Trẻ 7 tháng ăn bao nhiêu là đủ và thế nào cho đúng?
Một trong những điều mà cha mẹ cần lưu ý khi cho trẻ 7 tháng tuổi ăn đó là cần phải đảm bảo rằng bé vẫn nhận được đủ lượng sữa (sữa mẹ/ sữa bột) trong một ngày. Thực chất ăn dặm trong thời gian này của trẻ mới chỉ là để tập luyện, còn lượng dinh dưỡng chính con có thể hấp thụ vẫn là từ sữa.
Đừng quên rằng bé cũng giống như người lớn, các con cũng có khẩu vị riêng và điều này cũng ảnh hưởng đến số lượng thức ăn mà bé sẽ ăn. Nếu cho con ăn những món hợp khẩu vị, bé sẽ ăn nhiều hơn. Các mẹ nên chú ý quan sát xem con hứng thú với loại thực phẩm nào để bổ sung cho bé.
Chính vì vậy nên cha mẹ không nên phụ thuộc quá nhiều vào bất kì một lịch ăn uống cụ thể nào cho bé. Trẻ sẽ ăn tới khi nào cần, nếu con không muốn ăn thì nên dừng lại và tin vào những dấu hiệu của bé. Hãy cho trẻ bắt đầu từ từ, cho chúng thời gian để thưởng thức và khám phá những món ăn.
Khi cho con ăn, cha mẹ nên chú ý đến những dấu hiệu của trẻ. Các bé sẽ muốn ăn thêm nếu như bé cố rướn tới cái thìa hoặc há miệng. Nếu như trẻ quay đầu, ngậm miệng hoặc khóc khi bạn cho ăn thì có nghĩa là chúng không muốn ăn nữa. Đừng bận tâm nếu trẻ không ăn hết và cha mẹ cũng không nên cố ép trẻ phải “ăn thêm một miếng nữa” khi trẻ muốn dừng.
Cho trẻ 7 tháng tuổi ăn bao nhiêu là đủ?
Ở giai đoạn 7 tháng tuổi, trẻ có thể ăn 3 bữa mỗi ngày (bữa sáng, bữa trưa, và bữa xế chiều), đan xen thêm những đồ ăn vặt phụ. Trong giai đoạn này, cha mẹ vẫn nên cho bé dùng sữa vì đây là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính (khoảng 700 – 900ml mỗi ngày). Khoảng 2 tháng sau đó khi cứng cáp hơn, trẻ có thể tự ăn hoặc ăn cùng với gia đình.
Một số thực phẩm cho trẻ 7 tháng tuổi
Thực phẩm cho trẻ 7 tháng tuổi phải cân bằng dinh dưỡng các chất đạm, chất béo và tinh bột. Bên cạnh đó, mẹ nên bổ sung các loại rau củ, quả với các chất khoáng, vitamin cần thiết cho con.
Mỗi bữa, cha mẹ có thể cho bé ăn 2 món khác nhau để bé lựa chọn và tăng sự thích thú. Đầu tiên, cha mẹ cho bé ăn món chính bao gồm những loại thực phẩm như:
– Thịt/ cá/ trứng/ đậu (đỗ)/ các loại hạt.
– Những loại thực phẩm có chứa tinh bột như: cơm, khoai hoặc mỳ.
– Các loại rau xanh.
Sau khi ăn xong, cha mẹ có thể cho bé dùng thêm hoa quả, sữa chua hoặc pudding.