Ảnh minh họa: Battle Hymn of the Tiger Mother
“Cuốn sách của tôi, Battle Hymn of the Tiger Mother, xuất bản 6 tháng trước, đã làm dấy lên cuộc tranh cãi trên toàn thế giới, làm đảo lộn cuộc sống của tôi. Có lúc, tôi nhận được đến 500 email mỗi ngày. Một số người tỏ vẻ hằn học, nhưng nhiều người khác lại rất ngưỡng mộ và ấn tượng. Cuốn sách đã được dịch sang 30 thứ tiếng, chứng tỏ việc làm thế nào để nuôi dạy con cái tốt nhất vẫn là mối quan tâm của tất cả các bậc cha mẹ, dù họ ở đâu đi nữa.
Hầu hết những phản ứng quá khích nhằm vào cuốn sách đều xuất phát từ sự hiểu nhầm. Hai ngày trước khi xuất bản, tạp chí Wall Street đã đăng trích dẫn từ cuốn sách của tôi dưới tựa đề “Tại sao các bà mẹ Trung Quốc lại giỏi hơn” – một tựa đề không phải do tôi nghĩ ra và tôi cũng chưa đồng ý. Tôi tin rằng có rất nhiều cách để trở thành cha mẹ tốt, và phụ thuộc nhiều vào cá tính của đứa trẻ.
Bản thân tôi đã được nuôi dưỡng trong sự nghiêm khắc ngặt nghèo, nhưng cũng đầy tình thương, của cha mẹ mình, những người đã tới Mỹ từ năm 1960 khi còn là những sinh viên nghèo. Cha mẹ đã rất khắc nghiệt với 4 chị em tôi.
Mặc dù vậy, giờ đây tôi rất kính yêu và vô cùng biết ơn cha mẹ. Tôi nhận ra rằng họ đã tin tưởng vào tôi biết bao và hy sinh rất nhiều thứ vì tôi. Họ đã cho tôi những cơ hội tuyệt vời – tôi vào Harvard, tôi yêu thích công việc là một giáo sư về Luật tại Đại học Yale – và khiến tôi tự hào về nền văn hóa và các giá trị Trung Hoa của mình.
Đó là lý do tôi đã cố gắng nuôi dạy 2 cô con gái theo cách tương tự. Nhưng điều đó không dễ dàng. Tôi đang ở Mỹ, nơi mà thái độ làm cha mẹ rất khác biệt. Ở Mỹ, nuôi một đứa trẻ “biết vâng lời” được xem là cách tiêu cực và hai giờ tập violon mỗi ngày được nhiều người cho là bạo hành trẻ.
Với con gái lớn, Sophia, mọi thứ đều trôi chảy. Nhưng đến đứa thứ hai, Lulu thì tôi đã nhận ra rằng điều này rất khó khăn. Lulu ra đời với cá tính dữ dội, và ở tuổi 13, nó đã nổi loạn. Sau một đêm khủng hoảng, tôi nhận ra rằng tôi có nguy cơ mất con mãi mãi. Vì thế tôi đã thay đổi, mặc dù không hoàn toàn. Tôi từ chối thỏa hiệp về điểm số phải đạt xuất sắc ở trường và những thứ khác, nhưng tôi cho phép Lulu từ bỏ violon để chơi tennis và tôi cho bé được theo đuổi đam mê của mình.
Mỉa mai thay, so với nhiều bậc cha mẹ ở Trung Quốc, tôi thậm chí còn chưa được coi là rất nghiêm khắc. Chồng tôi là người Mỹ lai Do thái, và anh luôn khẳng định rằng con gái tôi đã nhận quá nhiều tự do cũng như chơi đùa. Cuốn sách của tôi không phải là bản hướng dẫn làm cha mẹ, mà là một câu chuyện kể lại về sự khám phá của tôi khi làm mẹ, nhằm tìm kiếm sự cân bằng giữa những điều tốt đẹp của văn hóa phương Đông và phương Tây.
Thật thú vị, khi nói đến cách nuôi dạy trẻ, tôi nghĩ phương Đông và phương Tây có những vấn đề đối lập. Vì thế có lẽ những gì người Trung Quốc học được từ cuốn sách của tôi là sự đối lập mà người phương Tây có thể làm.
Về tổng thể, tôi nghĩa các bậc cha mẹ phương Tây cho trẻ con quá nhiều tự do ở tuổi còn quá nhỏ. Trung bình trẻ con Mỹ dành thời gian xem tivi nhiều hơn 70% so với việc đến trường. Trong cuộc kiểm tra quốc tế PISA gần đây, người Mỹ đạt kết quả đáng ngại là thứ 23 về khoa học và 34 về toán – trong khi trẻ em Thượng Hải xếp thứ nhất. Trẻ em phương Tây có tỷ lệ lạm dụng rượu và ma túy cũng như mang thai ở tuổi vị thành niên đáng báo động. Mặc dù vậy, các trường đại học Mỹ tiếp tục là sự thèm muốn của cả thế giới, và Mỹ cũng vượt trội trong việc dạy cách sáng tạo, cải tiến và tinh thần lãnh đạo.
Cái gì sẽ là bài học cho Trung Quốc ở đây? Và đây là vài điều nhỏ mà Trung Quốc có thể học được từ phương Tây.
– Đầu tiên, trong khi trẻ em phương Tây có quá nhiều lựa chọn, thì trẻ cùng lứa với chúng ở Trung Quốc lại có quá ít. Giữa việc học ở trường, học thêm và làm bài tập, nhiều trẻ em Trung Quốc không hề được nghỉ, có quá ít cơ hội chơi đùa với bạn bè, khám phá bản thân và khám phá những điều chúng thực sự yêu thích. Điều tôi học được là khi trẻ lớn lên, cha mẹ nên lắng nghe sự lựa chọn của chúng một cách quan tâm hơn và dần dần cho chúng nhiều tự do hơn để thực hiện đam mê của mình.
– Thứ hai, cha mẹ Trung Quốc nên dành nhiều chú ý hơn đến cá tính của trẻ. Mỗi đứa trẻ là một sự khác biệt. Vì thế dựa vào thiên hướng của mỗi đứa con, những nghề nghiệp khác nhau sẽ khiến chúng hạnh phúc. Một số người có thể cảm thấy khó khăn để trở thành nhà nhiếp ảnh hay thiết kế thời trang, nhưng lại thích làm bác sĩ. Nếu các bậc cha mẹ Trung Quốc cởi mở hơn trong việc đánh giá sự “thành đạt”, nó sẽ làm giảm sự cạnh tranh và áp lực khốc liệt mà các con họ phải chịu đựng.
– Cuối cùng, cha mẹ Trung Quốc rất thành công trong việc ép con họ ghi nhớ, thực hành và tập luyện – những kỹ năng mà tôi tin là phương Tây cần nhiều hơn nữa – nhưng họ cũng nên tìm cách khuyến khích sự sáng tạo và chủ động. Con gái tôi thật may mắn vì chồng tôi đã dạy cho chúng các giá trị của sự tư duy độc lập. Anh ấy luôn luôn hỏi “vì sao”. Đó chỉ là vì người khác nói với bạn như vậy, còn bạn có thấy nó đúng không?
Làm cha mẹ là công việc nặng nhọc nhất tôi từng làm. Nhiều người chỉ trích tôi thực ra chưa hề đọc sách và không nhận ra rằng tôi đã viết lại thời kỳ khủng hoảng, khi Lulu nổi loạn và tôi bắt đầu cân nhắc lại mọi thứ từng làm.
Tôi đã rất may mắn vì điều chỉnh mình kịp thời – giờ đây các con gái và tôi là những người bạn gần gũi – và tôi muốn chia sẻ câu chuyện của mình với các bà mẹ khác, vì tất cả chúng ta đều đang phải vật lộn với vấn đề giống nhau: làm thế nào để nuôi con khỏe mạnh, hạnh phúc và tự lập? Tôi không có câu trả lời, nhưng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm sự kết hợp tốt nhất giữa phương Đông và phương Tây.