Trẻ em không chỉ bị hành hạ về thể xác. Bạo hành tinh thần đang phổ biến và để lại nhiều di chứng nặng nề, và người gây tổn thương lại chính là đấng sinh thành của các em. Đó là nhận định được đưa ra tại Hội nghị Phòng chống bạo lực trẻ em trong gia đình tổ chức tại TP HCM ngày 17/12.

 

Giận cá chém thớt

 

Trong 3 năm 2005-2007, số vụ xâm hại, bạo lực đối với trẻ em trong gia đình tăng gấp ba lần so với trước đó. Trung bình mỗi năm, Việt Nam có 114 trẻ chết do bạo hành. Theo thống kê của ngành y tế, số trẻ tử vong do nguyên nhân này chỉ đứng sau tử vong do tai nạn giao thông và đuối nước. Tại TP HCM, kết quả khảo sát của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em (trước đây) cho thấy, 58% trẻ từng bị người lớn quát mắng, sỉ nhục, tát… khi mắc lỗi. Chỉ riêng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong năm nay đã tiếp nhận 30 ca bị bạo hành đến mức phải nhập viện.

Theo bà Phan Thanh Minh, Trưởng phòng Chăm sóc, bảo vệ trẻ em, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM, có rất nhiều lý do khác nhau để các bậc cha mẹ dành đòn roi cho trẻ, vợ giận chồng đánh con, chồng giận vợ cũng đánh con, con dâu đánh con để dằn mặt mẹ chồng, con rể không bằng lòng mẹ vợ cũng lôi con ra đánh… Tuy nhiên, đó là dạng bạo hành dễ nhìn thấy, dễ phát hiện. Còn một dạng bạo hành không kém nghiêm trọng khác, đó là gây tổn thương về tinh thần như xúc phạm, loại bỏ, từ chối tình cảm, đòi hỏi quá mức so với tuổi và sự phát triển của trẻ…

“Thế nhưng hiện nay chưa có cơ quan nào giám định về tổn hại tinh thần cho các em, dù những tổn thương này nhiều khi nặng nề, kéo dài hơn so với tổn hại về thể chất”, bà Phan Thanh Minh nhận xét.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng nhân dân TP HCM, cho biết hiện nay, trẻ bị bạo hành không chỉ trong gia đình mà còn cả trong nhà trường, điển hình là những vụ cô giáo, bảo mẫu đánh học sinh đến thương tật, rối loạn tâm thần được phát hiện vừa qua. “Đây là điều rất đáng lo ngại vì gia đình và nhà trường là hai môi trường chính cho sự phát triển của trẻ”, ông Minh băn khoăn.

 

Quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa

 

Hầu hết các bậc cha mẹ đều không hiểu rằng những gì mình đang làm chính là bạo hành, gây ra những hậu quả nặng nề trong việc phát triển tâm sinh lý và hình thành nhân cách trẻ. Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, khi được giáo dục, xử sự bằng bạo lực, chính các em cũng sẽ ứng xử bằng bạo lực với bạn bè, với những người yếu hơn mình. Từ đó, xã hội gánh chịu hậu quả của việc con người xử sự với nhau bằng bạo lực mà quên đi tình nghĩa, tính nhân văn, lễ nghĩa trong ứng xử.

Việt Nam có Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và Nghị định 114/CP về xử phạt các vi phạm hành chính về trẻ em… Đây là những công cụ để xử lý những kẻ bạo hành, với việc phạt tiền; xử lý hình sự nếu thương tật của trẻ trên 11%, tách trẻ ra khỏi đối tượng bạo hành nếu việc này lặp đi lặp lại.

“Tuy nhiên, cho dù người bạo hành bị xử phạt nghiêm minh thì vết thương trong lòng các em cũng đã hình thành. Đưa trẻ vào trung tâm chăm sóc tạm thời sẽ tránh được bạo hành, nhưng dù sao môi trường giáo dục các em tốt nhất, hiệu quả nhất vẫn là gia đình. Mọi sự tác động từ bên ngoài chỉ mang tính can thiệp. Đó là chưa kể khi vụ việc bị xử lý hình sự, tâm lý các em có bị chấn động không khi lớn lên với một người cha, người mẹ từng ở tù?”, chị Nguyễn Thị Thu Hà, phụ trách điểm tư vấn cộng đồng quận Bình Thạnh, trăn trở.

Điều quan trọng nhất không phải là khi xảy ra bạo hành trẻ em, cơ quan chức năng xử lý thế nào, mà quan trọng là phải làm gì để phòng ngừa tình trạng đó. Ngoài việc giúp cha mẹ có kiến thức về giáo dục con cái, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền cho các em, để chính bản thân các em nhận biết những dấu hiệu của bạo hành mà tự bảo vệ mình. “Đã đến lúc chúng ta không nói nữa, mà phải làm”, ông Nguyễn Văn Minh đúc kết.