Ngoài nguyên nhân chính là bại não và các tai biến sản khoa, trẻ có thể bị biến dạng bàn chân do di truyền hoặc do tư thế khi còn nằm trong bào thai. Vì vậy, khi mới sinh con, người mẹ cần kiểm tra bàn chân của trẻ, nếu có nghi ngờ thì dùng lông bàn chải mềm kích thích da chân để xem trẻ cử động bất thường không.
Các biến dạng thường gặp là bàn chân dẹt hoặc vòm quá, vẹo vào trong hoặc ra ngoài, gấp áp sát cẳng chân. Ngoài ra còn có bàn chân giống hình thuổng, thẳng như chân ngựa do gân gót bị co không thể gấp cổ chân lên được hoặc bàn chân vẹo vào trong, gan chân và gót ngửa lên trời.
Khi mới sinh con, người mẹ cần kiểm tra bàn chân của trẻ, nếu có nghi ngờ thì dùng lông bàn chải mềm kích thích da chân để xem trẻ cử động bất thường không. Trường hợp khó xác định thì cần đi khám ngay.
Nếu biến dạng ngày càng rõ hơn sau ngày sinh, có thể xoa tay sạch bằng phấn rôm rồi uốn nhẹ nhàng chân bị biến dạng của trẻ, đưa về hình thái bình thường. Phần lớn trẻ sơ sinh có biến dạng được uốn nhẹ nhàng, kiên trì, liên tục sẽ dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, với những biến dạng khó nắn chỉnh, cần đưa trẻ đi khám tri giác, cột sống, háng, gối, xương cổ chân, bao khớp, gân… để xem có bị xô lệch trật khớp không.
Trẻ trên 1 tuổi nếu còn di chứng thì cần can thiệp bằng phẫu thuật phần mềm như bao khớp, dây chằng mà không vào xương. Các thủ thuật ở xương chỉ được tiến hành sau tuổi dậy thì (nữ 13, nam 14 – 15 tuổi).