3 lần chiến đấu với trầm cảm sau sinh
Mình đã từng sinh 3 con, sinh cháu đầu năm 24 tuổi, cháu thứ 2 sau đó 2 năm và cháu thứ 3 năm 35 tuổi. Cả 3 lần sinh con mình đều bị hội chứng trầm cảm sau sinh, mỗi lần một mức độ khác nhau.
Bây giờ, sau 3 lần vượt qua trầm cảm sau sinh, khi mọi sóng gió đã ở lại phía sau, mình tự rút ra những nguyên nhân khiến mình bị trầm cảm và hi vọng điều đó sẽ giúp ích cho nhiều người mẹ khác, đặc biệt là các bà mẹ trẻ.
Mình nghĩ, có rất nhiều nguyên nhân khiến mình bị trầm cảm sau sinh, việc thay đổi hormone thường là nguyên nhân khởi phát, ngoài ra là các nguyên nhân chủ quan như: do còn quá trẻ, chưa chuẩn bị đầy đủ tâm lý vững vàng cho việc làm mẹ, do đẻ dày,…
Việc thay đổi từ một người năng động, bận rộn, đam mê với công việc cơ quan và những mối quan hệ bạn bè… sang một công việc mang tính chất lặp đi lặp lại hàng ngày, đôi khi còn thiếu ngủ thường xuyên do con quấy đêm, rồi thì sự mất tự tin do cơ thể trở nên xấu đi sau khi sinh…
Tất cả những điều đó từng chút một đã đẩy mình vào sự trầm cảm mà ở thời điểm đó, mình chả hề hay biết một chút nào khái niệm “trầm cảm sau sinh”.
Lần sinh đầu tiên gia đình nhà chồng mình khá khắt khe trong việc bắt mình kiêng khem. Thực ra thì với ông bà, kiêng khem như vậy sẽ tốt cho cả mẹ và bé. Với con, mẹ ăn uống cẩn thận như vậy sẽ làm cho bụng dạ của con lành, không bị đau bụng. Với mẹ thì kiêng như vậy về già sẽ không bị đau yếu. Tuy nhiên, đôi khi sự chăm sóc quá theo kiểu ép ăn nhiều với câu nói muôn thuở là “ăn cho con”, cả tháng chỉ được ăn thịt lợn nạc rang nghệ, trứng gà luộc, canh rau ngót, gà ngải cứu, và phải cố gắng ăn khô. Rồi không được đi ra ngoài, hai mẹ con cứ cả ngày ôm nhau trong buồng kín gió như buồng tằm. Cũng vì ông bà nội kiêng khem kỹ quá lại ở chung nên bố mẹ đẻ mình, vốn đã ở xa, cũng ngại không vào thăm thường xuyên được.
Mình lấy chồng cũng khá xa và từ ngày lấy chồng, mình chỉ chăm chăm đi làm rồi về nên ngày ấy bạn bè mình không có điều kiện liên lạc thường xuyên. Chồng mình thì lúc đó lại vừa mới bắt đầu công việc ở một tập đoàn lớn nên công việc cực kỳ bận rộn, không thể chia sẻ công việc với mình.
Con gái lớn mới sinh thì có thói quen “ngủ ngày, cày đêm”, trong khi ban ngày mình mà vừa cố gắng chợp mắt đi một chút thì lại bị gọi dậy để ăn đúng bữa, cho con bú đúng giờ… Và thế là vô hình mình dần rơi vào sự khủng hoảng tinh thần, tủi thân, cô đơn,…
>> Mẹ có biết cách chọn quần áo trẻ em xuất khẩu giá rẻ
>> Bé gái xinh dễ thương trong những bộ váy hoa mùa hè
Mẹ Việt bị trầm cảm sau sinh 1

Ảnh minh họa.

Tháng đầu tiên mình bị trầm cảm nặng nhất rồi nhẹ dần trong 3 tháng sau. Dù chưa có những hành động để xảy ra những hậu quả đáng tiếc, nhưng lúc ấy mình luôn suy nghĩ mọi việc một cách tiêu cực, cảm thấy thất vọng về cuộc sống, cái cuộc sống mà vừa mới đây thôi, trong suy nghĩ của một cô gái vừa bước chân vào tuổi đôi mươi chỉ thấy toàn màu hồng… Một ví dụ rất nhỏ là một lần mình xin phép bố mẹ chồng cho hai mẹ con về nhà ngoại nhưng bố chồng mình không đồng ý. Ông nói là con mình còn non và nếu mình muốn đi thì cứ đi một mình nhưng phải để con lại. Mình thì dù vất vả chăm con nhưng chưa bao giờ có ý định xa con. Chỉ là mình muốn được nương tựa vào mẹ mình vài bữa, đôi khi chỉ là để được mẹ trông con cho mình để mình được ngủ một giấc ngủ thật sâu. 
Mình đã giải thích với ông cả buổi tất nhiên mình chỉ nói với ông là cho con ra thăm mẹ, cháu ra với bà cho ông bà ngoại vui. Nhưng nói thế nào ông cũng không nghe. Tự dưng lúc đó cảm giác uất ức, tủi thân bị dồn nén lâu dài bỗng trào lên. Trong tình trạng gần như vô thức, đờ mọi giác quan, mình vồ lấy con dao gọt hoa quả giữa bàn, hướng đầu nhọn mũi dao về phía ngực và nói với ông: “Nếu ông không cho con mang con con đi, con chết ở đây cho ông xem”. Đó là đỉnh điểm của lần trầm cảm đầu tiên.
Sau lần đó, có lẽ sự việc phần nào cũng tác động đến mọi thành viên trong gia đình mình, ông bà giảm bớt sự áp đặt với mình, ông xã mình cũng quan tâm đến những suy nghĩ của vợ hơn, trầm cảm kéo dài khoảng hơn 3 tháng nhưng cường độ đã giảm dần. Và đến khi con tròn 4 tháng, mình phải gửi con cho bà ngoại để mình tiện đi làm và cho con bú hàng ngày, dù vẫn rất vất vả, nhưng tâm lý của mình dường như trở lại bình thường.
Lần sinh con thứ 2 là khi cô bé lớn của mình vừa tròn 2 tuổi. Lần này, sức khoẻ của mình khá yếu do trước khi có thai con, mình vừa mổ ruột thừa. Cũng chính vì vậy mà cô bé thứ hai sinh ra sức khoẻ không tốt, thường xuyên đau ốm. Chăm 2 con nhỏ một lúc trong tình trạng sức khoẻ như vậy, cộng thêm những áp đặt của gia đình nhà chồng dù đã giảm đi khá nhiều so với lần sinh trước nhưng cũng không phải là dễ dàng, mình thì tính lại khá cầu toàn, chồng mình công việc thì còn bận hơn trước rất nhiều, thường xuyên đi công tác dài ngày. 
Kết quả là ở lần sinh thứ hai này, trầm cảm đeo bám theo mình đến cả năm trời, mình luôn cảm thấy bế tắc, cho dù kinh tế gia đình lại không phải là vấn đề lớn với vợ chồng mình. Đã có nhiều đêm, mình cứ lang thang ngoài đường, lang thang một cách vô định… 
Sau gần 10 năm, mình mới sinh bé thứ 3. Ở hai lần sinh trước, dù sức khoẻ không tốt lắm nhưng mình mang thai và sinh nở khá dễ dàng. Lần này, khi thai đến tuần thứ 30, men gan của mình đột ngột tăng cao. Trước đó, mình đã mang trong mình có virus viêm gan B nhưng ở thể người lành mang bệnh. Chính vì vậy, khi men gan tăng cao như thế thì nguy cơ đối với cả hai mẹ con mình là rất cao. Mình vào một bệnh viện quốc tế để xin được điều trị và bệnh viện đã trả về với lý do tình trạng của mình phải về đúng chuyên khoa của bệnh viện công. 
Sau nhiều lần thương lượng và sau khi gia đình xin được phác đồ điều trị của chuyên khoa bệnh viện công, mình đã được quay lại điều trị. Bác sĩ trao đổi rất kĩ với gia đình về nguy cơ rất cao khi sinh có thể sẽ phải chọn mẹ hoặc con. May mắn, mình đã mẹ tròn con vuông. Trước đó vài năm mình cũng phải trải qua 2 lần tiểu phẫu lấy khối u lành ở ngực. Lần này sinh con xong, chả hiểu sao sữa ra có lẫn cả máu đen nên bác sĩ tư vấn là không nên cho con bú mẹ. Mình phải nuôi bộ con từ ngày ra đời. 
Lần trầm cảm sau sinh thứ 3 cũng từ việc pha sữa cho con mà ra. Một lần thấy bà nội pha sữa chưa đúng cách, mình góp ý nhẹ nhàng với bà thì bà giận rồi cho rằng mình đẻ được con trai nên kiêu, làm phách. Bà không góp ý với mình mà lại nói sau lưng, nói đi nói lại nên tác động luôn đến chồng mình khiến hai vợ chồng bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn. 
Chồng mình công việc vất vả, chứng kiến mâu thuẫn của mình với mẹ chồng ngày một xấu đi khiến hố sâu ngăn cách giữa hai vợ chồng ngày một lớn lên. Sau nhiều lần đôi co mà nguyên nhân chủ yếu là mình muốn được chồng chia sẻ những tâm tư, tình cảm do mình cảm thấy khá khủng hoảng và cô đơn vì một nách hai con lớn đang ở tuổi nổi loạn 13, 14 tuổi và em bé đang còn ẵm ngửa. Anh ấy có lẽ bị ảnh hưởng bởi những lời nói của bà nội về mình, cộng với áp lực công việc đã thường xuyên nổi cáu và đỉnh điểm nhất là một lần ngay trước mặt mẹ mình, anh ý nói thẳng là muốn bỏ vợ. 
Thực ra trong lòng mình biết anh rất yêu vợ thương con. Nhưng mình đã quá sốc khi anh nói ra điều đó trước mặt mẹ đẻ mình, thế là mình chạy ra hành lang của chung cư định lao đầu xuống tự tử. May mà có em mình và mấy đứa cháu cố sức kéo lại. 
Sau hôm đó, lòng mình dường như đóng băng. Nhưng khi bình tâm suy nghĩ, mình tự mỉm cười với chính mình vì mình cảm thấy thanh thản với tất cả những gì đã làm cho chồng, cho con. Hai vợ chồng đã ly thân mấy tháng trời. Đó là quãng thời gian quý giá để mình bình tâm nhìn lại thấy cả những gì đã trải qua. 
Mẹ Việt bị trầm cảm sau sinh 2

Tình yêu thương dành cho con là một trong những yếu tố giúp các bà mẹ chiến thắng trầm cảm sau sinh. (Ảnh minh họa)

Hãy yêu thương chính bản thân mình
Mình rất mong mọi người hãy hiểu trầm cảm cũng là một hội chứng của bệnh về tâm thần ở mức độ nhẹ. Những người sức khoẻ yếu, nhạy cảm quá mức, những người có triệu chứng tiền kinh nguyệt nặng, những người có tuổi thơ không hạnh phúc, bố mẹ bỏ nhau, ly thân,… không có hậu phương vững chắc là gia đình, là bố mẹ đẻ của mình là những người có nguy cơ trầm cảm cao nhất.
Thực sự nếu đúng là bệnh trầm cảm sau sinh, các mẹ thường không thể kiểm soát được mình, lúc đó tuỳ từng hoàn cảnh mà chuyện gì cũng có thể xảy ra. Cảm giác khi đó là thần kinh mất khả năng phân tích, các giác quan đông cứng lại, không có cảm giác đau, không cảm giác sợ.
Trong thời gian bị trầm cảm sau sinh, có 2 điều có thể làm mình dịu lại (phần nào thôi) là tiếng khóc của con mình hoặc một đứa nhỏ nào đó, hay một cái ôm đầy cảm thông của người chồng.
Mình nhận ra rằng trước đây cũng chỉ vì khóc lóc, yếu đuối, đòi hỏi được quan tâm chia sẻ mà dẫn tới cái kết cục như vậy. Hơn 17, 18 năm mình dành hết thời gian, tâm sức cho chồng con, gần như bỏ bẵng cuộc sống cá nhân và công việc. Mình âm thầm chịu đựng mọi điều, tự đóng mình trong một thế giới riêng chỉ biết mỗi chồng, con, gia đình nhà chồng.
Chỉ đến khi nhận ra rằng, ngoài tất cả những điều đó, mình cần phải yêu thương mình trước tiên, thì dần dần tâm lý ổn định đó đã giúp mình dần gỡ rối mọi chuyện. Hai vợ chồng đã thẳng thắn nói chuyện, vượt qua rào cản của ông bà nội để thấu hiểu nhau hơn và vì các con để cùng nhau làm lại từ đầu.
Mình cũng nhận ra rằng, những mâu thuẫn với bố mẹ chồng rồi cũng sẽ qua đi, vì ông bà là những người tốt, thương con thương cháu, nhưng do nặng nề tư tưởng truyền thống, những kinh nghiệm do các cụ truyền lại đôi khi không phải lúc nào cũng đúng nên mới dẫn đến xung đột với mình. 17 năm cũng đã trôi qua, ông bà cũng đã thay đổi nhiều vì được chứng kiến thành quả của cách nuôi dạy con của mình: các cháu đều là những đứa trẻ ngoan ngoãn, hiếu thảo, lễ phép với ông bà bố mẹ, tình cảm với mọi người.
Điều quan trọng hơn tất cả đó là phải các bà mẹ hãy yêu thương và nâng niu chính cuộc sống của mình trước tiên.
(Chia sẻ của mẹ A.H.T, Hà Nội)

Trải qua tất cả những ngày tháng đó, mình tự nhận thấy một số sai lầm của bản thân đã khiến cho tình trạng trầm cảm sau sinh càng ngày càng nặng hơn:

1. Tự giam mình trong một thế giới chỉ biết có chồng, con, gia đình. Không mở rộng lòng mình với mọi người để lắng nghe những lời khuyên chân thành từ mọi người.

2. Mình yêu quá nhiều, yêu đến quên bản thân mình. Cũng chính vì thế mà khi tổn thương cũng rất kinh khủng. Không những thế tình cảm ấy đôi khi lại làm cho người ta ngộp thở.

3. Bước chân vào hôn nhân không hề được chuẩn bị kỹ càng về tâm lý, sức khoẻ để đón nhận mọi điều. Đối với vấn đề trầm cảm sau sinh, có một sức khoẻ tốt cực kỳ quan trọng vì khi mình yếu, mình suy nghĩ bi quan hơn, sự mệt mỏi của việc chăm sóc em bé sẽ đánh gục mình ngay lập tức.

Và những bài học mình tự rút ra cho bản thân:

4. Đừng hy sinh sự nghiệp. Đó là một điều cấm kỵ, KHÔNG BAO GIỜ được phép làm dù là vì điều gì đi chăng nữa.

5. Mình cứ nghĩ thật thà là tốt, nhưng trên thực tế sống chung cũng cần phải “có võ”.

6. Không nên ỷ lại vào một ai cả, đủ sức, đủ kinh tế để sinh con, để nuôi con thì hãy xác định có con.

7. Đối với gia đình nhà chồng, mình phải hoà nhập với cuộc sống của gia đình, coi gia đình chồng cũng như gia đình mình. Nhưng ngược lại cũng hãy để họ có cơ hội hiểu mình, đánh giá đúng về bản thân mình, dần dần tình cảm sẽ nảy sinh, gắn bó hơn. Không nên sống theo kiểu đối phó.

8. Hãy biết yêu thương chiều chuộng bản thân mình. Hãy tìm đến những đam mê lành mạnh để tiếp thêm sinh khí cho cuộc sống.