Thời điểm thích hợp cho trẻ bú sữa ngoài
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, sữa công thức cũng là một nguồn cung cấp chất dinh dưỡng dồi dào cho trẻ, là thức ăn cần thiết khi mẹ thiếu sữa, muốn bổ sung thêm nhiều dưỡng chất cho con, tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng cũng như sức khỏe hệ tiêu hóa khi trẻ còn nhỏ.
Hướng dẫn pha sữa đúng cách
Sữa công thức hay còn gọi là sữa bột thường được đóng trong hộp thiếc cùng với muỗng đong, rất tiện lợi cho việc pha sữa. Cách pha cũng vô cùng đơn giản, bạn chỉ cần thực hiện đúng theo chỉ dẫn ghi trên bao bì hộp:
Tráng qua các dụng cụ pha sữa với nước sôi để tiệt trùng, sau đó dùng khăn bông sạch lau khô.
Vệ sinh tay sạch sẽ trước khi pha
Tùy theo lượng sữa mà bạn định pha để xác định lượng nước sôi cần cho vào bình trước đó. Để nước sôi tỏa bớt nhiệt đến khi về khoảng 37oC là có thể thêm sữa vào.
Sử dụng muỗng đong có sẵn trong hộp sữa để đong sữa. Lưu ý không đong quá đầy, nên sử dụng phần nắp thiếc để gạt sữa và không nén sữa quá chặt trong muỗng.
Dùng thìa khuấy đều hoặc lắc bình sao cho sữa tan hết, không bị vón cục.
Trước khi cho trẻ bú cần kiểm tra nhiệt độ xem sữa có quá nóng với trẻ hay không bằng cách nhỏ một ít sữa lên cổ tay hoặc mu bàn tay.
Các bước pha sữa cho trẻ.
Lượng sữa bột khuyên dùng cho trẻ
Trẻ mới sinh tốt nhất nên cho bú chủ yếu bằng sữa mẹ. Lượng sữa công thức lý tưởng trong thời điểm này là khoảng 15-30ml, sau vài ngày khi dạ dày trẻ đã bắt đầu thích nghi hơn với nguồn dinh dưỡng mới thì bạn có thể tăng lượng sữa lên khoảng 50ml mỗi ngày. Trong trường hợp trẻ quấy khóc nhiều sau chưa tới 3 giờ uống sữa thì rất có thể bé vẫn chưa được đáp ứng đủ lượng sữa cần thiết. Lượng sữa cho trẻ có thể tăng thêm tùy theo độ tuổi của bé, thông thường mỗi lần tăng, các mẹ chỉ nên tăng khoảng 10-15ml sữa. Tuy nhiên, tùy vào thể trạng của trẻ mà lượng sữa tăng thêm có thể lên tới 15-20ml.
Hướng dẫn cho trẻ bú bình đúng cách
Thời gian đầu sau khi sinh, trẻ còn chưa thích nghi được với thói quen ăn mới. Do đó, mẹ cần kiên trì tập luyện cho con bằng cách vuốt má bên gần mẹ nhất để bé có phản xạ lại gần núm vú. Nếu bé vẫn chưa thể phản xạ được như vậy, mẹ cũng có thể để một ít sữa ứ trên núm vú để trẻ cảm nhận được mùi vị của sữa mẹ.
Trong trường hợp cho bé bú bình, cần nắm chắc bình để bé có thể ti thoải mái mà không sợ bình rơi. Chú ý nghiêng bình sữa, tránh tình trạng trẻ bú mà không ra sữa. Khi trẻ bú một hơi quá dài, không khí sẽ không lọt vào được khiến sữa không chảy ra từ bình nữa, lúc này, mẹ hãy xoay nhẹ bình sữa để không khí có thể lọt lại vào trong nhé.
Nếu bé đã bú hết sữa trong bình, mẹ nên kéo bình ra một cách dứt khoát, không để con ngậm hay nhai núm vú không, sẽ tạo ra thói quen rất xấu. Để biết bé đã uống đủ sữa chưa, mẹ có thể luồn ngón út vào trong miệng bé, nếu con vẫn mút rất mạnh thì mẹ nên bổ sung thêm sữa.
Nhiều bé có hiện tượng ngủ thiếp đi khi đang bú. Các mẹ thường nghĩ rằng đây chỉ là thói quen thông thường của trẻ. Tuy nhiên, đây rất có thể là do bụng bé đang bị đầy hơi. Lúc này, mẹ nên để bé ngồi dậy và ợ hết hơi trong khoảng 1-2 phút rồi tiếp tục cho bé bú nếu bé vẫn muốn.
Những trẻ được cung cấp sữa đầy đủ thường tăng cân đều, phân đi ra khá chặt, vón cục và ánh vàng, da dẻ hồng hào, tươi tỉnh. Bên cạnh đó, trẻ được ăn no, đủ sữa sẽ không quấy khóc nhiều, ngủ ngon và sâu hơn.
Nguồn: Tokid.vn