Được dỗ dành, Bông nín khóc ngay. Bằng một vẻ rất người lớn, bé Bảo nói: “Lần sau em Bông phải ra ngay nhé”. “Anh Bảo cũng phải ra ngay nữa nhé”, bé Bông nhí nhảnh đáp lời.

Cuộc “tâm tình” của hai nhóc Bông – Bảo thường xuyên bị gián đoạn do bị bố mẹ gọi vào. Nhưng cứ vừa vào được một lúc, hai nhóc lại chạy tót ra ban công gọi nhau. Chị Loan, mẹ bé Bông, kể: “Có lần bị mẹ bắt đi vào kẻo ra ban công bị ngã, bé Bông còn láu cá véo má, cấu tay em bé cho em khóc nhè để mẹ phải dỗ em. Tranh thủ lúc đó, bé Bông lại lẻn ra ban công gọi bé Bảo”.

“Chuyện tình ban công” của hai nhóc sớm kết thúc sau hơn nửa tháng hẹn hò. Lý do là một lần bé Bảo liều lĩnh định trèo qua lan can sang nhà bé Bông, khiến người lớn tá hỏa. Sau lần đó, nhà bé Bông không mở cửa ra ban công buổi tối nữa. Mấy tối trốn mẹ ra gọi bé Bông không được, bé Bảo chán dần và yên tâm đi ngủ sớm.

“Tình yêu” mẫu giáo là vô hại

Không riêng gì bé Bông và bé Bảo, hiện tượng trẻ nhỏ “yêu nhau” như vậy rất phổ biến ở các trường mẫu giáo và các khu tập thể.
Gia đình chị Ngọc vẫn còn cười nghiêng ngả khi nhớ lại lần cu Mía kể về chuyện chia tay bạn gái học cùng lớp mẫu giáo. Chuyện là cu Mía “yêu” một bạn gái học cùng lớp vì lý do “bạn ý cũng thích ăn bimbim Oishi giống con, lại hay mặc áo màu xanh giống màu con thích nữa”. Mọi chuyện đang tốt đẹp thì cách đây mấy hôm, Mía bất ngờ tuyên bố với cả nhà là đã… chia tay. Hỏi lý do thì cu cậu kể: “Nó làm hỏng bức tranh con đang vẽ, nhưng lại bảo là tại con”. Trận cãi nhau sau đó đã khiến cho đôi bạn tuyên bố ngừng “yêu”. Tức giận vì bị “cắt đứt”, cô bạn gái chộp lấy tay Mía cắn một miếng rõ đau, khiến cổ tay cu cậu sưng lên.

Theo nhiều chuyên gia tâm lý, hiện tượng trẻ mầm non “yêu” như vậy thì thế hệ nào cũng có. Nhưng với các thế hệ hiện nay, hiện tượng này rõ rệt hơn do trẻ thường xuyên tiếp xúc với những hình ảnh, bài hát về tình yêu phát hằng ngày trên tivi, thậm chí là do bắt chước cách người lớn thể hiện tình cảm với nhau một cách công khai hơn trước.

Nhiều bố mẹ khi thấy trẻ có những lời nói và hành động thể hiện tình cảm với bạn khác giới thường tỏ ra lo lắng vì cho rằng con mình yêu quá sớm. Làm cho mọi việc trở nên nghiêm trọng là không cần thiết. Tiến sĩ Đỗ Thu Hằng, chuyên gia nghiên cứu về đề tài trẻ em trên báo chí, cho biết hiện tượng trẻ mẫu giáo đã biết yêu thực chất chỉ là tình bạn của trẻ con, trẻ đặc biệt thích một bạn khác giới vì bạn ấy có điểm đáng yêu nào đó, và gọi là tình yêu do tâm lý thích bắt chước người lớn. Các phụ huynh không nên lo lắng khi trẻ nói con yêu bạn nào đó ở lớp. Những “mối tình” này vô hại và thường không kéo dài. Thậm chí, có thể nhân chuyện “yêu đương” này để dạy con về vấn đề giới tính, tâm lý.

Chị Loan, mẹ bé Bông ở câu chuyện phía trên, giải thích: “Thực ra việc không để bé Bông và bé Bảo nói chuyện nữa là vì sợ hai bé ra ban công đứng chơi sẽ không an toàn. Vì biết đây chỉ là tình cảm ngây thơ của con trẻ nên bố mẹ không lo lắng gì về vấn đề hai bé có yêu quá sớm hay không”.

Tuy nhiên, với những đứa trẻ bắt chước “quá đà” chuyện yêu đương của người lớn, dẫn tới có những hành vi không hợp với lứa tuổi thì phụ huynh cần kịp thời uốn nắn. Nếu biết trẻ hôn vào môi, hay sờ vào người bạn, nên cho con biết điều đó là không được làm. Các bậc cha mẹ cũng đừng quên dặn con không để người khách có hành vi như vậy với mình.