Tạo ra tình huống

Khi chơi đùa cùng bé, bố mẹ sẽ tùy theo từng tình huống cụ thể mà nói cho bé biết như thế nào là đúng, như thế nào là sai. Ví dụ khi chơi trò đi xe buýt, bố mẹ hãy giả vờ mình là cụ già, người ốm hoặc phụ nữ đang mang bầu… để trước hết xem bé phản ứng thế nào, có nhường ghế ngồi không, sau đó bạn sẽ nói cho bé biết đối với những người nào thì nên nhường ghế.

Khi dạy con cách làm theo điều đúng, ngoài việc dùng lời nói để phân tích thì quan trọng là trong việc làm hàng ngày, bố mẹ hãy là tấm gương tốt để bé học theo. Bởi trẻ con có tâm lý bắt chước những hành vi của những người thường xuyên tiếp xúc với bé.

Quan sát tranh ảnh

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại sách giúp nâng cao năng lực phân biệt hành vi dành cho trẻ con. Bố mẹ có thể mua sách này về và cùng đọc với bé. Nếu bé chưa biết đọc chữ, bạn hãy mở sách đặt trước mặt bé, vừa kể nội dung vừa chỉ vào hình vẽ trong sách. Việc đọc sách như vậy dần dần sẽ hình thành và bồi dưỡng năng lực quan sát, phân tích, nhận biết đúng sai của bé.

Người lớn cần có thái độ rõ ràng

Tuy là trẻ con nhưng hàng ngày các bé phải “đối mặt” với rất nhiều tình huống cần phân biệt đúng sai không kém gì người lớn. Vì vậy bố mẹ nên chú ý quan sát, không nên xem nhẹ mỗi tình huống mà bé gặp để kịp thời giúp bé biết nhận biết đúng – sai, tốt – xấu. Ví dụ như khi xem phim cùng bé, gặp nhân vật có lời nói bậy, bố mẹ nên nói ngay với bé những lời nói như vậy là không hay, bé không được nói theo. Hay khi đi trên đường, nếu bé bóc kẹo ăn, hãy nhắc bé bỏ vỏ kẹo vào thùng rác.
Đối với bé 2 – 3 tuổi, khi bé làm việc không đúng với “tiêu chuẩn”, bố mẹ nên tỏ thái độ rõ ràng bằng cách lắc đầu. Ngược lại, nếu bé đưa ra ý kiến đúng đắn hoặc làm việc tốt, hãy gật đầu và mỉm cười khích lệ để khẳng định bé đang làm đúng.

Dạy bé dần dần, không nên đốt cháy giai đoạn

Năng lực phân biệt đúng – sai, tốt – xấu ở lứa tuổi nhi đồng được nâng cao dần theo thời gian. Khi bé 1 – 2 tuổi là giai đoạn bắt đầu hình thành các thói quen. Trong giai đoạn này, bé sẽ dần dần học cách biết được đâu là đúng, đâu là sai, việc gì nên làm, việc gì không nên làm từ thái độ đồng tình hay phản đối của người lớn trong nhà đối với mỗi hành động của bé. Ví dụ các bé thường khóc mè nheo để mọi người chiều theo ý muốn của mình, chỉ cần “lờ” bé đi hoặc dỗ cho bé nín mà không chiều theo bé. Sau vài lần như vậy, bé sẽ tự hiểu khóc mè nheo là không đúng và sẽ không làm vậy khi muốn đòi hỏi nữa.

Từ độ tuổi 3 – 4 trở về sau, bố mẹ không chỉ dùng hành động mà cần dùng lời nói để giảng giải về đúng – sai, tốt – xấu cho bé. Bố mẹ chọn thời điểm thích hợp để giải thích cho bé hiểu vì sao khạc nhổ bừa bãi là không tốt, vì sao đánh người là không nên…

Dạy bé tự mình so sánh

Đối với tâm lý trẻ con mà nói, sự dạy dỗ của người lớn chỉ là yếu tố bên ngoài, cần giáo dục thông qua sự tự nhận thức của bé mới thực sự có hiệu quả cao như mong muốn. Vì vậy, khi dạy bé phân biệt đúng sai, bố mẹ nên chú ý giúp bé học cách so sánh, đối chiếu bản thân mình với người khác để từ đó rút ra nhận thức của mình.